Thừa Thiên Huế: Hơn 24.000 nhà chìm trong nước, lũ trên sông Bồ vượt mốc lịch sử năm 1999

Môi trường - Ngày đăng : 15:03, 10/10/2020

(TN&MT) - Mưa lớn khiến toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện đã có 24.520 nhà dân bị ngập, một người chết. Trong khi đó, mực nước sông Bồ đã vượt mức lũ lịch sử năm 1999. Các địa phương vùng hạ du đang chìm trong lũ.

Hàng ngàn ngôi nhà ở Thừa Thiên Huế chìm trong biển nước, người dân đi lại bằng thuyền

Hơn 24.000 nhà chìm trong nước

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay toàn tỉnh có 24.520 nhà dân bị ngập tử 0,2 – 1,2m, có nơi sâu hơn; trong đó thị xã Hương Trà bị ngập 9.455 nhà, huyện Quảng Điền có 6.550 nhà ngập, huyện Phong Điền 4.348 nhà ngập, TP. Huế có 2.560 nhà bị ngập… Tại huyện Phong Điền, đã có 14/16 xã, thị trấn bị ngập lụt, có nơi đã ngập sâu 2m, nhiều khu dân cư bị chia cắt. Người dân phải vất vả di chuyển bằng ghe thuyền...

“Nhà tôi bị ngập nữa nhà từ đêm qua vì mưa rất to khiến nước lũ lên quá nhanh, lực lượng công an đã đưa cả gia đình đến nơi an toàn”, một người dân ở Phong Điền chia sẻ.

Hiện các địa phương đã tổ chức di dời 2.865 hộ dân với 8.360 nhân khẩu từ vùng ngập lụt, có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Trong đó, huyện Phong Điền di dời 1.077 hộ, huyện Quảng Điền di dời 422 hộ, thị xã Hương Trà di dời 942 hộ… Đây là những địa phương thuộc vùng thấp trũng, nằm ở hạ lưu sông Bồ và sông Ô Lâu.

Lực lượng công an đưa người dân ra khỏi vùng ngập lụt

Mực nước các sông tại tỉnh Thừa Thiên Huế cũng dâng cao: sông Hương 2,57m, vượt báo động 2 là 0,57m; sông Bồ đang ở mức 5,21m, vượt báo động 3 là 0,71m… Do triều cường và sóng cao nên khả năng thoát lũ chậm. Trước đó, vào khoảng 23h ngày 9/10, mức nước trên sông Bồ đã đạt 5,24m, vượt báo động 3 là 0,74m và cao hơn mực nước lũ lịch sử năm 1999 là 0,06m. Hiện hồ thủy điện Hương Điền đạt +57,71m (mực nước dâng bình thường 58m), lưu lượng nước điều tiết về hạ du của thủy điện này gần như bằng với lưu lượng nước đến hồ với 3.426 m3/s, khả năng nước sông Bồ vẫn còn cao.

Hai hồ chứa thủy lợi Tả Trạch và thủy điện Bình Điền trong sáng 10/10 tức tốc xả nước với lưu tốc tăng từ 900-1500m3 (hồ Tả Trạch) và  500-1500m3 (hồ Bình Điền).

Mưa lũ hiện đã khiến 1 người chết, 6 người bị thương đang được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2. Tuyến QL 1A qua địa bàn tỉnh bị ngập cục bộ tại nhiều điểm tại xã Phong An (huyện Phong Điền), thị xã Hương Trà, xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc). Hơn 10km bờ sông, bờ biển... bị sạt lở nặng nề. Điện lực Thừa Thiên Huế đã cắt điện chủ động tại các địa bàn bị ngập sâu khiến nhiều nơi đang không có điện.

Người dân xúc động khi được hỗ trợ lương thực

Không được chủ quan, lơ là

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thiết lập đường dây nóng 19001075 hỗ trợ ứng phó mưa lũ cho người cộng đồng; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai lực lượng di dời dân, ứng cứu, cứu trợ kịp thời, không để ai bị đói, ốm đau không được cấp cứu, chuyển viện do mưa lũ; nhằm giảm thiệt hại ở mức thấp nhất về người và tài sản cho nhân dân. Hiện các cơ quan đoàn thể, tổ chức cũng đang hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân vùng lũ...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu lực lượng chức năng cần cắt cử cán bộ trực tại các điểm xung yếu không để người dân đi lại tự do dễ ảnh hưởng đến tính mạng của người dân. Di dời ngay các hộ còn ở trong vùng ngập lụt đến vùng cao hơn (ở tạm nhà bà con làng xóm hoặc nhà văn hóa tổ, trường học...); không được chủ quan lơ là trong công tác ứng phó mưa lũ, tính mạng của con người là quan trọng nhất. Đặc biệt là đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế thị sát vùng mưa lũ

Do tình hình mưa lũ vẫn diễn biến bất thường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị lãnh chính quyền địa phương chỉ đạo một cách quyết liệt và có biện pháp mạnh đối với những hộ cố tình không di dời đến nơi an toàn. Theo dõi sát sao, nắm chắc tình hình, chủ động đối phó với những diễn biến khó lường của mưa lũ với phương châm “4 tại chỗ”; đặc biệt đối với những địa bàn có nguy cơ bị lũ quét, địa phương và các ngành chức năng có phương án cụ thể để tiếp tục di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện túc trực 24/24h để triển khai các phương án cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra.

Đồng thời tập trung tuyên truyền, thông báo để người dân biết, nắm bắt thông tin và nâng cao tinh thần chủ động, sẵn sàng đối phó với những diễn biến bất thường của thời tiết...

Hiện toàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn đang có mưa rất to, toàn bộ học sinh đã được cho nghỉ học đến hết tuần để đảm bảo an toàn.

Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục cập nhật.

Bài, ảnh: Văn Dinh