Hà Nội: Phối hợp trong phòng ngừa và xử lý vi phạm về đê điều

Tài nguyên - Ngày đăng : 11:07, 17/08/2020

(TN&MT) - Xây dựng công trình trái phép trong phạm vi bảo vệ đê điều, bãi sông; đổ thải, san lấp lấn chiếm lòng sông, bãi sông; khai thác, tập kết cát sỏi trái phép ở bãi sông, lòng sông…là những vi phạm đê điều phổ biến hiện nay tại thành phố Hà Nội.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác phối hợp kiểm tra, ngăn chặn và xử lý vi phạm về đê điều. Đặc biệt là trong công tác phòng ngừa và xử lý vi phạm về đê điều.

Ảnh minh họa

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn UBND quận, huyện, thị xã quản lý đất, sử dụng đất khu vực bãi sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều, sử dụng đất làm bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng, lập dựng trạm trên bê tông ngoài đê đúng mục đích sử dụng đất; Cung cấp thông tin về giấy phép khai thác cát lòng sông cho chính quyền các địa phương và các đơn vị chức năng phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm đê điều.

Ở địa phương, UBND các cấp phối hợp với Chi cục Ðê điều và Phòng chống lụt bão và các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đê điều.

Đồng thời, rà soát, có phương án quản lý, sử dụng đất tại các khu vực bãi sông, trong hành lang bảo vệ đê điều đúng quy định pháp luật về đất đai, đê điều và các quy định pháp luật có liên quan, kiên quyết xử lý, thu hồi theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, thu hồi đối với diện tích đất bãi sông sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật.

Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát, cung cấp thông tin về mốc giới sử dụng đất, mục đích sử dụng đất liên quan đến đê điều, kiến nghị xử lý đối với diện tích bãi sông, trong hành lang bảo vệ đê điều sử dụng sai mục đích, vi phạm...

Quyết định số 15/2020/QĐ-UBND cũng nêu rõ vi phạm pháp luật về đê điều phải được phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch. Mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục triệt để theo quy định của pháp luật.

Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý đê điều nhưng có hành vi, biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc bao che, tiếp tay cho vi phạm pháp luật về đê điều thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm bị xử lý theo quy định của pháp luật…

Phạm Oanh