Từ 12-14/10: Chỉ số tia cực tím có nguy cơ gây hại rất cao ở một số nơi

Môi trường - Ngày đăng : 18:36, 11/10/2020

(TN&MT) - Trong ba ngày đầu tuần (12-14/10), dự báo của ứng dụng AirVisual cho biết, chất lượng không khí ở thành phố Hà Nội ở mức xấu, những người bình thường bắt đầu bị ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 11/10, chỉ số tia cực tím (UV) cao nhất tại Hải Phòng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và Cần Thơ ở mức rất cao.

Tại các thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) và Cà Mau (tỉnh Cà Mau) có chỉ số tia cực tím thấp hơn, cao nhất chỉ ở mức cao.

Thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) có chỉ số tia cực tím cao nhất ở mức trung bình. Riêng thành phố Đà Nẵng và Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế), chỉ số này chỉ ở mức thấp.

Dự báo trong ngày 12-13/10, chỉ số tia cực tím cao nhất, các thành phố phổ biến ở nguy cơ gây hại cao, ngoại trừ Thành phố Hồ Chí Minh, Hội An và Nha Trang có nguy cơ gây hại rất cao trong ngày 12/10.

Các thành phố Đà Nẵng, Huế và Hội An có nguy cơ gây hại trung bình trong ngày 13/10. Ngày 14/10, tia cực tím cực đại tiềm năng tại các thành phố ở mức nguy cơ gây hại trung bình.

Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, con người có khả năng bị say nắng, chuột rút hoặc kiệt sức vì nóng khi tiếp xúc hoặc hoạt động thể chất kéo dài. Việc tiếp xúc quá lâu với tia cực tím sẽ gây tổn thương và có nguy cơ dẫn đến ung thư da, gây ra ức chế hệ thống miễn dịch.

Các nhà khoa học cho rằng, bị cháy nắng có thể làm thay đổi sự phân bố và chức năng của các tế bào bạch cầu trong vòng 24 giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng. Nếu tình trạng này lặp đi lặp lại lâu dài sẽ gây hại nhiều hơn đến hệ thống miễn dịch của con người.

Chỉ số tia cực tím dao động từ 3-5 là trung bình, từ 6-7 là cao, từ 8-10 là rất cao, gây bỏng trong thời gian 25 phút, chỉ số cực tím từ 11 trở lên được xem là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, nguy cơ làm tổn thương da, mắt bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút nếu không được bảo vệ; chỉ số tia cực tím ở mức 12 là mức nguy hiểm cực độ.

Tia cực tím có thể xuyên qua mây và các loại cửa kính, bởi vậy người dân nên áp dụng các cách phòng tránh như mặc quần áo bảo hộ, dùng mũ rộng vành để che mặt, cổ và tai; đeo kính râm bảo vệ mắt - lựa chọn chất liệu tròng kính có khả năng chống nắng, độ hấp thụ tia cực tím từ 99-100% sẽ bảo vệ tốt nhất cho mắt và vùng da xung quanh; bổ sung hoa quả tươi giàu vitamin C; sử dụng kem chống nắng đều đặn mỗi khi ra ngoài, ngay cả khi trời nhiều mây.

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thời tiết, phương tiện giao thông vẫn là yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng không khí các tỉnh, thành phố phía Bắc. Việc chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm đang khiến các chất ô nhiễm bị nén ở tầng thấp, không được khuếch tán dẫn đến chất lượng không khí có xu hướng xấu trong một số ngày, tập trung vào đêm và sáng sớm.

Trong ba ngày đầu tuần (12-14/10), dự báo của ứng dụng AirVisual cho biết, chất lượng không khí ở thành phố Hà Nội ở mức xấu, những người bình thường bắt đầu bị ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Người dân cần hạn chế mở cửa sổ và tập thể dục ngoài trời, nên đeo khẩu trang chống bụi khi ra đường.

Để góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí, người dân cần giảm thiểu đun bếp than tổ ong, thu gom và không tự ý đốt rác thải, người dân khu vực ngoại thành không đốt rơm rạ.../.

Việt Khang