Thúc đẩy khai thác sản phẩm khoa học trong phòng, chống thiên tai
Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 15:45, 28/08/2020
Hàng nghìn tỷ đồng cho nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong PCTT
Những năm qua, Việt Nam luôn chú trọng công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai và có những bước tiến nhất định. Có thể nhận thấy rõ ở chiến lược PCTT cho từng vùng như: “Phòng chống lũ triệt để ở Miền Bắc và Bắc Trung Bộ” dựa vào hệ thống đê điều và hồ chứa; “Chủ động phòng tránh, thích nghi để phát triển” đối với khu vực Duyên hải Miền Trung và Miền Đông Nam Bộ và Hải đảo; “Sống chung với lũ” ở Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Trạm thời tiết thông minh được lắp đặt tại xã Bản Péo, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang). Ảnh: TL |
Để công tác PCTT ngày càng hiệu quả thì công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai phải đóng vai trò then chốt. Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho biết, mặc dù Việt Nam là nước đang phát triển với nguồn lực còn hạn chế, nhưng nhiều năm qua Chính Phủ luôn nỗ lực bảo đảm cung cấp khoảng 1,5% tổng chi ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ. Trong đó, tổng kinh phí trong 10 gần đây cho công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai llên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai điển hình có thể kể đến như: Chương trình “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên” giai đoạn 2011-2015, giai đoạn 2016-2020;
Đặc biệt, chương trình “Nghiên cứu khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo các hiện tượng KTTV nguy hiểm và phục vụ về KTTV ở các địa phương giai đoạn 2010 – 2015” nhằm nâng cao năng lực dự báo và cảnh báo KTTV, nhất là các hiện tượng KTTV nguy hiểm. Đồng thời, phát triển công nghệ dự báo thời tiết hạn cực ngắn; nâng cao năng lực, chất lượng phục vụ về KTTV cho phòng tránh thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Để khai thác hiệu quả các sản phẩm khoa học?
PGS.TS Hoàng Thanh Tùng, trường Đại học Thủy lợi cho rằng, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác phòng, chống thiên tai đã giúp giảm được thiệt hại rõ rệt, phù hợp chủ trương chuyển từ khắc phục hậu quả sang đẩy mạnh phòng, chống. Trong đó, công tác dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai đã được triển khai hiệu quả, thông qua các mô hình số dự báo lũ, hạn, mặn, cảnh báo bão, sạt lở, lũ quét; hệ thống giám sát cảnh báo thiên tai từ vệ tinh, hệ thống giám sát thiên tai bằng các máy đo tại chỗ được xử lý qua hệ thống IoT, big data... để người dùng dễ dàng cập nhật với mục tiêu phòng tránh.
Bên cạnh đó, đã có nhiều nghiên cứu về công nghệ nhằm phòng, chống thiên tai như hệ thống kè chống sạt lở, đê chắn sóng, các công trình chống xói lở ven biển, ven sông...
Lắp đặt kè chắn sóng khẩn cấp ở Cà Mau |
Tuy nhiên, ông Tùng đánh giá, vẫn có nhiều đề tài nghiên cứu có hàm lượng khoa học lại chưa được đưa vào thực tiễn ứng dụng; nhiều địa phương hiện nay vẫn chưa khai thác hiệu quả các sản phẩm khoa học, ứng dụng công nghệ phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.
Nguyên nhân được chỉ ra là do một số giải pháp công trình muốn đi vào xây dựng và thử nghiệm thì tiêu chuẩn, quy chuẩn lại chưa có nên chưa thể áp dụng; công tác quản lý khoa học và ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ mới ở giai đoạn khởi động. Chẳng hạn như có nhiều sản phẩm khoa học phục vụ cảnh báo thiên tai như: bản đồ ngập lụt, bản đồ rủi ro ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất … cho gần như cả nước chưa được thu thập đầy đủ cũng như quản lý trong cơ sở dữ liệu phục vụ việc truy xuất nhanh khi cần thiết;
Trong khi, việc chuyển giao các sản phẩm khoa học công nghệ từ các đơn vị chủ trì cho các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương vẫn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu. Năng lực tiếp nhận và làm chủ các sản phẩm khoa học công nghệ còn hạn chế khiến cho nhiều sản phẩm đi vào quên lãng.
Do vậy, để thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai cần có cơ chế đặc thù để có thể ứng dụng ngay các giải pháp công trình hữu ích là sản phẩm khoa học công nghệ trong PCTT.
Cùng với đó, nghiên cứu khoa học liên quan đến PCTT phải được quản lý chặt chẽ từ khâu đặt đầu bài, giám sát thực hiện đến tiếp nhận và làm chủ các sản phẩm khoa học công nghệ; đồng thời, giúp các địa phương tiếp nhận và làm chủ các sản phẩm nghiên cứu cho địa phương.
“Cần thiết thu thập tất cả các sản phẩm khoa học công nghệ hiện có, nhất là các bản đồ cảnh báo, rủi ro một số loại thiên tai đã xây dựng cho nhiều vùng miền trong cả nước để xây dựng hệ thống hỗ trợ ra quyết định, phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai”, ông Tùng kiến nghị.
Ngoài ra, Tổng cục PCTT cần nghiên cứu để có những chính sách khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp về kinh phí, sáng chế, và kỹ thuật trong sự nghiệp PCTT nói chung và trong nghiên cứu khoa học nói riêng.
* Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, năm 2019 mặc dù thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước với 16/21 thiên tai được ghi nhận đã xảy ra.
* “Ứng dụng khoa học công nghệ phải chú trọng vào công tác dự báo, cảnh báo, ứng phó, khắc phục và tái thiết sau thiên tai. Không chỉ có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học mà cần đẩy mạnh xã hội hóa với sự tham gia của các doanh nghiệp với những sáng chế, ứng dụng kỹ thuật”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.