Thêm phương pháp xét nghiệm để kiểm soát Covid-19 tại Đà Nẵng

Khoa học & Công nghệ - Ngày đăng : 19:43, 06/08/2020

(TN&MT) - Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố cho biết, tính đến thời điểm này, CDC Đà Nẵng đã lấy hơn 23.000 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Trong đó, đơn vị đã tiến hành lấy hơn 7.000 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại khu vực phong tỏa, gồm 3 bệnh viện và khu dân cư xung quanh 3 bệnh viện. Hiện tại, hơn 1.700 mẫu xét nghiệm đối với người dân xung quanh 3 bệnh viện đã có kết quả âm tính.

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố cho biết, tính đến thời điểm này, CDC Đà Nẵng đã lấy hơn 23.000 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2

Tuy nhiên, CDC Đà Nẵng khuyến cáo, trong thời gian phong tỏa, người dân cần tiếp tục theo dõi sức khỏe và báo ngay cho cơ quan y tế khi cần thiết. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Huấn, Phó Chủ tịch UBND phường Thạch Thang (quận Hải Châu) cho biết: “Ngay khi có kết quả xét nghiệm, tất cả người dân tại 8 tổ bị phong tỏa với hơn 1.000 nhân khẩu đều hết sức vui mừng.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng quán triệt, nhắc nhở bà con tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. Hiện tại, các tổ công tác Covid-19 tại cộng đồng đều được cử theo dõi sức khỏe người dân hằng ngày, tiến hành đo thân nhiệt 2 lần mỗi ngày. Người dân có nhu cầu mua sắm các nhu yếu phẩm cần thiết sẽ được lực lượng chức năng hỗ trợ”.

Do tính chất phức tạp của dịch bệnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 yều cầu các đơn vị đẩy nhanh tốc độ, quy mô xét nghiệm, điều tra, truy vết, đặc biệt là 5 đối tượng được ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng. Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, để tăng tính phát hiện, loại trừ, CDC Đà Nẵng bắt đầu triển khai phương pháp xét nghiệm theo nhóm (group test) từ hôm qua 5/8.

Tuy nhiên, CDC Đà Nẵng khuyến cáo, trong thời gian phong tỏa, người dân cần tiếp tục theo dõi sức khỏe và báo ngay cho cơ quan y tế khi cần thiết

“Đây là cách làm vừa bảo đảm yêu cầu về độ chính xác vừa rút ngắn thời gian trong bối cảnh gấp rút và khẩn trương như hiện nay. Việc xét nghiệm nhóm chỉ áp dụng trong trường hợp lấy mẫu phẩm của một hộ gia định cụ thể để xác định nhanh việc lây nhiễm ở cộng đồng. Riêng đối với các trường hợp F1, người có tiếp xúc với nguồn lây, có biểu hiện nhiễm virus vẫn xét nghiệm độc lập”, bác sĩ Thạnh cho biết.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Lê Thị Quỳnh Mai cho biết, việc áp dụng phương pháp này đang được Bộ Y tế nghiên cứu xây dựng một quy trình để đưa vào thực hiện sớm nhất. Hiện trên thế giới đã công bố nhiều nghiên cứu về tính hiệu quả của việc gộp mẫu khi phải xét nghiệm số lượng lớn. “Việt Nam cũng đã có những chuẩn bị bước đầu cho tình huống sắp tới trong trường hợp phải xét nghiệm quá nhiều.

Bên cạnh đó, ngành y tế cần có chính sách, chiến lược xét nghiệm để bảo đảm hiệu quả, thứ nhất là chất lượng xét nghiệm, tiếp đến là phải tiết kiệm nhân lực, sinh phẩm hóa chất, các vật tư tiêu hao cũng như là nguồn dự trữ để chúng ta có thể làm việc lâu dài, nên việc gộp mẫu xét nghiệm đã được đặt ra xem xét và nghiên cứu”, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai nêu quan điểm.

Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, để tăng tính phát hiện, loại trừ, CDC Đà Nẵng bắt đầu triển khai phương pháp xét nghiệm theo nhóm (group test)

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, ngành y tế đã thử nghiệm phương pháp gộp nhóm xét nghiệm Covid-19, kết quả cho thấy việc gộp mẫu xét nghiệm và xét nghiệm đơn lẻ hầu như không có sự khác biệt, chỉ có khác biệt về vấn đề thời gian.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, việc nâng cao năng lực xét nghiệm là điều hết sức cần thiết hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh số ca nhiễm trong cộng đồng liên tục tăng lên. Đà Nẵng hiện đang áp dụng xét nghiệm SARS-CoV-2 theo phương pháp kháng nguyên bằng kỹ thuật RT-PCR và xét nghiệm kháng thể bằng kỹ thuật Elisa. Theo đánh giá, cả 2 loại xét nghiệm này đang rất cần thiết, do bệnh dịch đã lây lan tương đối lâu trong cộng đồng nên việc tìm ra những người mang kháng thể rất cần thiết.

Bên cạnh đó thì vẫn còn những bệnh nhân nguy cơ, bệnh nhân mới, bệnh nhân tiềm tàng, cần phải sử dụng xét nghiệm Realtime-PCR để phát hiện kịp thời. “Mặc dù Đà Nẵng đã tăng công suất đạt được mức từ 8.000-10.000 mẫu xét nghiệm/ngày nhưng chúng tôi đánh giá vẫn còn nhu cầu về mặt xét nghiệm nên phải tăng thêm lực lượng xét nghiệm”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói.

Do tính chất phức tạp của dịch bệnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 yều cầu các đơn vị đẩy nhanh tốc độ, quy mô xét nghiệm, điều tra, truy vết, đặc biệt là 5 đối tượng được ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, những ca dương tính với SARS-CoV-2 ghi nhận ở Đà Nẵng trong đợt này rất đặc biệt, có nhiều bệnh nhân nặng và việc truy vết trong cộng đồng đòi hỏi của sự tham gia của nhiều chuyên gia. Vì thế, bên cạnh sử dụng nguồn nhân lực tại thành phố thì rất cần sự chi viện từ Trung ương, từ các bệnh viện bạn đến để tham gia vào công tác hỗ trợ cho điều trị, xây dựng cơ sở để tiếp nhận bệnh nhân Covid-19… 

“Việc truy vết F0 đầu tiên tại Đà Nẵng hiện không còn là mục tiêu chủ yếu nữa. Mục tiêu của chúng ta giờ là sử dụng các phương pháp xét nghiệm để phát hiện những ca dương tính trong cộng đồng”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

 

Xuân Lam