TP. HCM tăng cường quản lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước
Đất đai - Ngày đăng : 10:17, 10/09/2020
Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. HCM, thực hiện Nghị định 167/2017/NĐ - CP ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất, từ năm 2015 đến ngày 30/6/2020, Trung tâm được giao quản lý, xử lý thu hồi, lập thủ tục đấu giá là 125 khu đất. Cụ thể, đã thu hồi 103 khu đất; trong đó, đấu giá thành 6 khu đất, với tổng giá trị đấu giá thành thu về cho ngân sách thành phố là 1.666,561 tỷ đồng; đã chuyển giao cho các đơn vị theo chỉ đạo của UBND thành phố là 9 khu đất; giao lập thủ tục đấu giá 51 khu đất; giao quản lý, đề xuất phương án sử dụng 37 khu đất. Đang xử lý thu hồi 22 khu đất.
Đối với công tác thu hồi đất theo quy định tại Khoản 1 Điều 64 và các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai năm 2013, thực hiện chỉ đạo của UBND TP. HCM, từ năm 2015 đến ngày 30/6/2020, Trung tâm Phát triển quỹ đất được giao xử lý thu hồi, quản lý, đề xuất phương án và lập thủ tục đấu giá 77 khu đất. Cụ thể, đã thu hồi 56 khu đất; trong đó đã đấu giá thành 2 khu đất, với tổng giá trị đấu giá thành thu về cho ngân sách thành phố là 76,403 tỷ đồng; đã chuyển giao cho các đơn vị theo chỉ đạo của thành phố 19 khu đất; đang lập thủ tục đấu giá 3 khu đất; dự kiến chuyển giao 7 khu đất; đang quản lý 25 khu đất. Đang xử lý thu hồi 21 khu đất.
TP. HCM sẽ quản lý, khai thác hiệu quả quỹ đất thuộc sở hữu Nhà nước |
Về công tác quản lý, bảo vệ các khu đất, tính đến ngày 30/6/2020, Trung tâm Phát triển quỹ đất đang quản lý, thuê bảo vệ đối với các khu đất thuộc đối tượng xử lý sắp xếp theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP và Luật Đất đai là 123 khu; trong đó, khai thác ngắn hạn 41 khu, thuê đơn vị có chức năng bảo vệ 39 khu, còn lại 43 khu đơn vị tạm quản lý.
Về khai thác ngắn hạn, việc cho thuê khai thác ngắn hạn các khu nhà, đất nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, giảm được chi phí bảo vệ, tránh lãng phí khi để đất trống, lấn chiếm và sử dụng mặt bằng trái phép... UBND thành phố đã có cơ chế về chủ trương cho thuê, tổng số thu đến nay ước khoảng 110 tỷ đồng và nộp toàn bộ vào ngân sách thành phố.
Tại buổi giám sát, ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho biết: Hiện nay, có tình trạng đất do doanh nghiệp tư nhân thuê của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm, sau đó đi cho thuê lại để hưởng chênh lệch giá. Mới đây, Sở đã phát hiện 1 trường hợp cho thuê đất trong vòng 3 năm thu chênh lệch trái quy định là 4 tỷ đồng và ban hành quyết định xử phạt 25 triệu đồng, truy thu 4 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Võ Trung Trực cho rằng, để tránh thất thoát, lãng phí, cần tăng cường kiểm tra, giám sát sau khi giao, cho thuê để đảm bảo khu đất sử dụng đúng mục đích. Trường hợp sử dụng sai sẽ bị xử phạt, nếu đủ điều kiện thì thu hồi bán đấu giá.
Cũng theo ông Trực, đối với việc quản lý sử dụng phần đất mà Trung tâm Phát triển quỹ đất đang được giao quản lý, thì xem xét những vị trí nào có hiệu quả thì triển khai bán đấu giá, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Về lâu dài, cần có thêm hình thức đấu giá tiền thuê đất để đảm bảo thu đúng, thu đủ, không để lãng phí nguồn lực đất đai.
Kết luận buổi giám sát, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch HĐND TP. HCM đánh giá: Công tác quản lý, sử dụng quỹ đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố còn nhiều bất cập. Trong đó, hàng trăm ha đất thuộc sở hữu Nhà nước chưa được sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích; nhiều khu đất chưa được quản lý bài bản, có khu đất trải qua hơn 10 năm chưa thể tổ chức bán đấu giá gây lãng phí tài sản Nhà nước và xã hội.
Vì vậy, bà Thắng đề nghị Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố cần xây dựng phương án xử lý cho từng nhóm khu đất, làm rõ những vướng mắc trong việc thu hồi nhà đất cho thuê hiện nay để đem đấu giá.
Phó Chủ tịch HĐND TP. HCM Phan Thị Thắng cũng đề nghị, trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục tập trung rà soát, lên phương án xử lý tình trạng các đơn vị khi thuê đất Nhà nước nhưng không sử dụng theo đúng mục đích sử dụng đất hoặc cho thuê lại lấy chênh lệch. Đồng thời, cần cập nhật lên bản đồ các danh mục khu đất do Nhà nước quản lý để sau này quản lý cho bài bản.