Quảng Bình sẵn sàng các công tác phòng chống, ứng phó với diễn biến của bão số 5

Môi trường - Ngày đăng : 22:56, 16/09/2020

(TN&MT) - Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão và mưa lũ ngày 16/09/2020 Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình đã có Công điện số 117/CĐ-BCH yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 5 và mưa lũ, kịp thời chỉ đạo triển khai phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.

Theo đó, đối với các khu vực trên sông, trên biển Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình yêu cầu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, Chủ tịch UBND các huyện ven biển thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn tập trung ra soát, kiểm đếm, kiên quyết kêu gọi tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển di chuyển vào bờ hoặc hướng dẫn di chuyển thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, phương tiện; giữ thông tin liên lạc với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình hướng xấu xảy ra. Tổ chức hướng dẫn gia cố và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giảm thiệt hại đối với lồng, bè nuôi trồng thủy, hải sản.

Tính đến chiều ngày 16/9/2020, Quảng Bình có trên 5.600 phương tiện/17.000 lao động neo đậu tại bờ; 913 phương tiện/khoảng 5.900 lao động đang hoạt động trên biển, các lực lượng chức năng đang tiếp tục liên lạc, kêu gọi số tàu thuyền còn lại vào bờ, neo đậu an toàn. Diện tích lúa vụ Hè Thu đã thu hoạch xong 14.522 ha, đạt tỷ lệ 100%...

Ban CHPCTT và TKCN Kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình có Công điện yêu cầu các Sở, ngành, UBND các huyện, TP, thị xã triển khai công tác phòng, chống bão số 5.

Khẩn trương rà soát phương án sơ tán, di dời cư dân, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án bảo đảm án tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực ven biển, cửa sông, khu vực nguy cơ ngập sâu, sạt lở, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản, trong các nhà không đảm bảo an toàn, trong đó cần lưu ý công tác phòng , chống dịch bệnh Covid-19 tại khu vực sơ tán.

Rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn, sẵn sàng sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm; vận hành an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, hồ chứa nước.

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn, chỉ đạo Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi và UBND các huyện, thành phố, thị xã vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn vùng hạ du; kiểm tra phương án thông tin cảnh báo, phương án sơ tán dân vùng hạ du trong tình diễn biến dịch bệnh phức tạp.

Sở Giao thông vận tải chủ động bố trí lực lượng, vật tư thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở do mưa lũ.

Bộ Chỉ huy Quân sự, Côn an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến cảu bão và mưa lũ để chủ động, tổ chức lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn, xử lý kịp thời tình huống có thể xảy ra.

Sở Y tế chủ động chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở, hướng dẫn các địa phương triển khai các phương án bảo đảm an toàn chống dịch Covid-19 tại nơi sơ tán.

Sở Công thương chỉ đạo kiểm tra, có phương án vận hành an toàn hệ thống điện, các hồ thủy điện trên địa bàn; đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm dự trữ phục vụ nhân dân khi có yêu cầu, đặc biệt là những khu vực có khả năng bị chia cắt, vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc sinh sống.

Hồng Thiệu