Những “bông hoa thép” hạ gục “pháo đài bay”

Xã hội - Ngày đăng : 14:49, 21/07/2020

(TN&MT) - Cách đây hơn 53 năm, Trung đội Dân quân nữ đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ quê hương, Tổ quốc. Đặc biệt, với chỉ với những khẩu súng bộ binh, súng trường, những người con gái “chân yếu, tay mềm” đã bắn hạ những “pháo đài bay” hiện đại nhất của Đế quốc Mỹ lúc bấy giờ.

Đó là 10 cô gái dân quân thuộc làng Đồng Ô, xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa những cô gái tuổi 19 đôi mươi đã anh dũng vác súng bộ binh hạ may bay Mỹ. Nay họ đã là bà, là cụ, mắt đã mờ, tóc đã bạc nhưng mỗi khi nhắc đến khoảnh khắc bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thì khí thế hào hùng, nhiệt huyết lại trỗi dậy.

Những người “ăn sắn bắn rơi máy bay”

Chúng tôi trở về xã Hà Tiến, huyện Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa) những ngày mùa vui nhộn, chứng kiến những cánh đồng lúa mênh mông trải dài như một tấm thảm nhung vàng êm ả mà nơi đây, hơn 53 năm qua có một Trung đội nữ Dân quân đã từng vác súng bộ binh bắt rơi máy bay Mỹ. Nghe câu chuyện cảm động của những người con gái anh dũng đó khiến chúng tôi hồi hộp khi tìm về vùng quê thanh bình để gặp lại những nhân chứng của một thời bom đạn.

Những cô gái của Trung đội Nữ dân quân thôn Đồng Ô, xã Hà Tiến năm 1967 đã dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay F4 của Mỹ ngày xưa

“Đơn vị Quyết thắng Hà Trung/ Noi gương truyền thống anh hùng tỉnh Thanh/ Mười cô gái dệt thành biển lửa/ Tô thắm thêm dải lụa nước non” - bà Đỗ Thị Phách, Trung đội Trưởng Nữ dân quân xã Hà Tiến đọc lại những câu thơ đầy cảm động cho biết: Sau khi Trung đội Nữ dân quân của bà bắn rơi máy bay Mỹ thì có rất nhiều Nhà thơ, Nhà báo về đưa tin chiến thắng, chúng tôi còn được Bác Hồ khen ngợi nữa đấy. Trong giây phút gặp mặt hôm nay chỉ có 6 người các bà cho biết: Trung đội Nữ dân quân chúng tôi hiện nay đã ngoài 70 tuổi, một chị đã mất, nay chỉ còn lại 9 người đã già yếu, nhiều chị không gặp được hôm nay là do ốm đau và đi theo con cái ở xa… Chúng tôi cũng lâu mới gặp được nhau nhưng mỗi lần gặp gỡ và ôn lại những kỷ niệm xưa thì tinh thần cảm thấy càng vui khỏe hơn.

Câu chuyện râm ran nhưng rồi cũng có lúc trầm xuống khi bà Đỗ Thị Phách người Trung đội trưởng năm xưa kể lại những khoảnh khắc hào hùng đó, niềm vui sướng khi chiếc máy bay F4 bốc cháy thì các bà lại lặng im rồi bỗng dưng trên đôi gò má của họ lại chảy dài những dòng nước mắt, có lẽ đó là những dòng nước mắt chứa đựng niềm vui, bởi trong ký ức có một kỷ niệm sâu sắc không bao giờ quên.

Các bà nhớ lại vào năm 1966, khi máy bay Mỹ ồ ạt bắn phá miền Bắc, tập trung các mục tiêu ở Thanh Hóa là cầu Báo Văn (Nga Sơn), cầu Hàm Rồng (thị xã Thanh Hóa), cầu Đò Lèn, ga Lèn, cầu Cừ, Quốc lộ 1A (Hà Trung)… chúng nhằm cắt đứt các huyết mạch giao thông không cho miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Trước tình hình máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, huyện Hà Trung đã thành lập các Trung đội Dân quân để bảo vệ các mục tiêu cầu, đường. Trong thời điểm này, Huyện đội Hà Trung đã cho phép xã Hà Tiến thành lập Trung đội dân quân gồm 10 cô gái thuộc làng Đồng Ô. Đây là Trung đội Nữ dân quân quyết thắng duy nhất do bà Đỗ Thị Phách là Trung đội Trưởng có nhiệm vụ hợp đồng tác chiến với các trung đội dân quân trong huyện và các lực lượng vũ trang để bảo vệ cầu Đò Lèn, ga Lèn.

Thời điểm tháng 11/1967, máy bay Mỹ tiếp tục bắn phá điên cuồng chúng đã phát hiện tại ga Lèn có tầu hàng của ta đang chở lương thực vào chiến trường miền Nam, đây là mục tiêu để máy bay Mỹ ném bom. Để bảo vệ tầu, Trung đội Nữ dân quân Hà Tiến đã anh dũng ngày đêm đào công sự lên đỉnh đồi bám trận địa chống trả quyết liệt, đồng thời, chia nhau chặt cây ngụy trang cho đoàn tầu.

Có được trận địa trên đỉnh núi cao là nơi lý tưởng để bắn trả máy bay Mỹ trong khi cả trung đội 10 người chỉ có hai khẩu Đại liên và 2 khẩu Thượng liên nhưng với lòng quyết tâm dũng cảm các chị đã bắn trả quyết liệt. Máy bay Mỹ chia thành nhiều tốp mỗi tốp 4 chiếc liên tục bổ nhào để ném bom, bà Phách cho biết: Cứ mỗi lần máy bay F4 của Mỹ nhào xuống ném bom là lúc tôi hô to điểm xạ… lúc này các chị nhả đạn cứ như vậy hết tốp này đến tốp khác chúng tôi vẫn bám trụ bắn trả quyết liệt nên máy bay Mỹ không thể ném bom trúng tầu được. Quần nhau với giặc lái cả ngày đến nỗi chị Mai Thị Là còn bị vỏ đạn găm vào má mà không biết sau khi bắn xong thấy máu chảy mới kịp lấy ra, chúng tôi cảm giác như không biết mệt mỏi, cứ lúc nào máy bay bổ nhào là chúng tôi bắn. Nhiều hôm, chúng tôi chia nhau về nhà ăn cơm, nhưng về chỉ có sắn luộc chứ lấy đâu ra cơm…

Hơn 53 năm qua, những cô gái 19 đôi mươi giờ đã là bà, là cụ

Với lòng quyết tâm quả cảm sự chiến đấu anh dũng của 10 cô gái dân quân thôn Đồng Ô xã Hà Tiến đã ghi chiến công vang dội. Đúng 4 giờ chiều ngày 20/11/1967 chiếc máy bay F4 của Mỹ đã trúng đạn và bốc cháy, tin vui được Trung đoàn 250 và đơn vị ra đa tỉnh Thanh Hóa thông báo đã làm cho các chị ôm nhau hò reo trong nước mắt, tin vui này cũng đã làm cho cả nước sững sờ bởi chiến công của các chị là những người con gái chân yếu, tay mềm nhưng đã anh dũng dùng súng bộ binh để hạ gục máy bay Mỹ.

Nỗi niềm đang mong đợi

Sau chiến công vang dội, Trung đội quyết thắng Nữ dân quân Hà Tiến được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và được tặng Huy hiệu của Người. Đồng thời, cả Trung đội được thưởng Huân chương Quân công hạng Ba. Riêng bà Đỗ Thị Phách Trung đội trưởng và bà Nguyễn Thị Tẹn được đại diện đi dự hội nghị “Những tay súng tài giỏi bắn máy bay bằng súng bộ binh” tại tỉnh Hòa Bình.

Hơn 50 năm qua, những người con gái anh dũng đó đã trưởng thành rồi xây dựng gia đình, bà Đỗ thị Phách về làm Xã đội trưởng còn nhiều chị trở về với công việc đồng áng trên quê hương Hà Tiến thanh bình. Chiến công của những người con gái anh dũng là niềm tự hào cao cả và là một kỷ niệm của tuổi thanh xuân nhiệt huyết in đậm trong trái tim mỗi người, nhưng trong những khoảnh khắc của cuộc sống hôm nay, vẫn còn những nỗi niềm không mong đợi, khi các bà tâm sự: Nhiều năm qua, họ được chính quyền địa phương hướng dẫn làm hồ sơ đề xuất để được hưởng một phần chế độ, nhiều lần đã được Xã đội trưởng, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hà Trung chứng nhận và đề xuất, nhưng đến nay, vẫn chưa được cơ quan nào công nhận hồi đáp.

Cùng với những Bà Trưng, Bà Triệu... thời hiện đại với những chị Sứ, chị Út Tịch, Trung đội Nữ dân quân Hoa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) bắn rơi máy bay Mỹ, những cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc, đường Hồ Chí Minh... cùng những câu nói nổi tiếng: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” hay “Còn cái lai quần cũng đánh” đã thể hiện ý chí hiên ngang của người Phụ nữ Việt Nam khi có giặc xâm lăng bờ cõi...

Chia tay các bà, các mẹ, những người con gái kiên cường “ăn sắn, bắn máy bay Mỹ” bằng súng bộ binh xưa kia, những người đã viết lên những trang sử vàng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng tôi chỉ mong rằng các bà, các mẹ sẽ sớm được Nhà nước ghi nhận những công lao to lớn của hơn 53 năm qua. Tôi lại nhớ đến câu thơ: “Đơn vị Quyết thắng Hà Trung/ Noi gương truyền thống anh hùng tỉnh Thanh/ Mười cô gái dệt thành biển lửa/ Tô thắm thêm dải lụa nước non”  mà Bà Đỗ Thị Phách, Trung đội Trưởng Nữ dân quân xã Hà Tiến đã đọc ngay đầu buổi chuyện trò với chúng tôi…

Bài và ảnh: Tuyết Trang - Tân Thành