Thanh Hóa: Tăng cường quản lý các công trình nước sạch

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 14:33, 03/09/2020

(TN&MT) - Nhằm triển khai chiến dịch phát động nhân dân tham gia xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nguồn nước; ra quân tổng vệ sinh, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa góp phần thực hiện chỉ tiêu kế hoạch Chương trình Nước sạch và VSMT nông thôn năm 2020. Đến nay, toàn tỉnh đạt 95,5% dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh; 75% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh.

Để nâng cao chất lượng môi trường sống, Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa thường xuyên phát động phong trào thu gom, xử lý, rác thải, nước thải, cải tạo cảnh quan, phòng chống dịch bệnh, nhất là đối với vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, lũ lụt, hạn hán; nâng cao hiểu biết và ý thức trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân đối với công tác nước sạch và vệ sinh môi trường. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình cấp nước sạch và vệ sinh góp phần nâng cao sức khỏe người dân. Nhằm tăng cường công tác quản lý khai thác các công trình cấp nước sau đầu tư và công tác giám sát, kiểm tra chất lượng nước.

Việc nâng cấp, sửa chữa các công trình nước sạch có vài trò quan trọng trọng việc đảm bảo cấp nước hợp vệ sinh tại nông thôn

Ngoài ra, Sở còn tổ chức tập huấn cho các đơn vị quản lý vận hành công trình cấp nước tập trung. Phối hợp những hoạt động “Tuần lễ” với công tác theo dõi, đánh giá Nước sạch và VSMT tại địa phương. Triển khai ứng dụng công nghệ xử lý nước cho các vùng khó khăn về nguồn nước sạch và công nghệ xử lý chất thải. Tổ chức trồng cây xanh tại nơi công cộng, ven đường giao thông, tại cơ quan công sở, trường học, khu tập thể và trong khuôn viên hộ gia đình.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT về kết quả thực hiện Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và VSMT năm 2020 đến nay đạt 100% các huyện, thị xã, thành phố, trong toàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ” kết hợp với các hoạt động hưởng ứng các ngày lễ lớn như ngày 30/4; 1/5 và ngày môi trường thế giới 5/6, đạt 93% số hộ gia đình, cơ quan, đơn vị đã tham gia hưởng ứng tuần lễ, thực hiện công tác vệ sinh môi trường tại địa phương.

Có 27/27 huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức treo băng rôn, biểu ngữ, panô, áp phích tại các công sở, nơi công cộng, những tuyến giao thông chính nhằm tạo khí thế và động viên mọi người tích cực hưởng ứng "Tuần lễ". Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các Hội và Đoàn thể quần chúng đã có kế hoạch phối hợp với Ban điều hành các cấp, huy động hội viên và toàn dân tích cực vệ sinh đường làng, ngõ xóm xây dựng nếp sống vệ sinh, gia đình văn hoá gắn với phong trào “Toàn dân xây dựng nông thôn mới”.

Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đạt 95,5% dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh

Cụ thể: tại huyện Vĩnh Lộc đã triển khai thực hiện cho 13/13 đơn vị xã/thị trấn ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường, đường làng ngõ xóm với số lượt người tham gia là 20.445 người; khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm 118,9 km; vệ sinh ngõ xóm, khu vực công cộng là 226,8 km; tổng số rác thu gom là 85,6 tấn. Tại huyện Đông Sơn đã tuân thủ chặt chẽ các quy định của Chính phủ về an toàn và phòng chống dịch bệnh CoVid-19. Kết hợp triển khai các hoạt động cho 21/26 đơn vị xã, thi trấn; 100% số xã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các hoạt động của Tuần lễ trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức trồng 10.560 cây xanh tại nơi công cộng, ven đường giao thông, tại cơ quan công sở, trường học, khu tập thể và trong khuôn viên hộ gia đình.

Tuy nhiên, tại một số địa phương vẫn còn những tụ điểm rác thải, nhất là sau các khu dân cư, bờ sông, ven ao hồ, sau các chợ, khu sản xuất công nghiệp... Một số nơi vẫn còn có xe chở vật liệu, chất thải không che bạt gây bụi hoặc để rơi vãi xuống đường. Hầu hết các huyện, thị trấn gặp khó khăn về vị trí bãi đổ rác và biện pháp phân loại, việc xử lý còn đơn giản dẫn đến hiệu quả xử lý bị hạn chế, gây ảnh hưởng tới môi trường.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa, để đẩy mạnh công tác xã hội hoá Nước sạch và VSMT, ngoài những hoạt động mang tính chiến dịch và phong trào, cần có giải pháp huy động nguồn lực trong cộng đồng tham gia như: Lập các quỹ phát triển, huy động vốn quay vòng, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng và tuyên truyền cho người dân tích cực sử dụng nước sạch từ các công trình nước sạch tập trung do doanh nghiệp đầu tư... Các địa phương tuỳ theo điều kiện cụ thể, tìm ra nhiều cách làm sáng tạo giúp cho hoạt động Nước sạch và VSMT thêm phong phú, đa dạng và hiệu quả.

Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường là hoạt động rất có ý nghĩa trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, làm chuyển biến tình hình sử dụng nước sạch và VSMT của người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Vì vậy, “Tuần lễ” cần được duy trì tổ chức sâu rộng hàng năm đến cộng đồng dân cư và phát huy hiệu quả thường xuyên, liên tục trong năm.

Thu Thủy