Hải Dương: Vướng khi cấp đổi Giấy chứng nhận trường hợp sử dụng đất ở có vườn ao

Đất đai - Ngày đăng : 11:21, 22/09/2020

Theo Sở TN&MT tỉnh Hải Dương, hiện trên địa bàn tỉnh đang vướng mắc trong việc xác định lại diện tích đất ở khi cấp đổi GCN đối với các trường hợp sử dụng đất ở có vườn ao từ trước ngày 18/12/1980 (đất cha ông để lại từ lâu đời) nhưng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo pháp luật đất đai hiện hành. Các trường hợp này đã được cấp GCN trước ngày 1/7/2014 (trước khi luật đất đai 2013 có hiệu lực) theo hạn mức do UBND tỉnh quy định là 120 m2, 200 m2, 300 m2.​​​​​​​

Cụ thể, theo quy định hiện nay, tại khoản 5, điều 24, Nghị định 43 thì diện tích đất ở của các hộ dân là diện tích ghi trên GCN (đã cấp trước 1/7/2014) và không được xác định điện tích dất ở do tại thời điểm cấp GCN không có một trong các loại giấy tờ theo quy định tại khoàn 1, 2, 3, điều 100 của Luật Đất đai 2013, Điều 18, Nghị định 43.

 

Tuy nhiên, các hộ dân cho rằng, diện tích đất của họ là đất cha ông để lại, sử dụng trước ngày 18/12/1980 nên phải được công nhận toàn bộ là đất ở, hoặc không quá 5 lần hạn mức giao đất ở do UBND tỉnh quy định.

Bên cạnh đó, việc các hộ sử dụng đất không có giấy tờ là do khi thực hiện Chỉ thị 299/CT-TTg ngày 10/11/1980 của Thủ tướng Chính phủ về “công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký ruộng đất cả nước”, các cơ quan quản lý đất đai tại địa phương đã thực hiện nhưng lưu trữ hồ sơ, tài liệu chưa đầy đủ theo quy định.

Mặt khác, tại thời điểm thi hành Luật đất đai 2003, Chính phủ, Bộ TN&MT đã có hướng dẫn cho một số địa phương theo hướng cho phép áp dụng điểm b, Khoản 1, Điều 50 và Khoản 2 Điều 87 Luật đất đai 2003 và Khoản 2 Điều 45 Nghị định 181 năm 2014 để xác định diện tích đất ở đối với các thửa đất vườn, ao gắn liền với nhà ở cho các trường hợp này khi UBND xã nơi có đất xác nhận không lấn chiếm, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì các toàn bộ diện tích đất vườn, ao của hộ sử dụng dất trước ngày 18/12/1980 không có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì được công nhận là đất ở, hoặc không quá 5 lần hạn mức nếu thửa đất lớn hơn 5 lần hạn mức giao đất do UBND tỉnh quy định.

Cũng theo Sở TN&MT tỉnh Hải Dương, tính đến nay, tỉnh đã cấp mới (cấp lần đầu) và cấp đổi GCN gắn với việc xác định lại diện tích đất ở cho khoảng 80 - 85% số hộ trước thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực. Hiện, còn khoảng 15 - 20% số hộ do pháp luật đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành và các Văn bản hướng dẫn không có quy định cụ thể nên còn gặp vướng mắc.

Hải Dương đang vướng mắc trong việc xác định lại diện tích đất khi cấp đổi GCN đối với đất ở có vườn ao. Ảnh: MH

Để giải quyết vướng mắc này, ngày 1/10/2018 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 22 quy định về hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở. Tuy nhiên quyết định này chỉ tháo gỡ đối với trường hợp cấp lần đầu, còn các thửa đất cũ đã cấp xin xác định lại diện tích đất ở chưa thực hiện được. Sở TN&MT tỉnh Hải Dương cho rằng, việc các hộ dân có nguồn gốc sử dụng đất trước 18/12/1980 do ông cha để lại từ lâu đời, chấp hành các quy định của Nhà nước ra kê khai và làm thủ tục cấp GCN thì được cấp đất ở theo hạn mức cũ, các hộ chưa chấp hành nay làm thủ tục cấp GCN theo Luật Đất đai năm 2003 và theo quy định hiện hành được cấp theo hạn mức mới đã gây ra việc không công bằng, gây bức xúc với các hộ dân.

Chính vì vấn đề này, ngày 26/6/2020, UBND tỉnh đã có Công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các vướng mắc trong công tác này. Trên cơ sở đó, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng giao Bộ TN&MT và Bộ Tư pháp rà soát và có báo cáo về việc xử lý vấn đề này.

Trường Giang