Châu Âu lo ngại nguy cơ từ rác thải nhựa trong dịch COVID-19

Thế giới - Ngày đăng : 16:10, 11/08/2020

(TN&MT) - Giám đốc môi trường của Liên minh châu Âu cho biết mối lo ngại đang gia tăng trên khắp châu Âu về việc giá dầu giảm do COVID-19 gây ra có thể làm giảm nhu cầu đối với nhựa tái chế nhưng dữ liệu vẫn còn “chắp vá” về cách mà đại dịch đã ảnh hưởng đến lượng rác thải chất đống.

Các đống nhựa riêng biệt được lưu trữ để phân phối cho các công ty tái chế tại nhà máy Amarsul ở Seixal, Bồ Đào Nha vào ngày 7/7/2020. Ảnh: Reuters

Do các đợt phong tỏa trên khắp thế giới khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch giảm, giá dầu đã giảm mạnh trong năm nay, khiến nhựa nguyên sinh thậm chí còn rẻ hơn các phiên bản tái chế của loại nhựa này.

Điều đó có thể gây rắc rối cho các kế hoạch của EU nhằm cải thiện tỷ lệ tái chế. EU xả ra khoảng 26 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm nhưng chỉ 30% trong số đó được tái chế.

“Chúng tôi lo ngại về khả năng gián đoạn thị trường nhựa tái chế do giá dầu thô thấp, cũng như về việc xả rác gồm khẩu trang và găng tay dùng một lần”, Ủy viên Môi trường EU, Virginijus Sinkevicius trao đổi với Reuters trong một cuộc phỏng vấn bằng văn bản.

“Ở giai đoạn này, chúng tôi chưa có đủ dữ liệu tổng hợp để đưa ra kết luận đáng tin cậy về tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19 đối với việc tạo ra rác thải nhựa, thu gom, phân loại, tái chế hoặc xả rác riêng biệt”.

Các nhà máy tái chế nhựa trên khắp châu Âu đã buộc phải hạn chế hoạt động trong thời gian xảy ra đại dịch, và một số người cho rằng nhu cầu đã giảm mạnh, do các khách hàng đã từ bỏ các mục tiêu xanh do suy thoái kinh tế.

“Tuy nhiên, cho đến nay, các công ty vẫn đang đi đúng hướng để đáp ứng mục tiêu tự nguyện do EU đặt ra là sử dụng 10 triệu tấn nhựa tái chế trong các sản phẩm mới vào năm 2025”, Sinkevicius cho biết.

Ông cho biết Ủy ban đã nhận được "tương đối ít" yêu cầu miễn trừ hoặc gia hạn các quy tắc môi trường của EU do cuộc khủng hoảng COVID-19, nhưng một số quốc gia đã gặp khó khăn trong việc đáp ứng các mục tiêu tái chế ngay cả trước đại dịch.

EU sẽ cấm một số loại nhựa sử dụng một lần vào năm tới và các nhà lãnh đạo EU tháng trước đã nhất trí đưa ra mức thuế trên toàn khối đối với chất thải bao bì nhựa không thể tái chế, nhằm giúp gây quỹ phục hồi châu Âu sau sự hỗn loạn kinh tế do virus gây ra.

Sinkevicius cho biết quỹ phục hồi COVID-19 trị giá 750 tỷ euro (tương đương 881,8 tỷ USD) của EU có thể giúp hỗ trợ ngành tái chế.

“Nếu EU và chính quyền các nước thành viên không có biện pháp khắc phục nhanh chóng, việc đạt được các mục tiêu tái chế của EU sẽ gặp nguy hiểm”, Giám đốc điều hành của Plastic Europe, ông Antonino Furfari trao đổi với Reuters.

“Theo dự báo, giá dầu thấp ​​sẽ duy trì trong hơn một vài tháng, do đó ảnh hưởng nhiều hơn đến hoạt động kinh doanh tái chế. Do đó, việc phân loại giá nhựa hóa thạch từ nhựa tái chế là điều bắt buộc”, ông Furfari nhấn mạnh.

Mai Đan