Đóng góp sáng kiến quản lý bền vững rừng phòng hộ Việt Nam
Môi trường - Ngày đăng : 12:10, 13/10/2020
Hội thảo tạo diễn đàn cho các bên liên quan đóng góp các kiến nghị, sáng kiến một cách hiệu quả và thực tiễn.
Quản lý bền vững diện tích rừng được giao còn nhiều thách thức
Theo ông Nguyễn Quốc Dựng, Viện Điều tra Quy hoạch rừng, mặc dù hệ thống rừng phòng hộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong đảm bảo an ninh môi trường quốc gia, thực tế những năm vừa qua cho thấy các ban quản lý và các chủ rừng phòng hộ đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức trong việc duy trì hoạt động và quản lý bền vững diện tích rừng được giao. Diện tích và chất lượng rừng phòng hộ ở nhiều địa phương có xu hướng giảm sút, bị tác động mạnh mẽ bởi các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong khi năng lực và đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ rừng còn rất nhiều bất cập.
Bên cạnh đó là nhiều hạn chế khác về chính sách hưởng lợi từ việc quản lý bảo vệ rừng để tạo động lực cho việc bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, phát triển rừng trồng và đảm bảo đời sống kinh tế bền vững cho cộng đồng sống gần rừng nhằm giảm áp lực lên diện tích rừng phòng hộ.
Ông Nguyễn Quốc Dựng, Viện Điều tra Quy hoạch rừng phát biểu tại hội thảo |
Ông Ngô Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm CORENARM cho rằng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững là việc bắt buộc ở các chủ rừng tổ chức, tuy nhiên tiến độ thực hiện và lộ trình rất khác nhau.
Cụ thể, tại Thanh Hóa, hầu hết các Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) đều chỉ mới chuẩn bị khung và bản thảo của phương án; riêng BQLRPH Lang Chánh đã có phương án phê duyệt và được cấp chứng chỉ FSC/FM (2019). Tại Nghệ An, chưa có phương án QLRBV, đang vướng mắc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hà Tĩnh đang triển khai điều tra và xây dựng phương án, nhận hỗ trợ từ tư vấn. Tại Quảng Bình, một số đơn vị đã có phương án QLRBV theo Thông tư 38/2014/TT-BNNPTNT Hướng dẫn về Phương án quản lý rừng bền vững, hiện đang điều chỉnh theo Thông tư 28…
Ông Ngô Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm CORENARM phát biểu |
Ông Ngô Trí Dũng nhận định: “Xây dựng phương án QLRBV tùy vào đặc thù của từng tỉnh, theo dự án hỗ trợ tư vấn, kinh phí, lộ trình. Phần lớn các BQLRPH hoạt động dựa vào nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng, do vậy kinh phí xây dựng phương án còn hạn hẹp, dẫn đến chậm triển khai xây dựng phương án. Ngoài ra, tính chủ động từ các BQL trong xây dựng phương án chưa cao, do thiếu động lực triển khai”.
Định hướng quản lý về chính sách và quản lý rừng phòng hộ
Tại hội thảo, ông Đồng Anh Đài (Chuyên viên Vụ quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT) cho biết: Luật Lâm nghiệp 2017 quy định nhiệm vụ rừng phòng hộ gồm: bảo vệ nguồn nước, đất, chống xói mòn, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai… và cung ứng các dịch vụ môi trường rừng. Để bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua Chính phủ ban hành nhiều chính sách phát triển rừng phòng hộ, kết hợp vào cuộc các cấp chính quyền địa phương cùng chủ rừng bước đầu đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao độ che phủ rừng, tạo sinh kế người dân miền núi...
Tuy nhiên, một số địa phương ven biển đặt mục tiêu Phát triển kinh tế nên đã chuyển đổi đai rừng phòng hộ chắn sóng, chắn cát thành khu chế xuất, nghỉ dưỡng… dẫn đến đai rừng giảm về diện tích, hạn chế chức năng phòng hộ vốn có.
Ông Đồng Anh Đài (Chuyên viên Vụ quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT) cho rằng cần có định hướng quản lý về chính sách và quản lý rừng phòng hộ |
Theo ông Đồng Anh Đài, cần có định hướng quản lý về chính sách và quản lý rừng phòng hộ. Cụ thể, xây dựng nội dung Chiến lược phát triển rừng phòng hộ giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến 2040 để tích hợp Chiến lược phát triển lâm nghiệp; Ban quản lý rừng phòng hộ xây dựng “Phương án quản lý rừng bền vững đến năm 2030” theo hướng dẫn tại Thông tư số 28/2018/TT-BNNPTNT.
Ngoài ra, xác lập quyền sở hữu cho chủ rừng như: thực hiện giao đất, giao rừng cho các BQL rừng phòng hộ; xác định rõ ranh giới trên bản đồ, cắm mốc ngoài thực địa để phục vụ công tác quản lý rừng, theo dõi, thống kê, kiểm kê và lập hồ sơ quản lý rừng theo lô, khoảnh, tiểu khu rừng.
Toàn cảnh hội thảo |
Đồng thời, củng cố, kiện toàn tổ chức lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của các Ban Quản lý rừng phòng hộ đảm bảo hoạt động có hiệu quả đúng theo quy định; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Ban Quản lý rừng phòng hộ với chính quyền và các đoàn thể ở địa phương; xây dựng Nghị định chính sách đầu tư cho hệ thống rừng phòng hộ nằm trong chính sách đầu tư chung cho lĩnh vực lâm nghiệp.
Ông Đồng Anh Đài cho rằng cũng cần xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật phục vụ rừng phòng hộ. Đây là vấn đề quan trọng để hổ trợ các BQL và hệ thống quản lý Nhà nước thực hiện các hoạt động công ích…
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, cho đến nay Việt Nam đang có khoảng 4,64 triệu hecta rừng phòng hộ, bao gồm 3,84 triệu hecta rừng tự nhiên phòng hộ đầu nguồn và các loại hình khác như rừng chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng ven biển, rừng bảo vệ môi trường. Đa số diện tích này được quản lý bởi 231 ban quản lý rừng phòng hộ thuộc các cấp khác nhau. Bên cạnh đó, có số diện tích nhỏ với khoảng trên 330 nghìn hecta đang được cộng đồng, các hộ gia đình, lực lượng vũ trang và các bên khác quản lý.