Đô thị loay hoay trong vòng vây của rác: Sẽ điều chỉnh Quy hoạch xử lý chất thải rắn

Môi trường - Ngày đăng : 13:19, 20/08/2020

(TN&MT) - Thực hiện Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến nay, Hà Nội có 8 khu hiện hữu đã và đang được nâng cấp, mở rộng và 4 khu đã và đang được đầu tư xây dựng mới.

Thành phố đã tập trung đầu tư mở rộng, nâng cấp 2 khu xử lý có quy mô lớn, trọng điểm là Khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn, huyện Sóc Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì.

Vấn đề bất cập nhất khi triển khai các khu xử lý chất thải rắn đã được quy hoạch tại Hà Nội là việc đầu tư xây dựng các khu xử lý mới chỉ tập trung đầu tư các khu xử lý tại vùng I (Sóc Sơn) và vùng III (Xuân Sơn), trong khi vùng II lại chưa có nhà máy xử lý chất thải nào hoạt động. Các dự án ưu tiên đề xuất đến năm 2020 theo quy hoạch chưa được thực hiện đúng tiến độ, chưa có nhà máy xử lý sử dụng công nghệ cao với quy mô lớn đi vào hoạt động; một số vị trí theo quy hoạch công suất nhỏ, chưa thu hút về hiệu quả đầu tư.

TP. Hà Nội đã mở rộng Khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn. Ảnh: Hoàng Minh

Trong khi đó, tiến độ triển khai xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ trước thời điểm có tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư các dự án trên đều chậm tiến độ, gặp phải khó khăn chung là sự phản đối của người dân. Đối với các dự án sử dụng phương pháp đốt không phát điện đã hoàn thành xây dựng, khi đi vào hoạt động cho thấy, việc lựa chọn công nghệ còn chưa hợp lý, thiết bị xuống cấp nhanh, thường xuyên hỏng hóc, phải bảo dưỡng, dẫn đến công suất đốt chưa đáp ứng được so với công suất thiết kế.

Theo UBND TP. Hà Nội, Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội được xây dựng trên cơ sở quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2005, Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 9/4/2007 và các quy hoạch có liên quan. Đến nay, đã có nhiều thay đổi về định hướng quy hoạch, mục tiêu quản lý chất thải rắn mới đã được Chính phủ ban hành. Một số vị trí theo quy hoạch có tốc độ phát triển đô thị lớn, dẫn đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn không còn phù hợp để thực hiện; trong khi khối lượng chất thải rắn gia tăng lớn hơn so với dự báo.

Chúng ta đang bỏ quên “núi vàng” từ rác. Khối lượng chất thải rắn có thể phân hủy (rác thực phẩm) chiếm khoảng 75%, còn lượng chất thải rắn có khả năng tái sinh tái chế chiếm khoảng 25%. Nếu biết tận thu rác thực phẩm, xã hội sẽ thu được hàng trăm tỷ đồng từ việc giảm chi phí chôn lấp rác và bán phân Compost

Vì vậy, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo rà soát và có Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội. Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản giao Bộ Xây dựng hướng dẫn Hà Nội thực hiện việc này.

t8.jpg

 

Yên Thi