Những văn bản pháp luật có hiệu lực từ tháng 9/2020

Văn bản mới - Ngày đăng : 21:53, 30/08/2020

(TN&MT) - Bắt đầu từ tháng 9/2020, nhiều văn bản pháp luật có hiệu lực. Trong đó có quy định chi tiết về Luật Kiến trúc; quy định về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển; Hướng dẫn đăng ký hộ tịch trực tuyến và hỗ trợ chuyển đổi nghề cho lao động bị tai nạn.

Tiêu chí đánh giá công trình kiến trúc có giá trị

Từ ngày 07/9, Nghị định 85/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc bắt đầu có hiệu lực. Trong đó quy định cụ thể về tiêu chí đánh giá công trình kiến trúc có giá trị.

Cụ thể, công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan, gồm các yếu tố sau: Tiêu biểu cho một loại hình kiến trúc, phong cách kiến trúc; Giá trị nghệ thuật kiến trúc của bản thân công trình và tổng thể không gian trong phạm vi khuôn viên công trình;  Giá trị gắn liền với cảnh quan, đóng góp vào cảnh quan chung đô thị, danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên;  Giá trị về kỹ thuật, công nghệ xây dựng, sử dụng vật liệu xây dựng.

Công trình kiến trúc phải có giá trị gắn liền với cảnh quan, đóng góp vào cảnh quan chung đô thị,

Tiêu chí về giá trị lịch sử, văn hóa, gồm các yếu tố sau: Tiêu biểu cho giai đoạn lịch sử; Gắn với đặc điểm, tính chất tiêu biểu về văn hóa của địa phương; Niên đại xây dựng, tuổi thọ công trình.

Sửa đổi, bổ sung quy trình mua tàu biển sử dụng vốn Nhà nước

Chính phủ ban hành Nghị định 86/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 171/2016/NĐ-CP về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển.

Cụ thể, việc mua tàu biển sử dụng vốn Nhà nước được thực hiện thông qua 5 bước thay vì 4 bước theo quy định cũ gồm: Phê duyệt chủ trương mua tàu biển; Lựa chọn tàu, dự kiến giá mua và các chi phí liên quan đến giao dịch mua tàu; Lập, thẩm định, phê duyệt dự án mua tàu biển; Quyết định mua tàu biển; Hoàn tất thủ tục mua tàu biển. Quy trình của việc bán tàu biển sử dụng vốn Nhà nước; dự án đóng mới tàu biển sử dụng vốn Nhà nước cũng được thực hiện qua 5 bước như trên.

Bên cạnh đó, bổ sung Giấy chứng nhận xóa đăng ký phương tiện thủy nội địa đối với phương tiện thủy nội địa cấp VR-SB vào hồ sơ đăng ký tàu biển không thời hạn, hồ sơ đăng ký tàu biển loại nhỏ.

Ngoài ra, các giấy tờ có yếu tố nước ngoài phải có bản sao có chứng thực hoặc bản chính để đối chiếu. Các giấy tờ sử dụng tiếng nước ngoài phải nộp bản chính kèm bản dịch công chứng.

Hướng dẫn đăng ký hộ tịch trực tuyến

Từ ngày 15/9, Nghị định 87/2020/NĐ-CP quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến có hiệu lực.

Theo đó, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là Cơ sở dữ liệu được lập trên cơ sở tin học hóa công tác đăng ký hộ tịch, nhằm lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân được đăng ký theo quy định pháp luật, bằng thiết bị số, trong môi trường mạng, thông qua Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung.

Cụ thể, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh để đăng ký tài khoản, xác thực người dùng theo hướng dẫn. Sau khi đăng nhập tài khoản thành công, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến cung cấp thông tin theo biểu mẫu tương tác, đính kèm bản chụp hoặc bản sao điện tử các giấy tờ, tài liệu theo quy định; nộp phí, lệ phí thông qua chức năng thanh toán trực tuyến.

Sau khi hoàn tất việc nộp hồ sơ, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến được cấp 01 mã số hồ sơ thủ tục hành chính để theo dõi, tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ hoặc truy cập để hoàn thiện hồ sơ khi có yêu cầu của cơ quan đăng ký hộ tịch.

Ngay trong ngày làm việc, khi nhận được hồ sơ yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến, cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ, phù hợp với quy định pháp luật của hồ sơ…

Ảnh minh hoạ

Hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề cho người lao động bị tai nạn

Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2020/NĐ-CP về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 15/9/2020.

Theo đó, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động khi có đủ các điều kiện sau: Suy giảm khả năng lao động do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 31% trở lên; Được người sử dụng lao động sắp xếp công việc mới thuộc thẩm quyền quản lý phù hợp với sức khỏe; Đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định.

Bên cạnh đó, người lao động được hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện: Thời gian đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đủ từ 12 tháng trở lên; Được phát hiện bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp. Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá khám.

Ngoài ra, người sử dụng lao động được nhận kinh phí hỗ trợ tối đa một lần trong vòng 24 tháng với mức 70% chi phí huấn luyện thực tế cho từng đối tượng đủ điều kiện, cụ thể: Không quá 150.000 đồng/người với đối tượng được huấn luyện là an toàn vệ sinh viên; Không quá 300.000 đồng/người với đối tượng được huấn luyện là người quản lý phụ trách an toàn, vệ sinh lao động và người làm công tác y tế;…

 

Phạm Oanh