Lắng nghe những lời trách cứ

Xã hội - Ngày đăng : 11:06, 08/10/2020

(TN&MT) - Trước mỗi kỳ họp Quốc hội, các vấn đề nóng bỏng, quốc kế dân sinh lại được người dân bàn thảo, đóng góp ý kiến với mong muốn xây dựng để các chiến lược, đường hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước được trọn vẹn hơn.

Thực tế cho thấy, đã có không ít các ý kiến đóng góp của cử tri cả nước đã giúp Quốc hội có những góc nhìn mới trong xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế xã hội, kịp thời phát hiện những điểm chưa phù hợp, những điều cần làm ngay, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện các quốc sách.

Dù vậy, thẳng thắn đánh giá, việc lắng nghe ý kiến từ cơ sở vẫn chưa thực sự được như mong muốn trong một môi trường ngày càng rộng mở như hiện nay.

Không đâu xa, câu chuyện về ô nhiễm môi trường ở Hà Nội, TP. HCM dù đã được nói tới rất nhiều nhưng những biện pháp khả thi lại chưa có. Nhiều dòng sông vẫn phải oằn mình tiếp nhận đủ loại chất thải của các thành phố, các nhà máy công nghiệp hai bên bờ. 

Bụi mịn ở Hà Nội. Ảnh: VOV

Môi trường Thủ đô Hà Nội cũng đang phải hứng chịu một lượng bụi khổng lồ từ cuộc “chuyển mình” thiếu sự quan tâm đến môi trường. Và rồi, còn nhiều lắm những bức xúc từ cơ sở chưa được tỏ bày - Còn đó với bao câu hỏi về hiệu lực thực thi pháp luật của các cơ quan công quyền!? Thực tế cho thấy, có không ít vụ việc (như chuyện thực phẩm chứa chất nguy hại tới sức khỏe người dân, chuyện xả thải “giết chết” những dòng sông…) chỉ sau khi xảy ra người ta mới giật mình, mới “xuất hiện” để “nói cho rõ” nguyên nhân. Việc ngăn chặn ngay từ đầu để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc dường như còn rất mới!? Ở đây, hiệu lực của pháp luật, những vướng mắc về quan hệ, mâu thuẫn địa phương trong cách xử lý... đang dai dẳng tồn tại!? Qua đó cho thấy, hiệu lực và hiệu quả của các cấp chính quyền dường như chưa làm người dân an lòng; đang làm cản trở hàng loạt nỗ lực của Chính phủ trong tiến trình cải cách hành chính. Một sự nhất trí cao trong các phòng họp chưa thực sự được đồng lòng trong hành động nơi thực tiễn.

Thủ tướng vừa ký Quyết định 1499 phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước của các cơ quan hành chính Nhà nước và biên chế của các hội có tính chất đặc thù trên cả nước năm 2021.

Theo đó, tổng biên chế công chức năm 2021 của các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, biên chế của các hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước và biên chế công chức dự phòng là 249.650 biên chế, giảm khoảng 3.800 biên chế so với hiện nay.

Nếu chỉ nhìn vào các con số cơ học này, sẽ thấy những tín hiệu vui. Song, điều quan trọng vẫn là chất lượng đội ngũ thực thi công vụ. Bởi thực tiễn khi nhìn sâu vào thực tế vận hành của bộ máy công quyền, còn không ít vấn đề cần phải tháo gỡ. Bộ máy hành chính, dù đã được cải cách nhiều, nhưng vẫn vận hành chưa đáp úng yêu cầu (nếu không nói là có những bộ phận quá chậm chạp). Tại không ít cơ quan công quyền còn một bộ phận không nhỏ công chức “nhàn rỗi”, hoặc không “đủ trình độ” để giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân. Thế nên, nếu ở đâu người dân vẫn kêu về sự chậm trễ trong hành xử của cơ quan công quyền, nơi đó cần phải xem lại cách bố trí người, cách dụng nhân. Và trên hết là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan dân cử cấp đó.

Rõ ràng, việc lắng nghe những ý kiến đóng góp, biết nghe những lời trách cứ, phê phán người dân không phải nơi nào cũng thực hiện được. Làm sao để điều đó không là nỗi ám ảnh, thực sự là những điều cần thiết, là tấm gương soi mà người lãnh đạo, bộ máy hành chính cần có, cần sử dụng thường xuyên như một trong những công cụ để tự hoàn thiện mình? Điều này không dễ! Một sự thay đổi trong tư duy là điều cần thiết.

Bên cạnh đó, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân trong hoạt động lãnh đạo và luật hóa quyền phê phán của người dân đối với hoạt động của cá nhân người lãnh đạo. Đó cũng là công việc bức bách trong khuôn khổ dân chủ hóa đời sống chính trị, xã hội.

Ngọc Lý