Chí Linh – Hải Dương: Lập dự án “nuôi trồng thủy sản” để khai thác đất sét?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 20:04, 10/08/2020
Trao đổi với phóng viên, nhiều người dân tại khu dân cư Đại Bát, phường Hoàng Tân, TX Chí Linh cho biết: Gần một năm nay, các thửa ruộng lúa gần nhà máy gạch Đại Phong đã bị đào bới để khai thác đất sét chở về nhà máy này.
Cũng theo bà con phản ánh, khu vực này chỉ cần gạt một lớp đất bùn mỏng ở trên là đến đất sét. Bởi vậy, công ty Đại Phong đã mua hết ruộng lúa của nhiều nhà trong thôn. Bà con cũng thấy lạ, cứ vài ngày lại thấy máy xúc đào, gạt. Nói là đào ao, nhưng chỗ nào ao có đất sét thì đào sâu đến 5 – 7 mét khiến đồng ruộng nham nhở.
Khu đất bị đào sâu đến 5 – 7 mét khiến đồng ruộng nham nhở |
Trao đổi với phóng viên, một người dân (xin giấu tên) ở phường Hoàng Tân cho biết: Lâu nay, máy xúc chỉ cần xúc móng nhà thôi, cũng thấy cán bộ phường, thị xã xuống rồi. Vậy tại sao các khu ruộng bao xung quanh nhà máy gạch Đại Phong bị đào xới, đất sét được chở đi thì chẳng thấy cấp chính quyền nào đến chấn chỉnh cả?.
Bà Nguyễn Thị Hòa, một người dân có ruộng ở đây bức xúc cho biết: Vào ngày 21/1/2020, gia đình bà phát hiện ra người của Cty Đại Phong cho máy xúc đào xới khu ruộng của gia đình. Bà kêu cứu lên phường mà chẳng thấy ai xuống, cực chẳng đã, bà phải mời đến trưởng thôn và người có đất giáp ranh ký và làm chứng trước việc Cty Đại Phong khai thác đất xâm phạm vào ruộng của gia đình bà.
Tìm hiểu thực tế, phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường được biết: Ngày 31/1/2019, Chủ tịch UBND Thị xã Chí Linh Nguyễn Đức Hóa ký Quyết định số 187/QĐ – UBND về việc phê duyệt phương án chuyển đổi diện tích trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản. Chủ hộ là Đặng Văn Đạt khu dân cư Đại Bát, phường Hoàng Tân, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Cũng theo quyết định này, hộ ông Đặng Văn Đạt, trú tại phường Hoàng Tân, TX Chí Linh được giới thiệu phương án chuyển đổi 69.482 m2 đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản. Được biết: nguồn gốc đất là đất giao ổn định cho các hộ gia đình, cá nhân được chủ hộ chuyển nhượng tích tụ và đất công do UBND phường quản lý.
Và cũng theo quyết định, ông Đặng Văn Đạt được phép xây dựng hạ tầng khu nuôi trồng thủy sản gồm 4 ao nuôi với tổng diện tích: 43,626 m2, tổng khối lượng đất đào ao: 153.101 m3, đáy ao nuôi đào đến cao trình ( - 1.00); mái ao m =1.50...
Qua tìm hiểu, phóng viên được biết, để tiến hành dự án này, ngay sau khi có quyết định được, ngày 05/4/2019 Công ty CP Vận tải và Xây dựng Đại Phong đã ký hợp đồng kinh tế số: 13/ĐP/CL về việc đào đắp khu nuôi trồng thủy sản: Bên thuê là ông Đặng Văn Đạt; Bên làm thuê là Cty Đại Phong. Hai bên thỏa thuận thống nhất cùng nhau ký kết hợp đồng kinh tế với nội dụng: Khoán gọn đào 4 ao, đắp đường, đắp nền khu quản lý... Riêng khối lượng đất thừa là: 105.185,23 m3, phải vận chuyển ra ngoài, bên A cho bên B không tính tiền. Và rồi từ đây, đất đào ao (thực chất là đất sét) đã được chở “lặng lẽ” về nhà máy gạch Đại Phong.
Trong những ngày quan sát, nghiên cứu tại hiện trường, phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường nhận thấy, phản ánh của người dân là có cơ sở.
Thứ nhất, về độ sâu của 4 cái ao, đã vượt mức quy định so với hồ sơ được phê duyệt của UBND thị xã Chí Linh.
Thứ hai, cần làm rõ việc chở đất về nhà máy gạch Đại Phong làm nguyên liệu sản xuất có đúng mục đích và đã có giấy phép tận thu khoáng sản hay không?
Thứ ba, Khu đất công do UBND Phường Hoàng Tân quản lý tại sao lại được giao cho cá nhân hộ gia đình chuyển đổi mục đích sử dụng và khai thác?
Rộng đường dư luận, phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường đã liên hệ với UBND TX Chí Linh để làm rõ một số nội dung đã nêu ở trên, nhưng viện nhiều lý do, lãnh đạo địa phương đã hẹn vào dịp khác.
Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ việc "núp bóng" đào ao chuyển mục đích sử dụng đất thành khu nuôi trồng thủy sản để khai thác đất sét làm nguyên liệu cho nhà máy gạch Đại Phong?
Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ phán ánh khi có sự phản hồi của các cơ quan chức năng.