Sóc Trăng: 11 xã đảo và một số cồn được lập hồ sơ tài nguyên hải đảo

Biển đảo - Ngày đăng : 15:05, 24/07/2020

(TN&MT) - Thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng cho biết, vừa qua UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Quyết định số 1769/QĐ-UBND, về việc phê duyệt hồ sơ tài nguyên hải đảo trên địa bàn tỉnh.

Một góc xã đảo An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng

Theo đó trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có tổng cộng 11 xã đảo được lập hồ sơ tài nguyên hải đảo, bao gồm các xã: Nhơn Mỹ, An Lạc Tây, Phong Nẫm (huyện Kế Sách); các xã An Thạnh 1, An Thạnh 2, An Thạnh 3, An Thạnh Đông, An Thạnh Tây, An Thạnh Nam, Đại Ân 1 và thị trấn Cù Lao Dung (huyện Cù Lao Dung). Cùng với đó một cồn như: cồn Châu, cồn Bửng 1, cồn Bửng 2,…cũng được tỉnh Sóc Trăng lập hồ sơ tài nguyên hải đảo.  

Thông tin với phóng viên, ông Đồng Thống Nhất, Chi cục trưởng Chi cục biển - Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng cho biết, Sóc Trăng là một tỉnh ven biển với đường bờ biển dài khoảng 72 km. Vùng ven bờ tỉnh Sóc Trăng có sự đa dạng về hệ sinh thái của khu vực cửa sông và rừng ngập mặn, là nơi trú ngụ của nhiều loại thủy, hải sản nước lợ và nước mặn có giá trị kinh tế. Bên cạnh những lợi thế và tiềm năng từ biển mang lại thì vùng biển thuộc tỉnh Sóc Trăng đang ngày càng bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Theo ông Đồng Thống Nhất, thực hiện theo quy định Luật Tài nguyên môi trường Biển và Hải đảo; Thông tư số 18/2016/TT-BTNMT ngày 25/7/2016 của Bộ TN&MT quy định chi tiết về hồ sơ tài nguyên hải đảo, hướng dẫn việc lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo, năm 2018 tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thực hiện đo đạc diện tích, ranh giới của các xã đảo; điều ra thu thập về trữ lượng nước mặt, nước dưới đất, rừng, khoáng sản, chất lượng môi trường hải đảo của các xã đảo và cồn để lập hồ sơ quản lý tài nguyên hải đảo.

Ông Đồng Thống Nhất cho biết thêm: “ Trên cơ sở kết quả điều tra tài nguyên hải đảo, vừa qua UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành quyết định về việc phê duyệt hồ sơ tài nguyên hải đảo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Từ dữ liệu tài nguyên hải đảo đã được phê duyệt sẽ giúp cho các cấp quản lý đưa ra chính sách; định hướng bảo vệ, bảo tồn và khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên hải đảo phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia”. 
         

Lê Hùng