Lai Châu: Tăng cường quản lý chất thải rắn

Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 12:14, 13/10/2020

(TN&MT) - Nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong công tác quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, đảm bảo vệ sinh môi trường, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về việc tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.

Công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại các địa phương được chú trọng.

Trong thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã được các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm, bước đầu đã tạo sự chuyển biến và đạt được một số kết quả nhất định. Chất thải rắn được thu gom, vận chuyển và xử lý đúng quy định; chính quyền cấp huyện, cấp xã đã quan tâm đầu tư hệ thống thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại các địa phương; hoạt động truyền thông về môi trường được thực hiện; ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường của người dân, tổ chức được nâng lên; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị hàng năm được nâng lên. Kết quả quan trắc môi trường hàng năm, các chỉ số môi trường được đảm bảo; không phát sinh các khu vực ô nhiễm môi trường lớn.

Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý, thu gom và xử lý chất thải rắn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số công trình thi công xây dựng thủy điện, giao thông, khai thác khoáng sản…, đổ thải không đúng vị trí gây cản trở dòng chảy các sông suối, nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước; chất thải sinh hoạt tại một số khu vực dân cư chưa được thu gom, xử lý đúng quy định. Bên cạnh đó, việc lạm dụng các sản phẩm từ nhựa đã trở thành thói quen trong sinh hoạt, những sản phẩm này thải ra môi trường sau khi sử dụng rất khó phân hủy, đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe con người.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do nhận thức, ý thức của một số tổ chức, một bộ phận người dân chưa cao; một số công trình thi công xây dựng thủy điện, giao thông, khai thác khoáng sản…, đổ thải gần để giảm chi phí vận chuyển; một bộ phận người dân chưa từ bỏ thói quen sử dụng các sản phẩm từ nhựa do chi phí rẻ, có nhiều tiện lợi.

Một số địa phương xây dựng lò đốt rác theo nhóm hộ góp phần xử lý rác thải nông thôn.

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong công tác quản lý chất thải rắn, thu gom, vận chuyển, xử lý đảm bảo môi trường, UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố, tiếp tục tổ chức tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn; chỉ đạo thực hiện Kế hoạch/Bản cam kết và phong trào chống rác thải nhựa tại cơ quan, đơn vị theo Kế hoạch của UBND tỉnh: số 546/KH-UBND ngày 09/4/2019 về triển khai phát động phong trào "Chống rác thải nhựa"; số 85/KH-UBND ngày 15/01/2020 về triển khai tính toán bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của tỉnh Lai Châu.

Gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần như túi ni-lông khó phân hủy, bao gói nhựa thực phẩm, chai lọ nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm...); không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút.... dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, dễ tiêu hủy và thân thiện với môi trường; chỉ đạo thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại các trụ sở cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư, hộ gia đình để phân loại chất thải nhựa và các chất thải khác có thể tái chế, không để lẫn với chất thải hữu cơ. Khuyến khích xây dựng và thực hiện các mô hình kiểu mẫu để làm cơ sở nhân rộng cho các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực và địa bàn quản lý.

Bên cạnh đó, thực hiện tuyên truyền, tập huấn bằng các hình thức phù hợp nâng cao nhận thức cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và người dân về phân loại, thu gom, giảm thiểu chất thải rắn, nhất là chất thải nhựa; phối hợp các tổ chức, cá nhân có liên quan vận động người dân hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, không xả chất thải rắn, chất thải nguy hại vào sông, suối để bảo vệ môi trường.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường là đầu mối tham mưu UBND tỉnh về công tác quản lý chất thải rắn; chủ trì tổ chức quản lý, kiểm tra các hoạt động bảo vệ môi trường về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, việc sử dụng đất xây dựng mới các khu xử lý chất thải rắn. Tăng cường kiểm tra công tác xử lý chất thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý chất thải rắn trong sản xuất, sinh hoạt, phòng chống rác thải nhựa.UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo các sở, ngành, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của các mình xây dựng kế hoạch cụ thể để tăng cường quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, thẩm định chặt chẽ hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhất là việc thu gom, xử lý chất thải rắn của các dự án thủy điện, khai thác khoáng sản, thi công công trình giao thông trên địa bàn tỉnh, phải đảm bảo diện tích bãi thải, các biện pháp thu gom, xử lý đảm bảo môi trường; xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm về đổ thải, xử lý chất thải rắn.

 

Sở Y tế hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện đúng quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động quản lý chất thải y tế nguy hại; nghiêm túc thực hiện kế hoạch thu gom, phân loại chất thải y tế nguy hại, chất thải y tế thông thường ngay tại nguồn; giảm thiểu chất thải nhựa tại các bệnh viện, cơ sở y tế; đưa nội dung giảm thiểu chất thải nhựa là một tiêu chí đánh giá cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố rà soát, điều chỉnh Đồ án Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Lai Châu đến năm 2030 có tính đến tình hình biến đổi khí hậu, đảm bảo quy hoạch và xác định rõ các điểm xử lý chất thải rắn sinh hoạt đến cấp xã hoặc cụm xã. Hướng dẫn quản lý đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng; phương pháp lập, quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt và giám sát, kiểm tra thực hiện. Rà soát, tham mưu ban hành đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo phù hợp thực tế trên địa bàn tỉnh.

Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí kinh phí ngân sách đảm bảo cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; nâng cấp cải tạo các bãi chôn lấp trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu chôn lấp hợp vệ sinh; thường xuyên kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí chi sự nghiệp bảo vệ môi trường của các huyện, thành phố.

Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư, sửa chữa, nâng cấp xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại một số huyện vào giai đoạn đầu tư trung hạn.

Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh thẩm định đối với công nghệ xử lý chất thải rắn mới được áp dụng lần đầu trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn ứng dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện địa phương.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện hướng dẫn thu gom chất thải rắn phát sinh trong hoạt động nông nghiệp, nhất là chất thải trong hoạt động bảo vệ thực vật; chú trọng tái sử dụng, tái chế chất thải phát sinh để làm phân bón hoặc dùng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; rà soát việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong đó gắn với việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác các khu du lịch, điểm du lịch phải thực hiện tốt các yêu cầu về môi trường. Niêm yết quy định về bảo vệ môi trường tại các khu du lịch, điểm du lịch, đặt tại vị trí thuận lợi, dễ quan sát; lắp đặt, bố trí các thiết bị thu gom rác thải, các công trình vệ sinh, hợp đồng với đơn vị chức năng vận chuyển, xử lý rác thải theo quy định. Bố trí nhân lực thực hiện công tác vệ sinh, thu gom rác thải tại các khu du lịch, điểm du lịch.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phân loại rác tại nguồn, phương pháp xử lý rác thải, tác hại của nhựa dùng một lần và ni-lông, không xả rác thải vào sông, suối ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người; biểu dương tổ chức, cá nhân điển hình sử dụng sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần và túi ni-lông.

Sở Giao thông vận tải chỉ đạo, giám sát các đơn vị từ bước thẩm định dự án, thi công công trình giao thông, xử lý sạt lở tại các công trình giao thông trên địa bàn thực hiện thu gom, xử lý chất thải rắn đảm bảo an toàn về sinh thái, môi trường.

UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu các huyện, thành phố rà soát các điểm, bãi chôn lấp rác thải trên địa bàn. Trong ảnh: Bãi xử lý rác thải huyện Tân Uyên.

UBND các huyện, thành phố rà soát các điểm, bãi chôn lấp rác thải trên địa bàn huyện; đề xuất điều chỉnh Đồ án Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn đảm bảo phù hợp với Quy hoạch, kế hoạch tổng thể về vệ sinh môi trường của huyện, thành phố. Xử lý các điểm tập kết, cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt không đúng quy định, thực hiện không đầy đủ các yêu cầu bảo vệ môi trường trong thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; ưu tiên bố trí kinh phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đảm bảo về môi trường.

Cùng với đó, chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện các biện pháp xử lý chất thải rắn tại các bãi rác tạm thời đảm bảo cảnh quan và vệ sinh môi trường. Vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh, khách sạn, nhà hàng,...và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện cam kết giảm thiểu rác thải nhựa, chuyển từ sử dụng túi ni lông khó phân hủy sang loại chất liệu khác khác thân thiện với môi trường; tuyên truyền, vận động nhân dân thu gom, phân loại rác tại nguồn, chất thải nhựa và các chất thải khác có thể tái chế không đổ lẫn với chất thải hữu cơ, không xả chất thải sinh hoạt, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng vào nguồn nước. Giám sát quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng tại các công trình thủy điện, cơ sở khai thác khoáng sản, thi công công trình giao thông, xử lý sạt lở tại các công trình giao thông nhằm hạn chế đổ thải không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường.

Các chủ đầu tư dự án khai thác khoáng sản, công trình thủy điện, thi công công trình giao thông, xử lý sạt lở tại các công trình giao thông … thực hiện nghiêm quy định về lập hồ sơ bảo vệ môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi thi công dự án; tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường theo hồ sơ bảo vệ môi trường đã được phê duyệt/xác nhận. Trường hợp xảy ra sự cố về chất thải phải kịp thời có phương án khắc phục, đồng thời báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi thực hiện dự án, hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan biết để chỉ đạo, phối hợp xử lý.

Hà Thuận