Hồi ức về bến tàu không số K15

Văn hóa - Ngày đăng : 08:53, 01/09/2020

(TN&MT) - Bến K15 nằm ở phía Tây Nam, dưới chân núi Vạn Hoa, là ngọn núi thứ 9 trong dãy núi Chín Rồng. Được bao bọc bởi ba phía là núi và khu rừng thông dày đặc xanh mướt nên nơi đây lặng sóng, là điểm neo đậu tàu thuyền lý tưởng. Có lẽ do ảnh hưởng của dịch Covid 19, Đồ sơn dịp này yên ả, trầm mặc đến lạ thường, nhịp sống đã chậm lại…

Đầu năm 1962, phong trào cách mạng miền Nam phát triển không ngừng, lực lượng vũ trang ngày một lớn mạnh. Đặc biệt đã xuất hiện những đơn vị chủ lực, tất yếu đòi hỏi nhu cầu lớn về vũ khí.

Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, vào lúc 22 giờ đêm ngày 11 tháng 10 năm 1962, chiếc tầu gỗ đầu tiên chở 30 tấn vũ khí bí mật xuất phát tại Vạn Xép, Đồ Sơn lên đường. Tàu khởi hành gồm 13 thủy thủ, đều là các chiến sĩ miền Nam tập kết do đồng chí Lê Văn Một làm thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm chính trị viên. Ngày 16 tháng 10, năm 1962, tàu Phương Đông 1 vào bến Vàm Lũng (Cà Mau) thành công. Tiếp theo đó, lần lượt là các tàu Phương Đông 2,3,4…

Những cọc bê tông, dấu tích của cầu cảng mang mật danh K15

Đền thờ Nam Hải - Nơi thờ vong linh Anh hùng, Liệt sĩ của Đoàn tàu không số

Bến K15 đã ra đời như thế!

Bốn chiếc tầu gỗ mang tên Phương Đông đưa vũ khí vào Cà Mau trót lọt, khẳng định ta có thể mở con đường vận chuyển lâu dài trên biển. Nhưng tàu gỗ tải trọng thấp, chịu sóng kém, không an toàn lại thường chọn đi lúc gió bão để tránh địch. Chủ trương của Quân uỷ TW là cần nhanh chóng có loại tầu sắt từ 50 đến 100 tấn làm phương tiện cho đoàn 759 (đoàn 125 sau này).

Muốn tầu lớn hoạt động, cần có cầu cảng để vào lấy hàng. Bởi vậy, Quân uỷ quyết định, bên cạnh việc tiến hành đóng tầu, cần gấp rút xây dựng cầu cảng mang mật danh K15 tại Đồ Sơn.

Thông qua một người quen là anh Trường, đoàn PV Báo Tài nguyên & Môi trường đã hẹn gặp được Ban Liên lạc Đoàn tàu không số tại bến Nghiêng, Đồ sơn, Hải Phòng.

Anh Trường tên đầy đủ là Đinh Đắc Trường, là một cán bộ của UBND quận Đồ Sơn, tại đây anh đã kinh qua nhiều vị trí: Phòng nội vụ, Phòng Lao động Thương binh - Xã hội rồi Trưởng phòng Văn hoá, nay anh về làm Phó chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc quận Đồ Sơn. Khi biết tin nhà báo về thăm, viết giới thiệu di tích bến K15, anh Trường sốt sắng, chu đáo...

Ban liên lạc Đoàn tàu không số tại Đồ Sơn hiện nay gồm hơn 30 người, chúng tôi may mắn được gặp một trong những “nhân chứng sống” có nhiều chiến tích nhất: Thượng tá Lưu Đình Lừng; Thiếu tá Hoàng Văn Thiềng và Thượng uý Hoàng Gia Hiếu - Trưởng ban liên lạc.

Từ bãi tắm khu 2, vượt qua Pa-gốt-đông (PAGODON bãi tắm cổ từ thời Pháp), chạm dốc lên núi Vạn Hoa, hướng sang bên phải thấy mấy cọc bê tông nhô lên mặt biển, đó là dấu tích của cầu cảng mang mật danh K15, “cây số 0” của Đường Hồ Chí Minh trên biển. Một thời rất dài, ngay cả người Đồ Sơn cũng không biết nơi đây có một cầu cảng “Anh Hùng”, điểm xuất phát của những con “tàu không số” mở đường trên biển đưa vũ khí vào chiến trường miền Nam.

Thuyền đánh cá của ngư dân đang nghỉ ngơi trong vịnh sau đêm dài mưu sinh…

Đồ Sơn trong tiết lập thu, còn sót lại chút nắng gắt cuối hạ. Trời cao, trong xanh, phảng phất những làn gió mát, khí hậu dễ chịu. Trên mặt biển, hàng chục thuyền đánh cá của ngư dân đang nghỉ ngơi sau đêm dài mưu sinh

Lục tìm ký ức, Thượng tá Lưu Đình Lừng chỉ xuống mặt biển, nơi có những chiếc cọc bê tông - vết tích của bến K15 giới thiệu:

“Ở khu vực này, trên quyết định thành lập đơn vị K15 ngang cấp một tiểu đoàn. K. trưởng đồng thời chính trị viên là đại úy Đỗ Tiếu. Bến K15 chuyên môn chở vũ khí, khí tài xuống dưới tàu… Mà Chính phủ cắm đúng 15 cái cọc rất trùng hợp …”

Ngày 15 tháng 4 năm 1963, chiếc cọc đầu tiên được khởi công. Bốn vồ máy ký hiệu BĐ45 làm việc suốt đêm ngày, nhưng cọc không chịu xuống. càng đóng, càng chối, công việc đình trệ. Các chuyên gia nghiên cứu nhận định, khu vực làm cầu tầu có cấu tạo địa chất cát pha đá, búa máy BĐ45 quá nhẹ. Sau đó, tổ công tác được trang bị loại búa máy C222 và C245 của Liên Xô, có lực nén lớn. Mặc dù thời gian chậm hơn so với dự định, nhưng công nhân chia 3 ca làm liên tục ngày đêm, cọc đóng tới đâu, dầm lao ra tới đó, lát ván, đóng đinh. Ngày 15 tháng 5, cầu cảng K.15 đã hoàn thành và bắt đầu làm nhiệm vụ lịch sử của nó...

Thượng tá Lưu Đình Lừng hồi ức về bến tàu K15 huyền thoại

Công tác bí mật là quan trọng nhất

Nhớ lại những ngày đầu hoạt động của “Bến tàu không số”, Thượng tá Lưu Đình Lừng cho biết:

"Thông thường khi lên hàng, hai tàu cùng cập bến, một tàu bên trong lên hàng, tàu còn lại chắn bên ngoài để che mắt người dân. Để làm nên thành công của đoàn tàu không số, công tác bí mật là quan trọng nhất. Bốt gác ngoài cũng thế, còn nhớ một lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến, các chiến sĩ gác bốt không cho vào vì các đồng chí ấy là người miền Nam không biết mặt…"

“...Tôi hoạt động tại bến K15, nơi đây là điểm xuất phát của Đoàn tàu không số, nhưng gia đình không biết, nhân dân Đồ Sơn không biết. Một miệng thì kín, chín miệng thì hở. Tàu thường xuất phát lúc 10 giờ đêm lúc nhân dân đã nghỉ, lại nhằm lúc biển động mà đi, cho nên mới nói công tác giữ bí mật là công tác thắng lợi trọn vẹn của các chiến sĩ đoàn tàu không số ”

“...Từ trước tới nay có thắng lợi hay không cũng do công tác giữ bí mật. Ra ngoài đường nếu gặp người nhà, bạn bè là không được đi vào cổng bến mà phải đi sang lối khác, sau khi người ta đi qua rồi mới được vào.. Khi đi vào bến trong kia (mặt trận phía Nam) cũng thế thôi, không được nói anh này ở tàu này, anh kia ở tàu kia, cán bộ chiến sĩ tàu nào thì biết ở tàu đấy …”

“...ngay như bản thân tôi, tôi ở đây, nhà ở khu này, gia đình có biết đâu, muốn về nhà phải xe đơn vị đưa lên Hải Phòng. Sau đó ở Nhà hát lớn đi bộ xuống dưới Quần Ngựa, từ đó đi xe ô tô về nhà. Khi 9h00 tối quay trở ra đơn vị nói dối là xe đơn vị đón con, con xin phép về, thế bố mẹ cũng không biết nhưng thực chất là đi bộ từ trong đấy ra đây 6km. Ra đây thì trước khi vào là quần áo bộ đội cởi ra, mặc quần đùi áo lót đi vào, công tác giữ bí mật quan trọng vô cùng” - Thượng tá Lừng nhấn mạnh.

Trong Đoàn tàu không số, bác Lừng đã từng tham gia nhiều chuyến, trong đó 07 chuyến chót lọt, 03 chuyến bị địch phát hiện buộc phải quay về… Ngày 5 tháng 11 năm 1965, sau khi trở về Đồ Sơn trên chuyến tàu 642 vào Vũng Rô, tàu 642 được Nhà Nước thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, và Bác Hồ tặng cho mỗi thủy thủ một bao thuốc lá…

Nay bác Lừng đã tuổi 78, hơn năm trước, bị tai biến trí nhớ có phần giảm sút. Tuy vậy ở tuổi xưa nay hiếm, bác vẫn khoẻ, đi lại tốt, mắt sáng, da hồng hào, vẫn giữ phong thái của thuỷ thủ một thời. Cùng chúng tôi rảo bước trên bờ cỏ trong khuôn viên đài tưởng niệm, rồi bác Lừng đứng lặng nhìn ra bãi cọc, có gì đó thoảng buồn:

“Nơi đó (bãi cọc) có hàng trăm con tầu không số, từ đây xuất phát, vượt biển đưa vũ khí vào chiến trường phía Nam. Trước khi thi công, Phó tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn căn dặn: Đây là chiếc cầu tầu quan trọng, là dấu ấn của lịch sử. Sau khi chiến tranh kết thúc, phải bảo vệ để con cháu biết được chúng ta đã có một con đường như thế nào… vậy mà nay, chỏng chơ mấy chiếc cọc xi măng siêu vẹo”.

Thượng uý Hoàng Gia Hiếu hồi ức về những chuyến đi lịch sử ...

Tiếp tục những hồi ức về Đoàn tàu không số, bác Hoàng Gia Hiếu chia sẻ: Từng là thợ máy của Đoàn tàu không số, đi nhiều chuyến trên tàu 641, 642.. nay phụ trách trưởng ban liên lạc Đoàn tàu không số tại Đồ sơn. Câu chuyện với Thượng uý Hoàng Gia Hiếu bắt đầu từ những ngày đầu năm 1964...

“Tôi đi bộ đội tháng 2 năm 1964, đến tháng 4 năm 1964 thì tôi được điều động về đoàn tàu vận tải chi viện chiến trường miền Nam bằng con đường biển. Đến tháng 6 tôi được điều xuống tàu 641. Tàu này hiện nay được 2 lần tuyên dương anh hùng, trên tàu qua các thời kỳ có 8 đồng chí được tuyên dương anh hùng. Hiện nay con tàu đó đang nằm ở bảo tàng của Hải quân, bây giờ nó là di tích lịch sử quốc gia...”

Tháng 8 năm 1964, tân binh Hoàng Gia Hiếu đi chuyến đầu tiên trên tàu số 641 (hay còn gọi là C41, nay đổi tên thành HQ671) của thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh vào Cà Mau. Sau đó ông đi thêm nhiều chuyến nữa, trong đó có 03 chuyến đưa vũ khí thành công vào Vũng Rô (Phú Yên) ...

“...Trong mỗi chuyến đi đều có những kỷ niệm riêng của nó. Thí dụ như chuyến đi biển đầu tiên, cực kỳ khó khăn. Trên đường đi, tàu bị mắc cạn ở Hoàng Sa. Thuyền trưởng Thạnh báo cáo với cấp trên và đề nghị tàu bạn ra hỗ trợ. Đêm ấy tàu bạn ra, song cách tàu ta 1 hải lý thì dừng lại đánh tín hiệu hỏi… Chắc họ cũng sợ mắc vào san hô ngầm nên không dám tới gần. Không ai cứu mình thì mình phải tự cứu lấy mình thôi! Thuyền trưởng cho thả tiếp neo sau và tính toán thủy triều. Máy trưởng Nhạn lặn xuống kiểm tra chân vịt và bánh lái, báo cáo vẫn không cong vênh, hư hỏng, mừng quá... Khi nước lên cao nhất, máy trưởng Nhạn cho nổ máy, anh em khác đứng hai bên mạn chống sào, đẩy tàu. Với quyết tâm của anh em thuỷ thủ cùng các đồng chí cán bộ thuyền, cương quyết không để mất tàu, không để mất vũ khí, chúng tôi đã chống đỡ trong một đêm. Sau khi nước lên, tàu ra khỏi bãi cạn chúng tôi tiếp tục hành trình …”

“... hay chuyến vào Vũng Rô lần thứ 3 đúng đêm 30 tết. Chúng tôi đang bốc hàng thì tự nhiên trên đèo Cả nhiều pháo sáng vọt lên, chúng tôi tưởng bị lộ, dừng lại không bốc hàng nữa. Nhưng mà thực tế khi phát hiện ra thì địch đón giao thừa, vậy thì dưới này anh em chúng tôi cũng đón giao thừa ! Từ trong buồng, báo vụ thông báo bác Hồ chúc tết, mọi người cùng nhào tới phía buồng lái, chiếc radio vọng ra tiếng Bác chúc tết: Đồng bào và chiến sỹ yêu quý! Chào mừng Ất Tỵ xuân nǎm mới - Nhà nước ta vừa tuổi hai mươi - Miền Bắc xây dựng đời sống mới vui tươi - Miền Nam kháng chiến ngày càng tiến tới - Đồng bào hai miền thi đua sôi nổi - Đấu tranh anh dũng, cả nước một lòng - Chủ nghĩa xã hội ngày càng thắng lợi! - Hòa bình thống nhất ắt hẳn thành công! … mọi người nghẹn ngào, sụt xịt. Đêm đó ngừng bốc hàng, tàu nguỵ trang, sáng hôm sau lại tiếp tục.”

Sau 3 chuyến đi Vũng Rô thành công, tàu 641 được lệnh chở 59 tấn vũ khí vào Đức Phổ (Quảng Ngãi). Tầu 641 do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh và chính trị viên Đặng Văn Thanh; Đồng chí Nguyễn Hồng Ly, Dương Văn Lộc làm thuyền phó; đồng chí Phan Nhạn, máy trưởng; đồng chí Trần Nhợ, thủy thủ trưởng và các thủy thủ: Côn, Tiến, Sinh, Nhỡ, Tự, Hải, Thán, Thông, Hiếu. (Lịch sử Lữ đoàn 125- tức đoàn tầu không số - Nhà xuất bản quân đội nhân dân -2001)

“... khoảng 11 giờ đêm ngày 27/11/1966, tàu của chúng tôi vào đến bến. Chạy tới chạy lui, từ cửa Mỹ Á đến Phổ An, vẫn không có người ra đón. Thời gian chẳng còn nhiều, chúng tôi quyết định thả hàng, đồng thời cử người vào bờ bắt liên lạc. Thuyền phó Dương Văn Lộc và thủy thủ Trần Nhợ xung phong đảm nhận công việc đó. Bốn giờ sáng, thả được hai phần ba lượng hàng thì phát hiện ra phía ngoài, hai khu trục tới ém, chắn lối ra. Chi uỷ hội ý, quyết định: nhằm giữ bí mật vị trí thả hàng và không để tàu rơi vào tay giặc, quyết định huỷ tàu. Sau khi anh em thuỷ thủ đã lên bờ, thuyền trường Thạnh và máy trưởng Phan Nhạn huỷ tài liệu, định giờ ngòi nổ ba mươi phút, rồi bơi vào bờ… chờ mãi chưa thấy tàu nổ. Từ trên bờ, Thuyền phó Dương Văn Lộc và thủy thủ trưởng Trần Nhợ, hai anh lo tàu không nổ, sẽ rơi vào tay địch, nên đã bơi ra điểm hoả... vừa lúc đó, nơi tàu 41, một khối lửa bùng lên, chuyến này anh Lộc và anh Nhợ hy sinh.” - Đó là những chia sẻ của Thượng uý Hoàng Gia Hiếu. Sau khi tàu 641 bị buộc phải phá huỷ ở Quảng Ngãi, ông chuyển sang tàu 642 làm thợ máy tiếp tục đi nhiều chuyến nữa…

Chúng tôi (PV) bị hút vào những câu chuyện đầy bi tráng nhưng hấp dẫn lạ kỳ, như được sống trong những năm tháng máu lửa cùng các bác, các chú. Nhắc tới những kỷ niệm chiến đấu, những người lính năm xưa hăng say. Có lẽ ai từng qua những cuộc chiến, kỷ niệm quá khứ giống như làn gió mát lùa về gợi lại tình người, nghĩa đồng đội, đức hy sinh, lòng vị tha... để phần nào được thanh thản trong cái xô chen cầu danh lợi hiện tại.

Tàu 641 - 2 lần tuyên dương anh hùng, hiện nay bảo quản ở bảo tàng Hải quân

Tàu không số không phải không có số!

Để chúng tôi hiểu rõ thêm, Thiếu tá Hoàng Văn Thiềng giải thích: “Phiên hiệu là tàu không số không phải tàu không có số, kỳ thực tàu nào cũng có số, đó là số đăng ký của nhà nước khi về đến miền Bắc Việt Nam phải đeo. Khi đi công tác, trên đường tới lãnh thổ nào thì tàu sẽ đeo biển số và cờ nước đó để cải trang, đánh lừa địch.

Tiếp đến, trên những chuyến đi, tất cả các vật dụng phải tháo nhãn mác .. từ chai nước ngọt, chai bia hoặc là bao thuốc lá. Ngay cả thuốc đánh răng cũng phải cạo xoá toàn bộ đề phòng trên đường tàu chạy sóng gió làm rơi xuống biển hoặc do sơ suất anh em cầm ném xuống biển. Nếu tàu địch đi sau vớt được sẽ biết đây là tàu miền Bắc, cho nên gọi là tàu không số ”

“…Nhiệm vụ của tàu là vận tải vũ khí, không phải chiến đấu, vậy nên mưu trí đánh lừa địch là chính. Khi biết chắc đã lộ phải chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vũ khí và bảo tồn sinh mạng. Đường cùng, không thể nào thoát được nữa lãnh đạo sẽ cho bộ đội rời khỏi tàu, để lại một tổ ở lại huỷ tàu tránh vũ khí rơi vào tay địch. Bởi vậy trên tàu luôn trang bị một khối thuốc nổ TNT rất lớn. Có 3 loại kíp nổ là kíp hoá học, dây cháy chậm, hẹn giờ” – Thiếu tá Hoàng Văn Thiềng chia sẻ.

Thiếu tá Hoàng Văn Thiềng nhập ngũ năm 1972, được phân công về Đoàn 125, sau đó tham gia vào tuyến đường vận tải vũ khí trên biển.

“... tôi làm thợ máy, còn anh Thắng làm máy trưởng, ông Lừng là thuyền trưởng của tôi. Thời kỳ đó tôi đi tham gia chở được 4 chuyến, có đợt chúng tôi vào đến Hòn Nèo, có đợt vào đến Vũng Rô, một đợt vào đến Quảng Bình, chuyến cuối tôi đến Cà Mau. Để bí mật, tàu nhằm lúc biển động mới xuất phát. Đi vào trong ấy chạy khoảng 3 ngày 3 đêm, có những lúc gặp sóng gặp gió khoảng 7 ngày 7 đêm mới tới. Vào trong đấy nếu gặp may mình bốc hàng một đêm xong sáng hôm sau phải ra ngay, nếu mà không may ở lại thì phải chặt dừa nước, cây đước, ngụy trang …”

Sau khi thống nhất nhất đất nước, Thiếu tá Hoàng Văn Thiềng, một người con vùng đất Đại Hợp (huyện Kiến Thuỵ, TP Hải Phòng) lại hăng say làm kinh tế tại Vũng Tàu. Theo lời kêu gọi của Thành uỷ, HĐND thành phố Hải Phòng năm 2003 tha thiết đề nghị những người con thành đạt ra đầu tư cho quê hương. Có lẽ, phần vì trách nhiệm của người con đất cảng, phần vì những kỷ niệm không thể nào quên với bến tàu không số K15, năm 2005 Ông mang toàn bộ vốn liếng tích cóp, đầu tư làm lên Khu du lịch Quốc tế Hòn Dáu hôm nay.

Nếu đi theo đường bộ, một tấn súng - đạn cần tới 50 người mang vác trong suốt 6 tháng, cho thấy hiệu suất vận chuyển của những con tàu đi trên đường biển là rất cao. Trong suốt 10 năm (1962- 1972) từ bến K15 Đồ Sơn, đã có hàng trăm chuyến tàu không số, vận chuyển thành công 18.741 cán bộ, chiến sỹ và 44 nghìn tấn vũ khí, hàng hóa, chi viện kịp thời cho quân dân ta ở Nam Bộ, khu 6, khu 5... kháng chiến, góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc trong mặt trận phía Nam, thống nhất Đất nước.

 

Phạm Duy