Thừa Thiên Huế: Nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế biển, đầm phá tại Phú Vang

Kinh tế - Ngày đăng : 14:23, 23/09/2020

(TN&MT) - Phú Vang là huyện đồng bằng ven biển và đầm phá của tỉnh Thừa Thiên Huế, có hàng chục km bờ biển để phát triển đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Địa phương này đã và đang phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững hơn, trở thành địa phương phát triển mạnh về kinh tế biển của tỉnh.

Chiều 22/9, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ đã làm việc với huyện Phú Vang về đánh giá tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện 9 tháng đầu năm, dự ước năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Nỗ lực giữa đại dịch COVID

Phú Vang là huyện có tiềm năng lớn về đánh bắt và nuôi trồng thủy sản với bờ biển dài trên 35km, có cửa biển Thuận An và nhiều đầm phá như đầm Sam, đầm Chuồn, đầm Thanh Lam, đầm Hà Trung, đầm Thủy Tú nằm trong hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai với diện tích trên 6.800 ha mặt nước, là tiềm năng lớn để phát triển đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

Ông Trần Thanh Long - Chủ tịch UBND huyện Phú Vang thông tin, 9 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện chững lại, tăng trưởng chậm, dự ước năm 2020, giá trị tăng trưởng đạt thấp so với kế hoạch, giá trị dịch vụ tăng trưởng âm, công nghiệp -  tiểu thủ công nghiệp và xây dựng ít bị ảnh hưởng nên tăng trưởng ổn định. Nông - lâm - ngư nghiệp tăng trưởng do vụ hè thu được mùa, giá lúa tăng cao.

Phú Vang là địa phương có hàng chục km bờ biển, trong ảnh là biển Thuận An

Giá trị tăng trưởng 9 tháng đạt 3,3%. Trong đó dịch vụ - 6,5%, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), xây dựng 13,3%; nông lâm ngư nghiệp 6,2%. Ước thực hiện năm 2020 là 4,13%. Trong đó: dịch vụ - 5,03%, CN-TTCN, xây dựng 13,83%; nông lâm ngư nghiệp 6,47%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng thêm 2.493 tỷ đồng, đạt 83,9% kế hoạch. Ước thực hiện năm 2020 đạt 2.970 tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 9 tháng là 365,028 tỷ đồng, đạt 116,3% kế hoạch. Ước thực hiện năm 2020 đạt 453,894 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 2.856,3 ha. Sản lượng thu hoạch dự ước được 3.500 tấn, đạt 100% kế hoạch. Về khai thác, tổng số tàu thuyền đánh bắt 1.215 chiếc. Ước sản lượng khai thác thủy sản năm 2020: 29.500 tấn/29.500 tấn, đạt 100% kế hoạch năm. Trong 9 tháng đầu năm được mùa biển, đặc biệt là cá trích và ruốc.

Để đảm bảo 3 mục tiêu phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế như kế hoạch năm đã đề ra, UBND huyện Phú Vang tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 kịp thời, đúng đối tượng. Vận dụng nguồn lực sẵn có tại địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh những khó khăn trước mắt do COVID-19, ưu tiên đối với ngành dịch vụ du lịch, thương mại, vận tải. Tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở sản xuất sau dịch COVID-19. Phối hợp với Sở Công thương tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm các làng nghề gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Đặc biệt, tập trung chỉ đạo các tàu cá đã được UBND tỉnh phê duyệt, tham gia đánh bắt vùng biển xa để mở rộng ngư trường, kết hợp đánh bắt với bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trên biển.

Khai thác thủy sản là thế mạnh của Phú Vang. Ảnh: Lê Thọ

Tập trung phát triển kinh tế biển và đầm phá

Năm 2021, Phú Vang đưa ra mục tiêu tiếp tục phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững; tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế hội nhập. Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, đầm phá gắn với phát triển du lịch. Đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị ở các thị trấn và xã trọng điểm.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đánh giá cao những cố gắng của huyện Phú Vang khi đã tập trung khắc phục khó khăn về dịch bệnh và thiên tai, kịp thời hỗ trợ người dân doanh nghiệp; cơ bản tình hình an sinh xã hội được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Phú Vang tiếp thu ý kiến của các sở, ban ngành tại buổi làm việc này để khắc phục những tồn tại, hạn chế như: tập trung xử lý và giải quyết các loại đơn thư khiếu nại ở một số xã còn vướng mắc; tập trung thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường tại các chợ; quan tâm đến công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch nông thôn mới.

Thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Phú Vang tập trung các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Vận dụng các nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, ưu tiên đối với ngành dịch vụ du lịch, thương mại, vận tải.

Phát triển kinh tế biển, đầm phá là nhiệm vụ trọng tâm của huyện Phú Vang trong thời gian tới

Định hướng phát triển trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, huyện cần tập trung phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển nhanh và bền vững hơn, trở thành địa phương phát triển mạnh về kinh tế biển của tỉnh. Trong đó, tập trung nghiên cứu, chuyển đổi mạnh mẽ, cơ cấu lại sản phẩm nông nghiệp theo hướng hiệu quả hơn; Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm, trong đó phải xác định các sản phẩm chủ lực, đặc trưng để tập trung phát triển. Chú trọng phát triển du lịch dịch vụ thành ngành kinh tế chủ lực của địa phương, trên cơ sở khai thác tốt lợi thế vùng đầm phá và ven biển. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhất là tại khu công nghiệp, các cụm công nghiệp. Tập trung đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng các dự án, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát, đôn đốc tiến độ xây dựng và giải ngân các dự án đầu tư công, đảm bảo chất lượng và hiệu quả công trình...

Văn Dinh