Mối nguy mất kiểm soát

Bất động sản - Ngày đăng : 11:22, 22/09/2020

(TN&MT) - Những vấn đề bức xúc trong quản lý quy hoạch, môi trường đô thị thời gian qua đang khiến người dân không yên lòng.

Có một nghịch lý, nếu mục tiêu tăng nhanh số dân đô thị khiến ngành xây dựng hãnh diện trong các báo cáo, thì ngược lại, các chỉ số tăng mức độ ô nhiễm ở đô thị lại làm đau đầu các nhà quản lý, nhà khoa học bấy nhiêu. Việc phát triển quá độ, không kiểm soát đã gây ra những hệ quả không mong muốn, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân và tương lai đô thị. 

Quá trình đô thị hóa đang tạo ra những hệ lụy của nó mà rõ nhất là những tác động tiêu cực đến môi trường. Đô thị hóa đồng nghĩa với sự gia tăng nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên như vật liệu, đất, nước... Sự thay đổi về chức năng sử dụng đất nhanh chóng cũng gây nên mất cân bằng sinh thái ở nhiều khu vực như: Mất kiểm soát về chức năng và mô hình kiến trúc đô thị, thiếu sự kiểm soát phát triển đồng bộ, thiếu hệ thống dịch vụ xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị, môi trường ô nhiễm, biến đổi khí hậu nước biển dâng… Đó đang là những rủi ro tiềm ẩn.

Quá trình đô thị hóa có những tác động tiêu cực đến môi trường

Nhìn lại quá trình quy hoạch đô thị của một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM mới thấy còn không ít việc phải làm. Tốc độ đô thị hóa quá nhanh ở các thành phố này trong thời gian qua đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các nhà quản lý đã đẩy nhanh mức độ ô nhiễm trong đô thị; không gian cây xanh, mặt nước, không gian giải trí, thể dục, thể thao… cũng ngày càng bị thu hẹp. Môi trường xung quanh con người trở nên ngột ngạt, khả năng tiếp xúc với thiên nhiên trong đô thị ngày càng giảm. Các không gian nghỉ ngơi, giải trí cận kề khu ở gần như biến mất cùng với sự xây dựng bừa bãi theo kiểu "tấc đất tấc vàng".

Điều đáng nói, đã có không ít quy hoạch được làm rất có chất lượng nhưng vẫn không thực hiện được. Quy hoạch chưa đi vào cuộc sống hay nói một cách khác là chưa quản lý được việc xây dựng theo quy hoạch.

Thời gian qua, với một số lượng dự án lớn đầu tư vào Hà Nội và TP.HCM đã làm cho bộ mặt đô thị hai thành phố thay da đổi thịt. Bên cạnh đó, nhân dân giàu lên đã xây dựng nhiều nhà cửa cũng tạo lên nhiều phố phường tấp nập.

Tuy nhiên, cho đến nay, công tác thiết kế đô thị còn rất yếu. Hầu như trong các đô thị lớn số tuyến phố có thiết kế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không những thế, do thu nhập thấp không đủ tiền để xây nhà kiên cố người ta phải làm lều, làm lán ngay bên đường mới mở... những việc làm đó đã tạo ra các khu phố nhếch nhác không theo quy hoạch.

Đô thị hóa thiếu kiểm soát với việc phát triển quá nhanh các khu đô thị cũng đang gây ảnh hưởng đến môi trường thông qua ba con đường: Chuyển đổi đất vào mục đích sử dụng ở đô thị, khai thác và làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, sinh ra nhiều chất thải rắn đô thị. Sự gia tăng số người sống tại các đô thị sẽ kéo theo xu hướng thay đổi thiên nhiên và phạm vi tác động của con người lên môi trường.

Số người tăng lên, tất yếu sẽ đòi hỏi đất, năng lượng, nước và lương thực, bất chấp họ sống trong thành phố hoặc ở nông thôn. Khi thu nhập tăng, họ sẽ tiêu thụ số hàng hóa với lượng lớn và đa dạng hơn. Kết quả là, chất thải đô thị có thể nhanh chóng vượt quá khả năng của hệ sinh thái sở tại để đồng hóa chúng. Hiển nhiên, soi vào thực tiễn Việt Nam thì mối nguy hại đang tập trung tại 2 thành phố được xếp vào loại đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM.

Và như thế, hàng loạt những thách thức đối với quản lý quy hoạch đô thị đang là nhãn tiền mà để giải quyết được rất cần những quyết sách cụ thể cùng một bộ máy thực thi minh bạch.

Ngọc Lý