Những “phận đời” mưu sinh

Xã hội - Ngày đăng : 10:41, 13/08/2020

(TN&MT) - Bất kể khi trời nắng, mưa bão, gió rét hay bất kể là ngày hay đêm lúc nào đầm Thị Nại cũng có hàng nghìn người dân dầm mình nước nước, bởi đây là nghề mưu sinh của ngư dân quanh vùng. Không những thế, đầm Thị Nại còn tạo nên nét văn hóa sông nước đặc trưng chỉ có ở người dân Phù Cát, Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Dầm mình mưu sinh

Để hiểu hơn về cuộc sống mưu sinh của người dân trên đầm Thị Nại vất vả nhọc nhằn như thế nào, chúng tôi theo chân ông Nguyễn Văn Ba ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước đi đánh bắt cá trong đêm tối. Trên chiếc xuồng nhỏ lênh đênh, một mình một thuyền, ông Ba vật lộn với chiếc lưới đánh bắt cá đang rối tung cuộn nhiều vòng, để gỡ từng con cá nhỏ trong ánh đèn tù mờ bằng pin đeo trên đầu ông chỉ đủ nhìn thấy người và cá. Kiếm được bao nhiêu cá, ông lại bỏ vào chiếc xô nhựa nằm trực chờ dưới thuyền để cất giữ thành quả đánh bắt của mình trong một chuyến đi đầm.

Đánh bắt thủy sản trên đầm Thị Nại

Ông Ba chia sẻ: Tuy thu nhập không ổn định lúc nhiều lúc ít nhưng vẫn đủ sống qua ngày, cuộc sống người dân sinh sống ven đầm chỉ có vậy, tối đi đánh bắt tôm, cá đến mờ sáng, khi nào nước rút lại ra cào sìa, phễnh, ngao để bán ngày kiếm được gần 200 ngàn đồng, nhưng có ngày chẳng có đồng nào. 

Ông Ba dẫn chúng tôi tới vùng nước cạn gặp gỡ những người phụ nữ có mặt từ giữa khuya đến sáng sớm để cào sìa, đào ngao, đào nghêu. Họ dùng chiếc cào có cán gỗ dài đào từng hốc bùn moi ngao, nghêu nằm dưới lớp đất bùn sâu lên. Nhiều người trong số họ đã gắn bó với nghề này trên 30 năm, mặc dù thu nhập mỗi ngày bấp bênh lên xuống theo con nước thủy triều trong đầm.

Nói về nghề mưu sinh trong đầm, bà Nguyễn Thị Xíu ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước tâm sự: Tôi làm nghề này mấy chục năm nay, ngày đầu về làm dâu đã theo chồng đi đánh bắt cá, cào ngao rồi. Mỗi ngày kiếm cũng được 150- 200 ngàn đồng. Mỗi lần bắt được một con ngao, bà Xíu lại nở nụ cười làm khuôn mặt mệt mỏi, nhăn nhúm, rám nắng của bà bỗng trở nên tươi tắn, rồi cầm con ngao ngắm nghía như thể tìm được một vật gì đó rất quý giá. Giây phút ấy, bà chợt nghĩ đến những đứa con, người chồng, cha mẹ già ở nhà sẽ có được bữa cơm tươm tất, đủ đầy hơn, hay ít ra mình cũng kiếm được ít tiền dư dật lận lưng lo tuổi già.

Mưu sinh trên đầm diễn ra liên tục trong năm, mùa nào thức ấy, nhưng mùa hè chính là mùa “ăn nên làm ra” của người dân ven đầm. Hè đến, ngao ốc chắc thịt, nước triều rút sâu tạo thành vùng “làm ăn” rộng lớn để dễ dàng cho việc phân chia “lãnh thổ” cào xới, nhặt nhạnh ngao, ốc của người dân trong vùng.

Mưu sinh vất vả trên đầm Thị Nại

Người dân đánh bắt thủy sản trên đầm không chỉ dựa vào sức lực, đôi bàn tay dẻo dai, rắn chắc để cào, đãi mà phải rèn luyện tính kiên trì nhẫn nại. Bởi khi con tôm, cua, cá mắc vào lưới, họ kéo lưới lên bờ, sau đó cùng nhau gỡ từng con tôm, cá ra khỏi lưới giăng.

Trên chiếc xuồng nhỏ, ông Ba tiếp tục đưa chúng tôi khám phá đầm Thị Nại giữa cái nắng chói chang, tìm hiểu thêm những “phận đời” mưu sinh khác của người dân sinh sống trên đầm, mới thấy đầm Thị Nại quả là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người và vạn vật.

Bà Nguyễn Thị Tuyền ở xã Phước Sơn chia sẻ: Cả đời chúng tôi sống trên con đầm và sau này vẫn thế. Cứ theo con nước lên xuống mà đánh bắt thủy sản mưu sinh hàng ngày. Ngày nào thuận trời có thêm thu nhập, có ngày chả có cái gì mà ăn. Rau câu mọc ven đầm và trên các cồn đá, nước cạn thì lấy, nước lớn thì nghỉ không làm. Rau câu chỉ làm mùa nắng, chứ mùa mưa không làm được.

Xa xa một nhóm người đang hò nhau kéo lưới đưa con dẹm vào bờ. Đây là loài thủy sản người dân đánh bắt bán cho thương lái phục vụ cho các cơ sở nuôi tôm hùm trong và ngoài tỉnh. Khi kéo được con dẹm vào bờ, bà con lại xúm nhau ngồi gỡ rừng con một ra khỏi lưới đánh bắt.

Bà Lê Thị Phùng ở xã Phước Sơn cho biết: Con dẹm có giá 80.000/ký, một năm chỉ đánh bắt con dẹm khoảng 2- 3 đợt. Một ngày thu hoạch được một tấn, nhưng hai ba tháng mới thu hoạch một lần. Nước mặn quá con dẹm cũng không thể sinh sống được nên nuôi được nó chờ đến ngày thu hoạch rất lâu. Bà con ở đây sinh sống đều nhờ nguồn thủy sản trên đầm, mùa nào thức ấy cũng sống đủ qua ngày.

Rau câu lấy từ đầm Thị Nại phơi nắng giữa trưa hè

Công việc vất vả, lam lũ, nhọc nhằn, nguồn thu nhập bấp bênh lúc ít, lúc nhiều, thế nhưng, người dân ven đầm Thị Nại vẫn gắng gượng trang trải cuộc sống qua ngày, tiếp tục theo nghiệp mưu sinh trên con nước cho đến cuối cuộc đời và chờ đợi phép màu làm thay đổi cuộc sống của họ.

Cần bảo tồn lá phổi xanh

Đầm Thị Nại không chỉ là nơi mưu sinh của hàng vạn lao động nghèo sinh sống nghề sông nước mà còn được ví như lá phổi Xanh. Những năm qua, tỉnh Bình Định luôn chú trọng công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ diện tích rừng ngập mặn để chống thủy triều xâm thực và biến đổi khí hậu.

Rừng ngập mặn được phục hồi làm nơi trú ngụ, sinh sản của nhiều loài tôm, cua, cá và các loài thủy sản khác, tạo sinh kế cho người dân vùng ven đầm. Không chỉ những người làm nghề thả lưới, mà cả người làm nghề đào sìa, phễnh cũng có thu nhập dưới tán rừng ngập mặn.

Đánh bắt kéo lưới đưa con dẹm vào bờ

Đời sống người dân quanh đầm có một nhịp sống phụ thuộc theo nhịp con nước lên xuống của đầm. Khi thủy triều lên thì người dân đánh bắt tôm, cua, cá và khi thủy triều rút họ bắt nghêu, ngao, ốc, trùng biển nằm sâu dưới lớp bùn đất của đầm. Thời điểm người dân đánh bắt thủy sản trên đầm thường từ 20 giờ ngày hôm trước đến rạng sáng ngày hôm sau, vì đây là thời điểm tôm, cá trên đầm đi ăn nhiều nhất. Muốn khai thác thủy sản được nhiều, họ phải nắm rõ quy luật hoạt động, từng nhịp thở của đầm trong một ngày theo chu kỳ nhất định.

Cuộc sống lênh đênh trên sông nước đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc trưng người dân ven đầm từ xa xưa và được lưu giữ đến hôm nay. Họ dựa vào đầm Thị Nại sinh sống qua nhiều thế hệ vì được hưởng lộc trời của thiên nhiên. Từ đó, người dân nơi đây có tâm lý muốn giữ gìn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho thế hệ con cháu kế cận đều được hưởng thụ để nuôi sống gia đình, mở rộng lãnh địa làng, tộc nơi “chôn nhau cắt rốn”.

Bởi vậy, họ cùng nhau phản đối các doanh nghiệp hút cát, ngăn cản hành động đánh bắt thủy sản bằng lưới lồng, xung điện xiết máy, thu hẹp diện tích mặt nước đầm để xây dựng khu du lịch, nghỉ dưỡng, biệt thự trên đầm, nhằm mục đích bảo vệ nguồn lợi thủy sản không bị cạn kiệt, hủy diệt, phá hủy hệ sinh thái, không làm mất đi nguồn tài nguyên quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người nơi đây.

Đầm Thị Nại có diện tích hơn 5.000 ha nằm trên địa phận thành phố Quy Nhơn, huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát, là đầm nước mặn lớn nhất của tỉnh Bình Định. Từ bao đời nay, đầm là chốn mưu sinh của hàng vạn người dân ven đầm tạo nên nền văn hóa sông nước đặc trưng của người Bình Định.    

Lời tâm sự tự đáy lòng về cuộc sống mưu sinh và ước vọng của bà con nơi ven đầm Thị Nại của ông Nguyễn Văn Ba trước khi chia tay, khiến tôi nhiều cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Thời gian chia tay ông cũng là lúc mặt trời lên cao tỏa nắng rực rỡ phủ lên màu xanh trong vắt mặt nước đầm tạo nên bức tranh phong cảnh hữu tình tuyệt đẹp trên đầm Thị Nại. Trong khoảnh khắc ấy, tôi nghĩ đến người dân sinh sống ven đầm, hy vọng “những phận đời mưu sinh trên đầm” sẽ luôn có cuộc sống đủ đầy nếu đầm Thị Nại không bị mất đi, được giữ gìn và bảo vệ muôn đời sau.

Mỹ Bình