Nơm nớp lo lũ

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:23, 15/10/2020

(TN&MT) - Những thách thức đối với Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học trên thế giới ngày một trầm trọng (trong đó “đóng góp” lớn của tình trạng phá rừng) là rất lớn.

Rõ nhất là những biểu hiện của thời tiết. Có vẻ thời tiết không phải đang biến đổi, mà biến động, bất thường, có người đã nói đến dị thường, hay đang hỗn loạn?

Hẳn có những quy luật, những chu kỳ nào đó của tự nhiên con người còn chưa lần ra nổi, nhưng cũng chắc chắn không thể chối tác động vô trách nhiệm của con người kiêu ngạo, đến hỗn hào...

 

Trong rất nhiều nguyên nhân mà các nhà khoa học đã chỉ, hầu hết đều ghi cùng một nguyên nhân: Đó là tình trạng phá rừng tàn khốc, đến cùng kiệt ở khắp nơi.

Phá rừng, không chỉ khiến nhiều loài động thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, đa dạng sinh học bị suy giảm trầm trọng, mà còn ảnh hưởng đến sinh kế sinh kế của hàng triệu người. Hơn nữa, các nhà kinh tế thế giới đã chứng minh rằng, nếu không lồng ghép các giá trị của rừng vào kế hoạch chi ngân sách thì các quốc gia và các nền kinh tế sẽ phải trả giá đắt. Sự bần cùng hóa là tất yếu bởi việc gây tổn hại đến sự sống của rừng, trong khi rừng hỗ trợ cho đời sống hàng ngày của chúng ta.

Quá nhiều tác động xấu đang hiện hữu và cả những nguy cơ được cảnh báo.

Lại thấy trước mắt, những cơn lũ kinh hoàng đang hoành hành ở miền Trung!

Ở miền Trung - mà cả nước đều vậy - ngày xưa chỉ có lụt và lụt, là mùa rất vui, thậm chí thân thiết, mỗi năm, trở lại một lần. Người ta chờ nước lụt, nước lên từ tốn, ruộng đồng được tưới tắm phù sa, cũng là lúc làm ăn rộn rã, có lẽ cũng tương tự như mùa nước nổi ở Nam Bộ thuở nào. Nhưng bây giờ, không còn lụt, chỉ có lũ. Lũ là nước đột ngột đổ ập xuống, như thác, hung bạo, nhanh và dữ. Lũ không mang phù sa đến, lũ quét sạch tất cả những gì nó gặp trên đường đi, và kéo đất đá từ trên rừng xuống lấp hết ruộng đồng.

Nhà văn Nguyên Ngọc từng viết rằng: Rừng đơn giản là tất cả, bao trùm và thiết yếu, là sự sống, sự vĩnh hằng, là chốn nguyên lai bất tận của tâm linh, cội nguồn của văn hóa, là nơi con người từ đó mà đi ra để thành người và rồi lại sẽ trở về trong thăm thẳm không cùng của nó để lại trở thành tự nhiên vĩnh hằng, như con từ trong lòng mẹ sinh ra và sẽ trở về tan hòa mãi mãi trong lòng mẹ...

Nhưng giờ đây, mỗi lần nghe đài báo có gió mùa hay áp thấp nhiệt đới là người dân vùng lũ lại nơm nớp lo. Bởi sau nó sẽ là núi sập, rừng trôi! Bởi, đứa con của tự nhiên là con người đang trở nên hỗn hào hơn bao giờ hết với mẹ tự nhiên của mình.

Điểm lại xem, bây giờ chúng ta còn bao nhiêu rừng nguyên sinh? Cao su tuyệt đối không phải là rừng. Một quy luật vận hành ổn định, điều hòa, thông minh của tự nhiên đã bị triệt diệt, nhanh và cơ bản hơn tất cả mọi giai đoạn từng có trong lịch sử. Một quy luật khác đã được thiết lập, quy luật của hỗn loạn.

Đi sau, chúng ta có thể khôn ngoan hơn như lẽ ra phải thế. Nhưng, sự vội vã, kiêu căng và lòng tham không đáy, đã che mắt chúng ta. Tiếp tục che mắt chúng ta. Chúng ta vẫn hăng lắm trong việc chặt phá nốt đôi chút còn lại và đang bắt đầu một công cuộc đào bới hung dữ.

Biết đến bao giờ, con cháu chúng ta có thể được dạo chơi trong những cánh rừng, đứng trên non cao mà mát mắt với rừng thẳm? Để khi đó, chúng kể câu chuyện rằng, cha ông chúng từng rất dại dột, nhưng rồi cũng đã từng biết khôn ngoan, để cho sự sống từng sắp bị triệt diệt, lại được cứu, lại sinh sôi, phát triển, trường tồn!? Bao giờ nhỉ?!

Ngọc Lý