Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 20:33, 17/09/2020
Tại buổi làm việc với Đại sứ Thụy Điển chiều ngày 17/09/2020, Bộ trưởng cảm ơn bà Đại sứ đã đến gặp và làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường sau khi tham gia Phái đoàn EU đến làm việc với Bộ ngày 14/9 vừa qua.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe |
Bộ trưởng đánh giá cao mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp và hiệu quả giữa hai nước trong 50 năm qua, đặc biệt là những hỗ trợ quý báu của Chính phủ và nhân dân Thụy Điển nói chung dành cho Việt Nam và của Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam nói riêng trong thời gian qua đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
Đại sứ Ann Mawe cảm ơn Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã dành thời gian tiếp, khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để đưa quan hệ hai nước trong lĩnh vực tài nguyên môi trường tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Đại sứ bày tỏ ấn tượng về những thành tựu phát triển nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, tài nguyên môi trường, tập trung vào các lĩnh vực đổi mới và phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn và quản lý rác thải…
Đồng thời nhấn mạnh, Thụy Điển ủng hộ Việt Nam để sớm phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), tạo động lực cho hợp tác kinh tế, thương mại, bảo vệ môi trường giữa Việt Nam với các quốc gia thành viên EU, trong đó có Thụy Điển. Ngoài ra, Đại sứ mong muốn Việt Nam tham gia các sáng kiến của Thuỵ Điển về vận động các doanh nghiệp tự cam kết giảm phát thải các bon; sáng kiến hợp tác giữa Thuỵ Điển và Ấn Độ về vận động chuyển đổi nền công nghiệp sử dụng năng lượng hoá thạch sang các nguồn năng lượng sạch trên cơ sở đối tác công tư…
Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe trao đổi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà về những nội dung hai bên cùng quan tâm |
Trao đổi với Đại sứ, Bộ trưởng đánh giá rất cao Thuỵ Điển là đất nước luôn đi đầu trong việc ứng phó với BĐKH và chuyển đổi các mô hình phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và cam kết không phát thải khí nhà kính… Với Việt Nam, trước những thách thức hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực để biến các thách thức thành cơ hội, lựa chọn các mô hình phát triển kinh tế bền vững dựa trên những điều kiện cụ thể của mình.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đã đánh giá rất cao Việt Nam bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm khoảng 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (tương đương 83,9 triệu tấn CO2). Mức đóng góp này có thể được tăng lên đến 27% nếu có sự hợp tác với các cơ quan, doanh nghiệp nước ngoài trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
Bộ trưởng cho biết, để đạt được những thành tựu như Thuỵ Điển hiện nay, Việt Nam sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều. Nhưng Việt Nam cũng đã đặt ra mục tiêu lâu dài với những chiến lược dài hạn cho việc chuyển đổi các mô hình kinh tế năng lượng hoá thạch sang năng lược tái tạo cũng như xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn.
Toàn cảnh buổi tiếp và làm việc giữa Bộ trưởng Trần Hồng Hà với Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe |
Hiện Bộ TN&MT cũng đang trình Quốc hội Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi theo hướng tăng cường chất lượng môi trường, đảm bảo môi trường là một trụ cột vững chắc hơn bên cạnh các trụ cột phát triển kinh tế và xã hội, nhằm thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững theo các chỉ tiêu của SDGs.
Phát triển kinh tế bền vững gắn liền với sử dụng năng lượng tái tạo, các bon thấp, tăng trưởng xanh, đầu tư khôi phục hệ sinh thái, giải quyết sinh kế gắn với phục hồi môi trường đang là lựa chọn của Việt Nam.
Để đáp ứng được điều này thì việc lựa chọn mô hình tăng trưởng, phục hồi tài nguyên và hệ sinh thái, sử dụng các công nghệ thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên thiên nhiên đóng một vai trò không nhỏ. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị bà Đại sứ và Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam hỗ trợ, kết nối để tăng cường đầu tư và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực này cho Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng và cho Việt Nam nói chung.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn được thúc đẩy hợp tác với các đối tác Thụy Điển trong các lĩnh vực quản lý tài nguyên nước và bảo vệ nước ngầm; bảo vệ biển và đại dương; giảm rác thải nhựa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời tiếp tục kế thừa và phát triển mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai bên.