PGS. TS. Hồ Thị Thanh Vân: Nhà khoa học tiêu biểu châu Á năm 2020
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 17:16, 10/08/2020
Không ngừng nỗ lực
Năm 1998, nữ sinh viên Hồ Thị Thanh Vân đã được xét tuyển thẳng vào Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM. Ra trường năm 2003 và với kết quả học tập tốt, Hồ Thị Thanh Vân đã được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại bộ môn Hóa vô cơ thuộc Khoa Hóa (Trường Đại học Bách Khoa), sau đó tốt nghiệp Thạc sĩ vào năm 2006.
Tháng 9/2018, Ths. Hồ Thị Thanh Vân đã nhận được học bổng Tiến sĩ (TS) toàn phần của Đại học Quốc gia Khoa học và Kỹ thuật Đài Loan và xuất sắc nhận Bằng TS trước thời hạn (chưa đến 3 năm). Khi đó, TS. Hồ Thị Thanh Vân cũng đã công bố 1 bằng sáng chế Mỹ, 1 bằng sáng chế Đài Loan về lĩnh vực năng lượng mới và 3 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI uy tín với tổng hệ số ảnh hưởng IF=60.
Sau khi lấy Bằng TS, PGS. TS. Hồ Thị Thanh Vân được mời lại làm việc sau TS 2 năm và thành công với các dự án lớn về pin, năng lượng mặt trời. PGS. TS. Vân tiếp tục được mời lại làm việc sau TS thêm 2 năm nữa, nhưng bà đã chọn con đường quay trở về Việt Nam với mong muốn có thể đóng góp một phần kiến thức đã học vào đào tạo thế hệ trẻ và cho sự phát triển của nước nhà.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tặng hoa chúc mừng PGS. TS. Hồ Thị Thanh Vân có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học |
Trở về Việt Nam từ tháng 9/2013 và sang công tác với vị trí Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Quan hệ đối ngoại - Trường Đại học TN&MT TP.HCM đến nay, PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân đã công bố hơn 80 bài báo trên các tạp chí uy tín và chủ trì và tham gia với hơn 10 dự án, đề tài khoa học công nghệ trong và ngoài nước. TS. Hồ Thị Thanh Vân đã được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước xét công nhận PGS năm 2016 khi 36 tuổi.
Trở lại giảng dạy và nghiên cứu lĩnh vực pin nhiên liệu, dù là lĩnh vực đã từng nghiên cứu trước đó ở nước ngoài, nhưng PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân cũng gặp không ít trở ngại. Đó là nguồn kinh phí và trang thiết bị phòng thí nghiệm, các kỹ thuật phân tích hiện đại phục vụ cho hướng nghiên cứu mới còn thiếu. Một số hóa chất sử dụng cho việc tổng hợp vật liệu phải đặt mua, nhiều phương pháp đo đạc, phân tích hiện đại phải gửi đi các trường Đại học, Viện Nghiên cứu ở nước ngoài…
Mỗi lần gặp khó khăn, PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân lại tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa vì nếu bỏ cuộc, Việt Nam sẽ không thể phát triển các hướng nghiên cứu mới, khó hội nhập, bắt kịp xu thế phát triển khoa học công nghệ của quốc tế cũng như không thể đào tạo, truyền đạt kết quả cho các thế hệ trẻ tiếp cận, học hỏi. Với suy nghĩ đó, PGS.TS. Vân đã quyết tâm vượt qua mọi thách thức để có thể thực hiện được những trăn trở tâm huyết của mình cho việc nghiên cứu khoa học (NCKH).
|
“Sau hơn 6 năm về Việt Nam theo đuổi con đường nghiên cứu, dù đứng trước những khó khăn, mình chưa bao giờ nản lòng hay nghĩ đến bỏ cuộc và mỗi lần gặp khó khăn thì mình càng cố gắng nhiều hơn nữa bởi mình tin sự đam mê, nhiệt huyết và sự cố gắng tìm tòi thì mọi cánh cửa của khoa học đều mở ra và ngày càng rộng hơn. Ngoài ra, sự thành công của các thế hệ đào tạo cũng là nguồn động viên rất lớn cho mình tiếp tục phát huy và theo đuổi con đường đã lựa chọn” - PGS.TS. Vân chia sẻ.
“Phụ nữ làm khoa học sẽ gặp không ít khó khăn, vì phải cân bằng được công việc, sự đam mê tâm huyết với công việc và trách nhiệm với gia đình. Việc chọn cho mình cách vượt qua khó khăn là sắp xếp thật khoa học giữa công việc và gia đình, mỗi công việc đều có mục tiêu cụ thể và lộ trình để thực hiện. Đối với đội ngũ nhà khoa học nữ ở Việt Nam, ngoài vai trò quan trọng của người phụ nữ trong gia đình thì ngọn lửa đam mê trong công việc cống hiến cho khoa học và công nghệ của nhà khoa học nữ ngày càng thể hiện nhiều hơn. Đây cũng là điểm sáng trong phát triển khoa học và công nghệ và cần tiếp tục được quan tâm và phát huy hơn nữa trong thời gian tới”. PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân nói.
Đam mê, nhiệt huyết
PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân cho rằng, vai trò của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu tìm tòi các công nghệ, giải pháp công nghệ để thúc đẩy sự phát triển khoa học kỹ thuật của đất nước, từ đó làm thay đổi sâu sắc mọi mặt đời sống xã hội. Ngọn lửa đam mê nhiệt huyết dành cho khoa học luôn có ý nghĩa to lớn vì những thành công đạt được sẽ giúp đào tạo những thế hệ trẻ có năng lực NCKH cao, nền tri thức nhân loại và đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
“Đối với phụ nữ thì việc sắp xếp khoa học để cân bằng được cuộc sống gia đình và công việc là điều rất quan trọng. Để có thể theo đuổi và gắn bó với con đường NCKH, điều quan trọng nhất đó chính là niềm đam mê, nhiệt huyết và luôn hết sức mình trong công việc. Việc đặt mục tiêu khi chọn lựa định hướng con đường NCKH cũng luôn phải xác định phải có ý nghĩa thiết thực, đóng góp cho cộng đồng xã hội cũng như đào tạo nguồn nhân lực các thế hệ trẻ” - PGS.TS. Vân cho hay.
PGS. TS. Hồ Thị Thanh Vân nhận Giải thưởng Nhà khoa học Nữ Xuất sắc nhất Việt Nam năm 2019 của LOréal - UNESCO trao tặng |
Riêng đối công việc nghiên cứu về pin nhiêu liệu, pin mặt trời là những dạng năng lượng tái tạo, từ những năm 2009, khi NCKH - công nghệ và làm việc ở nước ngoài, PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân nhận thấy đây là một hướng NCKH rất cần thiết và mang tính cấp bách vì nguồn năng lượng hóa thạch là nguồn năng lượng chính có trữ lượng hữu hạn, dần cạn kiệt và ngày càng khan hiếm theo thời gian.
Thành tựu NCKH này có giá trị thực tiễn, tính cấp thiết cao đóng góp quan trọng trong việc phát triển các dạng năng lượng tái tạo, từ đó đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính CO2, ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. Những kết quả đạt được của NCKH còn đào tạo được một thế hệ trẻ có kiến thức, tư duy khoa học tốt, đóng góp lớn vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Hướng nghiên cứu thành công pin nhiên liệu này sẽ mang đến lợi ích thiết thực trong việc sử dụng rộng rãi, để thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch và giảm sự nóng lên toàn cầu do khí thải CO2. So với các loại pin truyền thống thì pin nhiên liệu là loại thiết bị năng lượng có mức thải ô nhiễm gần như bằng 0, thân thiện với môi trường và lượng nước sinh ra sau phản ứng là nước sạch có thể dùng uống được.
PGS. TS. Hồ Thị Thanh Vân hướng dẫn các sinh viên về quy trình nghiên cứu pin nhiên liệu tại phòng thí nghiệm của Trường |
Tuy vậy, theo PGS.TS. Vân, pin nhiên liệu có nhược điểm là giá thành còn cao nên cần nghiên cứu giảm giá thành để ứng dụng rộng rãi hơn. Nghiên cứu này hướng đến tổng hợp vật liệu nano mới, làm giảm giá thành pin nhiên liệu và tăng hiệu suất pin; mang đến hiệu quả về chi phí, hoạt động và độ bền cao để có thể thương mại hóa được loại pin nhiên liệu thân thiện với môi trường này trong tương lai.
Qua khảo sát thực tế, PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân nhận thấy ở nước ta có tiềm năng phát triển công nghệ chế tạo và ứng dụng pin nhiên liệu trong đời sống cũng như sản xuất khá cao. Đơn cử như việc tận dụng nguồn khí thải giàu hydro tại các nhà máy đạm, quá trình điện phân tại các nhà máy sản xuất hóa chất cơ bản để cung cấp nhiên liệu cho pin cũng là một trong những giải pháp tiềm năng ở Việt Nam.
PGS.TS. Hồ Thị Thanh Vân cho rằng: “Hiện nay, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích sử dụng các sản phẩm khoa học - công nghệ mà Việt Nam đã làm chủ, hỗ trợ những công trình nghiên cứu khoa học có sản phẩm sở hữu trí tuệ nhiều tiềm năng ứng dụng vào thực tiễn. Đồng thời, Nhà nước, ngành TN&MT cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các công nghệ thân thiện với môi trường, các dạng năng lượng tái tạo được để có thể áp dụng rộng rãi trong cộng đồng người dân, doanh nghiệp”.