Biết rồi, khổ lắm… vẫn phải nói!

Xã hội - Ngày đăng : 14:23, 27/08/2020

(TN&MT) - Thiếu công khai, minh bạch thông tin quy hoạch đất đai vừa không tạo ra sự đồng thuận của người dân trong quá trình triển khai dự án vừa là cơ hội cho tình trạng tham nhũng đất đai tăng mạnh.

Khác với các tài nguyên hữu hạn khác, quản trị tốt tài nguyên đất còn quyết định sự ổn định xã hội, thịnh vượng quốc gia và bền vững môi trường. Tuy vậy, giá trị gia tăng từ đất - một phần lớn - đã bị mất mát vào nhóm nhỏ có “thông tin và quyền quyết định”. Việc này không chỉ khiến Nhà nước mất một nguồn thu lớn từ đất đai cho ngân sách mà còn tạo ra mâu thuẫn xã hội chồng chéo, ngày một gay gắt và khó giải quyết. Bằng chứng là chuyện phải minh bạch thông tin đất đai luôn rất nóng trên các diễn đàn, nhất là các buổi tiếp xúc cử tri, đối thoại với người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị.

Trong khi đó, Mục 1, Điều 48, Luật Đất đai năm 2013 nêu rõ: “Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt phải được công bố công khai”.

Cùng với Luật Đất đai, nhiều văn bản pháp luật đều yêu cầu bắt buộc công bố thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điển hình nhất là Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 3/1/2018 yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Tuy vậy, trên thực tế không phải ở đâu, chỗ nào cũng thực hiện tốt. Tình trạng người dân không được biết, khó tiếp cận quy hoạch diễn ra khá phổ biến.

Ảnh minh họa

Nhân danh “lợi ích quốc gia”, không ít địa phương đã tiến hành thu hồi đất cho cả các dự án thuần túy vì mục đích kinh doanh thương mại của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Những mảnh ruộng màu mỡ được thu hồi để xây tòa cao ốc, khu đô thị mới hiện đại, nhưng tiền đền bù cho người dân có nơi một mét vuông chưa mua nổi bát phở.

Ở không ít dự án, sau khi thu hồi đất, người dân đã bị đẩy vào tình thế bấp bênh về sinh kế, mờ mịt về tương lai khi các yêu cầu về bảo đảm điều kiện tái định cư, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm mới không được thực hiện theo đúng quy định. Thử hỏi người dân sao chịu nổi?!

Rõ ràng xuất phát từ thực tiễn, việc minh bạch hóa thông tin là cách tốt nhất giải quyết những vướng mắc trong câu chuyện quy hoạch hiện nay. Có không ít ý kiến cho rằng, thông tin quy hoạch cần được công khai trên mạng và các phương tiện truyền thông để người dân nắm được khu vực đó quy hoạch gì, ranh giới quy hoạch thế nào, thuộc quyền sở hữu của ai, pháp lý ra sao,… Từ đó, nếu phát sinh tranh chấp sẽ dễ dàng xử lý và không xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.

Pháp luật cần minh bạch từ những văn bản quy định, không có điểm mù mờ để tham nhũng lách. Khi thực hiện lại càng cần đến sự minh bạch hơn, đó là tiêu chí của xã hội công bằng, văn minh mà chúng ta hướng tới.

Phương Anh