Bão, lũ đang “hoành hành”: Đà Nẵng gió bắt đầu giật mạnh

Môi trường - Ngày đăng : 11:48, 11/10/2020

(TN&MT) - Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề ở các tỉnh miền Trung chưa kịp rút, nơi đây lại tiếp tục đối diện với áp thấp sẽ mạnh lên thành bão, đổ bộ gây mưa rất lớn và ngập lụt kéo dài trong nhiều ngày tới…

Thông tin được ông Lê Văn Tuyến, Chánh văn phòng ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Đà Nẵng cho biết sáng 11/10.

Cụ thể, sáng 11/10, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành cơn bão số 6. Hồi 4 giờ ngày 11/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 110,6 độ Kinh Đông, cách Quảng Nam khoảng 240km, cách Quảng Ngãi khoảng 180km, cách Bình Định khoảng 170km.

Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề ở các tỉnh miền Trung

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định. Đến 16 giờ ngày 11/10, vị trí tâm bão ở trên đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Do ảnh hưởng của bão số 6, trong sáng nay, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã quan trắc được gió cấp 8, giật cấp 9. Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã có mưa rất to, từ 100-150mm.

Do ảnh hưởng của bão, ở khu vực Giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, sóng cao 3-5m, biển động rất mạnh. Vùng biển các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, sóng cao 2-4m; biển động rất mạnh.

Nhiều khu vực ở Hòa Vang (Đà Nẵng), đường biến thành... sông

Hiện nay, tổng lượng mưa đến sáng 11/10 tại một số trạm như sau: Hiên: 769mm; Khâm Đức: 448mm; Thành Mỹ: 727mm; Hội Khách: 911mm; Ái Nghĩa: 1004mm; Cẩm Lệ: 670; Sơn Trà: 412mm; Đà Nẵng: 782mm; Hòa Bắc: 882mm.

Dự báo, từ nay đến ngày 13/10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có mưa rất to, có nơi đặc biệt to với tổng lượng mưa phổ biến ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam từ 500-700mm.

Do mưa lớn, mực nước các hồ chứa cũng tăng. Cụ thể hồ chứa Hòa Trung: Mực nước: 41,20m/41,10m; Hồ chứa Đồng Nghệ: Mực nước: 32,20m/33,3m. Một số hồ vừa và nhỏ đã đầy.

Người dân Hòa Vang, Đà Nẵng phải sử dụng ghe thuyền làm phương tiện di chuyển

Cũng theo ông Tuyến, ngoài mưa lớn, các hồ thủy điện Sông Bung 4A, Sông Bung 4, A Vương đã bắt đầu xả tràn để vận hành đưa mức nước về dưới mực nước đón lũ.

Tính đến sáng 11/10 mực nước các hồ thủy điện như sau: A Vương 373,00/370 (m), Q xả tràn + chạy máy: 622,5m3/s ; Đakmi 4: 252,98/251,5 (m), Q xả tràn 125,99 m3/s ; Sông Bung 4: 219,91/216 (m), Q xả tràn + chạy máy: 700m3/s.

Trước tình trên, Đà Nẵng cũng cho triển khai di dời dân với 754 hộ, 2.567 người. 

Cụ thể, huyện Hòa Vang đã di dời 752 hộ (2.558 người), trong đó: Hòa Nhơn: 158 hộ (661 người); Hòa Phong: 133 hộ (364 người); Hòa Phú: 10 hộ (31 người); Hòa Liên: 7 hộ (18 người); Hòa Bắc: 9 hộ (28 người); Hòa Ninh: 3 hộ (5 người); Hòa Khương: 414 hộ (1421 người); Hòa Châu: 5 hộ (16 người); Hòa Tiến: 13 hộ (14 người). Quận Cẩm Lệ: 02 hộ (09 người) phường Hòa Thọ Tây.

Đến gần trưa nay (11/10), gió bắt đầu giật mạnh tại Đà Nẵng do ảnh hưởng của bão

Đến nay, do ảnh hưởng mưa lũ, Đà Nẵng đã ghi nhận 3 người mất tích gồm 01 người tại Hòa Khương, trượt chân tại khu vực sau tràn Hồ Đồng Nghệ; 02 người của tàu ĐNa 90988-TS bị mất tích trên biển. 01 người của quận Hải Châu, do kính ban công bị gió lốc rơi làm bị thương ở chân đã nhập viện điều trị. 

Do ảnh hưởng của bão số 6, từ sáng sớm ngày 11/10, khu vực ven biển tại Đà Nẵng bắt đầu có gió giật mạnh, khiến cây cối nghiêng ngả và đổ gãy, việc di chuyển đi lại của người dân gặp khó khăn. 

Gió giật mạnh, đường sá ngập ngụa trong nước, người dân nhanh chóng sơ tán sang các vùng an toàn tránh nguy hiểm

Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT và TKCN TP Đà Nẵng, tính đến 7h ngày 11/10 còn 8 tàu/79 lao động đang hoạt động trên biển (Khu vực QĐ Hoàng Sa: 3 tàu/32 lao động; ven biển Huế - Đà Nẵng: 4 tàu/37 lao động; ven biển Bình Thuận: 1 tàu/10 lao động), các phương tiện đã nắm được thông tin về thời tiết nguy hiểm để chủ động phòng tránh.

 

Xuân Lam