Nam Bộ kháng chiến - mốc son hào hùng đi cùng dân tộc

Trong nước - Ngày đăng : 22:24, 23/09/2020

(TN&MT) - Ngày 23-9, ngày Nam Bộ kháng chiến không chỉ là sự kiện trọng đại đánh dấu nội lực cách mạng của đồng bào miền Nam ruột thịt; mà còn là mốc son đánh dấu đường lối đúng đắn của Đảng ta trong lựa chọn thời điểm và phương pháp lãnh đạo các cao trào đấu tranh cách mạng trong cuộc chiến tranh vệ quốc thần kỳ của dân tộc. 

Diễn biến lịch sử và giờ phút vận mệnh đấu tranh

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam bộ nhất tề đứng lên,
quyết chiến với quân xâm lược, giữ “Lời thề độc lập” Ảnh, Tư liệu

Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ở Ba Đình, Hà Nội, tình hình chống Pháp dâng lên mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Trong khi nhân dân các tỉnh miền Bắc dấy lên phong trào chống thực dân Pháp và đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của phong kiến, thì đồng bào miền Nam chưa tìm ra được “thời cơ và phương pháp, lực lượng đấu tranh”.

Đêm 22, sáng ngày 23-9-1945, quân Pháp sau nhiều ngày khiêu khích đã nổ súng tấn công vào trụ sở Ủy ban nhân dân Nam bộ, trụ sở Quốc gia Tự vệ Cuộc, Bưu điện, Nhà đèn, Kho bạc, Đài Phát thanh. Cuộc nổ súng trên đều có sự hậu thuẫn của Mỹ và thực dân Anh.

Trước tình hình ấy, bà con đồng bào miền Nam đã quyết “nhất tề” đứng dậy với tinh thần “đập tan lũ bán nước và lũ cướp nước”. Để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa chắc thắng, giữa lúc tiếng súng còn nổ vang nhiều nơi trong thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn, rạng sáng ngày 23-9-1945, Xứ ủy và Ủy ban Nhân dân Nam bộ triệu tập cuộc họp liên tịch tại nhà số nhà 629 đường Cây Mai (Nguyễn Trãi, Quận 5 ngày nay) để lấy ý kiến về “phát động kháng chiến”.

Tại cuộc họp này các “nghị trường” đưa ra hai luồng ý kiến như: Biểu tình, đấu tranh đánh Pháp từng bước nhỏ lẻ hay chờ xin ý kiến Trung ương đồng ý thì mới đánh. Cuối cùng, hội nghị kết luận theo tinh thần của Bí thư Xứ ủy Nam bộ Trần Văn Giàu là: “Địch đánh ta thì ta phải đánh lại; ta không đánh lại thì địch càng đánh tới, ta càng mất đất, mất dân, nhất là mất lòng tin của dân. Ta không đánh thì dân cũng đánh mà thiếu tổ chức, thiếu chỉ huy; dân đánh mà ta không đánh thì ta làm sao lãnh đạo được nữa. Phải ngay lập tức giáng đòn vào đầu não Pháp, vận động đông đảo bà con nhân dân Sài Gòn Gia Định đứng lên bãi công, bãi thị, bãi khóa để phản đối quân xâm lược”.

Quân và dân Nam Bộ với gậy tầm vong giáo mác chiến đấu chống thực dân pháp xâm lược. Ảnh tư liệu

Ngay sau thống nhất phương pháp, hình thức, lực lượng đấu tranh, ngay trong ngày 23-9, hàng ngàn người dân Nam bộ, trong đó nhiều nhất là lực lượng thanh niên, học sinh, sinh viên, bà con tiểu thương của khu vực Chợ Lớn đứng dậy biểu tình. Một lực lượng khác biểu tình, đấu tranh ngay trước trụ sở Đại sứ quán Pháp.

Ngay sau khi biết tin đồng bào Nam bộ một lòng đứng dậy kháng Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thư cho đồng bào. Bức thư động viên người dân Sài Gòn hãy chiến đấu để giữ nước nhà: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng ái quốc của đồng bào Nam bộ. Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sỹ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà”.

Như bản hùng ca vang mãi

75 năm trôi qua, tinh thần lựa chọn thời cơ cách mạng đấu tranh và tính “quyết đoán” trong phương pháp đấu tranh mãi là bài học quý cho con đường lãnh đạo của Đảng và những người cộng sản. Nhờ lựa chọn thời cơ đấu tranh cách mạng đúng đắn mà các phong trào đấu tranh của nhân dân ta sau đó bớt đổ máu, phát huy được nội lực tinh thần, huy động được sức mạnh vật chất trong lòng nhân dân, tất cả vì nền độc lập, thống nhất Tổ quốc.

Phát huy tinh thần “Nam Bộ kháng chiến”, những chiến hạm của Vùng 2 Hải quân ngày đêm tuần tra trên biển, giữ yên bình bờ cõi, ảnh Lê Khanh

75 năm qua, ngày Nam bộ kháng chiến không chỉ là “mốc son” mở màn cho phong trào đấu tranh cách mạng của toàn miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ; mà nó còn khẳng định sự đoàn kết một lòng của các tầng lớp nhân dân, tất cả vì hòa bình, độc lập của Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Tuy có những phong trào đấu tranh cách mạng sau ngày Nam Bộ kháng chiến bị “dìm trong biển máu” và không tránh được những mất mát đau thương khi hàng ngàn sinh viên biểu tình trên đường phố Sài Gòn Gia Định bị lính Pháp bắt bớ, đánh đập tàn nhẫn. Song ngày 23-9 mãi mãi mãi là “tiếng thép” làm cho quân thù khiếp sợ phải chùn bước trước tinh thần đấu tranh quật cường của đồng bào miền Nam Việt Nam lúc đó.

Ngày 23-9 đã trở thành ngày lịch sử trọng đại của đất nước và nó còn nguyên giá trị quí báu về bản lĩnh trí tuệ của những người cộng sản Việt Nam trong quyết sách thời cơ trong thời điểm lịch sử gay go ác liệt chẳng khác gì “ngàn cân treo sợi tóc”. Để rồi sau 30 năm trường kỳ kháng chiến, hai đế quốc hùng mạnh nhất của thế kỷ XX đã phải “cút” khỏi Việt Nam. Đưa dân tộc Việt Nam từ bom đạn chiến tranh đến hòa bình thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Đưa nhân dân Việt Nam từ gông xiềng nô lệ thành người làm chủ nước nhà. Đưa đất nước Việt Nam không có tên trên bản đồ thế giới thành đất nước phát triển bền vững về kinh tế, ổn định về chính trị, quốc phòng an ninh vững chắc, sánh vai với các cường quốc năm châu, được thế giới ngưỡng mộ, được nhân loại yêu chuộng và tin tưởng.

Lê Khanh