Thị trường BĐS mùa dịch Covid -19: Cơ hội cho người có nhu cầu thực

Bất động sản - Ngày đăng : 13:42, 09/09/2020

(TN&MT) - Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thị trường bất động sản (BĐS) chững lại, giá nhà đất ở thị trường thứ cấp có xu hướng giảm và chỉ tăng nhẹ ở thị trường sơ cấp. Theo nhận định của các chuyên gia, đây chính là thời điểm thích hợp cho những người có nhu cầu ở thực, đủ tiềm lực tài chính chọn chốn an cư phù hợp.

Ảnh minh họa

Theo giới kinh doanh BĐS, dịch Covid-19 tái bùng phát lại khiến thị trường BĐS trầm lắng, nhiều chủ đầu tư buộc phải gia tăng thêm các gói khuyến mại để thu hút người mua, còn thị trường thứ cấp nhiều nhà đầu tư cũng sẽ phải cắt lỗ, bán tháo do áp lực về tài chính. Trong khi đó, dịch bệnh cũng khiến hoạt động đầu cơ bị “ngủ đông”, sẽ không có những cơn sốt hay làn sóng đầu cơ vào BĐS. Chính vì thế, thời điểm này chính là cơ hội tốt để người mua BĐS với giá hợp lý hơn, thậm chí là rẻ hơn so với thời kỳ trước dịch.

Ông Dương Đức Hiển, nguyên Giám đốc Bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội cho rằng, ở khía cạnh nào đó, giai đoạn này cũng tạo cơ hội cho những người có nhu cầu thực. Bởi theo ông, mua nhà ở thời điểm này sẽ có nhiều lựa chọn ưng ý, ít cạnh tranh và có khả năng nhận được những ưu đãi tốt từ các chủ đầu tư dự án. Những người có nhu cầu ở thực còn có cơ hội để mua được BĐS với giá cả hợp lý và không sợ bị ảnh hưởng bởi giới đầu cơ hay đầu tư lướt sóng.

Khảo sát của một trang web về BĐS có uy tín cho thấy, giá nhà ở thứ cấp mua đi, bán lại tiếp tục giảm trong tháng 5 và 6/2020, mức giảm từ 5 -10%, so với thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh, phần nhiều là các dự án đang được triển khai hoặc chuẩn bị bàn giao. Đà giảm giá nhà ở thứ cấp được cảnh báo sẽ tiếp tục gia tăng, do áp lực từ các kỳ hạn thanh toán sắp tới và lãi vay ngân hàng đối với người mua.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D Công ty DKRA cho biết: “Giá BĐS giảm chủ yếu do những người mua đi bán lại (thị trường thứ cấp), còn thị trường sơ cấp chưa thấy có nhiều dấu hiệu giảm giá trực tiếp từ chủ đầu tư. Với những dự án đã và đang rao bán, mức giá chủ yếu giữ ở mức tương đương quý 4/2019. Trong khi đó, những dự án sẽ mở bán thì đa số chủ đầu tư hiện đang dừng hoặc hoãn kế hoạch ra hàng. Với thị trường thứ cấp, một số nhà đầu tư cá nhân tại một vài dự án do áp lực trả tiền vay ngân hàng, vốn ngắn… có dấu hiệu bán ngang giá hoặc chấp nhận giảm giá. Đây cũng là cơ hội để người có nhu cầu mua ở thực mua được căn hộ với mức giá hời”.

Ngoài lợi thế về giá cả, việc nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay cũng giúp cho người mua nhà ở thực có nguồn tài chính để thực hiện giấc mơ an cư. Quan sát thị trường cho thấy, từ nửa cuối tháng 7/2020 đến nay, lãi suất cho vay mua nhà của các ngân hàng thương mại có xu hướng giảm rõ rệt. Cụ thể, tại Vietcombank, BIDV và VietinBank, lãi suất các gói mua nhà được điều chỉnh giảm 0,2 - 1%/năm đối với nhiều kỳ hạn từ cuối tháng 7 vừa qua. Gói vay ưu đãi 12 tháng được BIDV giảm từ 8%/năm xuống 7,8%/năm; gói vay ưu đãi 24 tháng được hạ lãi suất từ 9%/năm xuống 8,8%/năm. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay trung bình ở mức 10,1%/năm và thời hạn vay kéo dài 20 năm. Tại Vietcombank, lãi suất cũng được giảm từ 8,1%/năm xuống 7,7%/năm với gói vay ưu đãi 12 tháng…

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia BĐS, giá nhà đất tại TPHCM còn giữ ở mức cao, chưa xuống giá, mà chủ yếu chỉ giảm ở thị trường thứ cấp. “Nếu người mua nhà kỳ vọng thị trường nhiều khó khăn thì giá nhà ở sẽ giảm là điều khó có thể đạt được. Bởi, giá nhà ở đang được nhiều yếu tố nâng đỡ từ nguồn cung mới hạn hẹp; giá đất tăng cao vì quỹ đất trống ngày càng ít dần. Chi phí đầu tư của doanh nghiệp bị đội lên khi quy trình và thời gian triển khai dự án kéo dài, cộng với áp lực về lãi suất vay, khó huy động nguồn vốn ngân hàng và mặt bằng lương điều chỉnh tăng qua hàng năm”, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM khẳng định.

Minh chứng cho câu chuyện giá nhà khó giảm là tỷ lệ sản phẩm căn hộ giá vừa túi tiền ngày càng ít đi, 2 năm trở lại đây phân khúc căn hộ vừa túi tiền giảm mạnh. Theo ông Lê Hoàng Châu, BĐS vẫn được coi là một trong những kênh cất giữ tài sản tương đối an toàn trong trường hợp khủng hoảng kinh tế. Trong đó, phân khúc nhà ở có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân, vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo và phát triển bền vững. Vì vậy, theo nhu cầu của mình, người mua nhà cần theo dõi diễn biến nguồn cung trên thị trường và có quyết định kịp thời để nắm bắt cơ hội lúc thị trường đang gặp khó khăn này.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, để đảm bảo an toàn, những khách hàng có nhu cầu ở thực cần tìm đến những dự án có pháp lý rõ ràng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ cũng như chủ đầu tư uy tín để tránh gặp rủi ro. Với các nhà đầu tư BĐS cá nhân cũng không nên đầu tư quá sức mình. Nghĩa là, nếu có 10 đồng thì không nên đầu tư đến 8 - 9 đồng, nhưng cũng không có nghĩa là không đầu tư. Vì thị trường khó khăn, sản phẩm dần về giá trị thực là cơ hội để mua hàng giá rẻ, nhưng chỉ phù hợp với những nhà đầu tư có tiềm lực, không sử dụng đòn bẩy tài chính lớn.

Thục Vy