Vang mãi khúc tráng ca bất tử
Xã hội - Ngày đăng : 13:48, 23/07/2020
Ký ức về ba liệt sĩ đầu tiên của DK1
Để tường tận về 10 liệt sĩ nhà giàn DK1, chúng tôi tìm về nhà Trung tá Bùi Xuân Bổng, người được coi là “tấm thẻ số 1” tường tận nhất về sự hy sinh của ba liệt sĩ đầu tiên trong vụ bão tố đánh sập nhà giàn Phúc Tần 3 năm 1989 của thế kỷ XX.
Sau 32 năm lăn lộn với 15 nhà giàn DK1, cựu binh Bổng trở về đời thường với bản lĩnh và niềm kiêu hãnh của một “sói biển” dạn dày nắng gió. Tuy đã “xuất ngũ” nhưng ký ức những ngày cùng đồng đội “sống với biển, vui buồn với biển” nơi đầu sóng, ngọn gió ở nhà giàn Phúc Tần năm ấy, anh không thể nào quên. Anh Bổng tâm sự: Đời lính của tôi gắn liền với DK1. Tuổi thanh niên trai tráng dâng hiến cho biển cả. Đó là những ngày kiêu hãnh nhất. “Cuộc đời của người lính đẹp nhất là được cống hiến cho Tổ quốc, dù có gian khổ thế nào đó cũng là vinh dự. Chỉ tiếc không được cống hiến nhiều hơn nữa”.
Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên biển khu vực nhà giàn DK1 |
Cựu binh Bổng kể lại: 30 năm trước vào chiều 4/12, cơn lốc bất ngờ ập tới vùng biển thềm lục địa phía Nam. Nhà giàn Phúc Tần (DK1/3) đúng “tâm lốc xoáy”. Những con sóng như mái nhà cuộn lên từ lòng biển rồi “đập” mạnh vào nhà giàn. Biển sôi sục, nhà giàn chao đảo như ngọn tre. Nhà giàn Phúc Tần 3 ngày ấy thiết kế theo dạng boong tong được cố định bởi 4 giây xích neo vào san hô. Độ cao từ mặt biển lên sàn (nơi nghỉ của chiến sĩ) là 7 mét. Với độ cao ấy, chỉ chịu đựng được sóng cấp 6.
Trước sức tàn phá của cơn lốc giữa đêm đen, 9 cán bộ chiến sĩ đã bình tĩnh lấy những miếng gỗ bung lên từ mặt sàn, kết lại thành chiếc bè và rời nhà giàn. “Lúc 3 giờ sáng ngày 5/12/1990, một con sóng như quả núi ập tới đánh sập hoàn toàn nhà giàn Phúc Tần cuốn theo 9 anh em chúng tôi xuống biển. Nhà giàn bị đánh sập, chúng tôi bám vào tấm gỗ bơi giữa biển. Thực lòng, hy vọng sống của chúng tôi lúc đó rất lớn. Không ai dám nói đến từ chết sợ điều đó xảy ra. Trung úy Nguyễn Hữu Quảng lúc đó giữ chức Trạm phó Chính trị nói với tôi: “Nếu tao chết thì mày về báo với gia đình tao nhé. Bố mẹ tao ở Hà Tây”. Anh Quảng nhường áo phao cho đồng đội cùng với miếng lương khô. Đúng lúc anh Quảng bị sóng hút và nhấn chìm vào lòng biển, Y sĩ Trần Văn Là, chiến sĩ cơ điện Hồ Văn Hiền cũng bị bão tố nhấn chìm ngay sau đó. Đó là ba liệt sĩ đầu tiên của nhà giàn DK1”, anh Bổng hồi tưởng.
Vĩnh hằng nhé, những người đồng đội
Tính đến 27/7 này, Tiểu đoàn DK1 đã có 10 liệt sĩ hy sinh, trong đó, có 6 liệt sĩ vĩnh viễn nằm lại biển khơi, 4 liệt sĩ có phần mộ yên nghỉ ở đất liền. Đại úy Dương Văn Bắc quê ở xã Nghĩa Dũng huyện Tân Kỳ (Nghệ An) là liệt sĩ thứ 10 của DK1, người con xứ Nghệ đầu tiên của DK1 hy sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Một chiều trung tuần tháng 7, tôi tìm về căn nhà nhỏ ở hẻm 1448 đường 30/4 phường 11 Vũng Tàu để “gặp” người đồng đội đã một thời sống và làm việc cùng nhau ở nhà giàn DK1. Trên bàn thờ đặt di ảnh của Bắc cùng với dòng chữ “DK1 nhớ mãi về anh”. Dưới chân dòng chữ là kỷ niệm chương do Bộ Tư lệnh Hải quân tặng anh Bắc vì có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Nén hương trầm thoang thoảng mùi thơm. Mắt tôi cay cay, hình ảnh Bắc và nhà giàn DK1/11 ùa về xúc động.
Chị Vương Thị Trâm - vợ liệt sĩ Bắc xem những di vật của chồng để lại |
Chị Vương Thị Trâm, vợ liệt sĩ Bắc nhìn lên di ảnh chồng lưng tròng nước mắt nói: “Anh Bắc hy sinh 6 năm rồi mà em chẳng nguôi ngoai được. Cứ đến dịp 27/7, không hiểu sao em cứ muốn lên mộ anh ấy. Em vẫn ở vậy nuôi con. Mỗi khi buồn, em lại đem di ảnh, những kỷ vật của anh ra nhìn. Cũng chẳng để làm gì, nhưng ít nhất cũng khỏa lấp được nỗi đau”.
Chị Trâm bê cái rương sắt dưới bàn thờ chồng mở cho tôi xem. Trong đó, có rất nhiều di vật của anh Bắc đem về từ nhà giàn DK1/11. Một chiếc mũ cối, đôi găng tay dùng để kéo gạo mỗi lần chở hàng từ đất liền ra, chiếc bi đông nước, đôi giầy cao cổ, cái thắt lưng, chiếc đai cột người rời nhà giàn xuống tàu tránh bão, 2 bịch gạo rang anh đem theo để khi say sóng đổ nước sôi vào uống cầm hơi lấy sức. Trong nhiều di vật ấy, có một thứ thiêng liêng mà lần đi biển nào anh Bắc cũng đem theo là tấm thiệp đám cưới màu hồng.
Chị Trâm kể lại, sau 2 năm yêu nhau, anh chị làm đám cưới. Lúc đi chọn thiệp cưới ở nhà hàng, anh Bắc thích màu xanh nước biển, còn chị thích màu hồng. Anh Bắc bảo chọn thiệp màu xanh nước biển thể hiện sóng nước Hải quân, nhưng chị lại thích màu hồng vì cho rằng, đó là màu của tình yêu nồng thắm. Chiều ý vợ, cuối cùng anh Bắc đồng ý in thiệp cưới màu hồng. Trước khi đi Nhà giàn, anh Bắc cầm tấm thiệp theo bỏ vào ba lô, bảo đem theo cho đỡ nhớ vợ. Ở biển cô đơn lắm...
Chị Trâm ép tấm thiệp cưới vào ngực như tìm lại những ngày hạnh phúc. Tấm thiệp cưới còn đây, nhưng chú rể ngày ấy không còn nữa. Giờ nó trở thành kỷ vật thiêng liêng của chị Trâm.
Nghĩa trang bất tử
Trên vùng biển DK1 có một nghĩa trang không có phần mộ như ở đất liền. Mộ của các anh là những con sóng bạc đầu, là nhành san hô hòa vào lòng biển nằm tận đáy san hô. Gọi là “nghĩa trang bất tử” bởi mỗi lần tàu hải quân đi qua vùng biển này đều thả hoa tưởng niệm, tên tuổi các anh đều được nhắc nhớ, truyền lại cho mọi thế hệ.
Tháng 7 - mùa biển lặng. Tàu chúng tôi kiểm tra công tác huấn luyện tại các nhà giàn DK1 và dừng lại ở vùng biển Tư Chính, Phúc Nguyên - nơi có 4 nhà giàn DK1/11, DK1/12, DK1/14 và DK1/15 đồn trú ở đây. Tại vùng biển này, ngày 14/10/2014, Đại úy Dương Văn Bắc đã anh dũng hy sinh trong lúc kiểm tra vật cản chân đế nhà giàn sau giờ huấn luyện phương án rời mùa bão tố.
Tràng hoa liệt sĩ thả xuống biển giữa cơn mưa |
Giữa biển trời thanh vắng, giữa sóng nước mênh mông của đại dương, chúng tôi xếp hàng lặng lẽ trên boong tàu để làm lễ tưởng niệm. Sau hồi còi kéo dài báo hiệu “giờ tưởng niệm đã đến”, tiếng Trưởng đoàn công tác vang vọng vào sóng nước. “Hôm nay, giữa biển trời DK1, chúng tôi làm lễ dâng hương tưởng niệm các anh - những liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống giữa lòng biển mẹ để những nhà giàn mãi mãi trường tồn. Trước khi ngã vào lòng biển, Trung úy Nguyễn Hữu Quảng đã nhường chiếc áo phao và mảnh lương khô cuối cùng cho đồng đội rồi để sóng cuốn đi. Đại úy Vũ Quang Chương nhảy xuống biển giữa đêm đen với lá cờ Tổ quốc ôm chặt trong lòng. Đại úy Dương Văn Bắc vĩnh viễn đi xa để lại người vợ trẻ và hai con trai còn quá nhỏ… Tất cả những đau thương mất mát ấy không gì bù đắp được nhưng nó là nguồn cội của đức hy sinh vì nghĩa lớn, vì sự trường tồn của mỗi cột mốc chủ quyền trên biển. Tên các anh ghi vào lịch sử nhà giàn. Dân tộc Việt Nam mãi khắc ghi công lao các liệt sĩ, nhân dân mãi biết ơn các anh - những người được coi là anh hùng của DK1 giữa thời bình lặng yên tiếng súng. Cùng với tràng hoa này, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh. Các anh hãy vĩnh hằng giữa lòng biển mẹ. DK1 mãi mãi trường tồn, mãi mãi là dáng đứng Việt Nam giữa biển khơi Tổ quốc”.
Từ mái đầu bạc phơ đến cậu lính trẻ lần đầu tiên đến đặt chân lên tàu đến DK1, tất cả không ai kìm được xúc động.
Còn tôi - người sĩ quan trẻ lăn lộn 17 năm ở DK1 cũng nằm trong tâm trạng ấy. Tôi nghĩ về Đại úy Dương Văn Bắc, người con xứ Nghệ, người đồng đội kiên trung đã an nghỉ nơi vĩnh hằng.
Xin được dâng tặng các anh vần thơ từ trái tim tôi, coi như khúc tưởng niệm tháng Bảy, để các anh vĩnh hằng giữa lòng biển cả...
31 năm rồi DK1 vẫn kiên trung
Giữa bão tố phong ba bao la biển cả
Đồng đội ơi - mỗi người một ngả
Các anh nằm đâu, có dưới sóng bạc đầu?
Bắc, Chương, Hồng ơi! Anh ở đâu?
Dưới tầng biển sâu hay nhành san hô đỏ
Tư Chính, Phúc Nguyên vẫn đang còn đó
Cột mốc chủ quyền giữa sóng gió hiên ngang
Các anh vĩnh hằng để Tổ quốc vinh quang
Để biển bình yên, cho muôn đời hậu thế
Khúc tưởng niệm này và những câu chuyện kể
Vọng mãi tên anh, những liệt sĩ biển khơi
Tên các anh nhắc nhớ mãi ngàn đời.