Chặng đường gian nan mang sản phẩm đi chinh phục thế giới của "vua" Cà phê Sơn La

Xã hội - Ngày đăng : 15:13, 20/07/2020

(TN&MT) - Hơn 30 năm gắn bó với cây cà phê Arabica Sơn La nhưng ông Đặng Văn Thịnh vẫn đau đáu câu hỏi: “Làm thế nào để hơn 90 triệu người dân Việt Nam biết đến loại cà phê đặc biệt này, để không ai phải ngạc nhiên khi nghe đến cà phê Sơn La?”.

Hơn 30 năm gắn bó với cây cà phê Arabica Sơn La

Dù đã hơn 30 năm gắn bó với cây cà phê Arabica Sơn La những mỗi khi nhắc đến hành trình mang loại cà phê này đi chinh phục người dân Việt Nam, ông Đặng Văn Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Sơn La vẫn đau đáu một nỗi buồn.

Nỗi niềm này được ông chia sẻ qua câu chuyện mang sản phẩm đi giới thiệu tại hội chợ. “Thật đáng buồn khi khách Tây thốt lên “Ở đây có bán Cà phê Sơn La này” trong khi khách Việt lại tròn mắt ngạc nhiên với câu hỏi: “Sơn La cũng có cà phê à?”.
Sinh năm 1968 tại vùng đất quan họ Bắc Ninh trong một gia đình vốn có truyền thống rang xay cà phê hạt, ông Đặng Văn Thịnh đặt chân đến mảnh đất Sơn La năm 1987. Ngày từ khi đó ông đã bị cuốn hút bởi loại cà phê đặc biệt của nơi đây.

Ông Đặng Văn Thịnh giới thiệu dòng sản phẩm chủ lực của cà phê Sơn La

Ông Thịnh chia sẻ: “Ngay khi thử cà phê Arabica ở Sơn La, tôi đã thực sự ấn tượng với hương vị của loại cà phê đặc biệt này. Chính hương vị “mê mẩn” của loại cà phê này đã khiến tôi quyết định lập nghiệp ở Sơn La”.

Từ ánh mắt, ngôn ngữ, cử chỉ đều thể hiện tình yêu với mảnh đất và cà phê Sơn La, ông Thịnh cho biết: “Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, người Pháp đưa cà phê vào trồng tại Sơn La và một số tỉnh phía Bắc. Từ đó, Sơn La trở thành nơi sản xuất cà phê Arabica cung cấp nguyên liệu quan trọng cho ngành cà phê tại Pháp”.

Vị giám đốc này cho biết, khí hậu lạnh cùng lượng mưa lớn và mùa khô không rõ rệt ở phía Bắc chính là điều kiện thuận lợi giúp cà phê Arabica sinh trưởng và phát triển. Đây cũng là nơi hình thành nên những vùng cà phê có hương vị không thể quên ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

“Trong khi đó, ở vùng Tây Bắc, khi nói đến cà phê Arabica không thể không nhắc đến tỉnh Sơn La”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Cà phê Sơn La từng là “gánh nặng” cho bà con

Ít ai biết rằng Sơn La là tỉnh trồng cà phê Arabica lớn thứ 2 của Việt Nam chỉ sau tỉnh Lâm Đồng, trong đó Sơn La được cho là nơi cung cấp sản lượng cà phê Arabica lớn nhất.

Nhờ thời tiết lạnh và mưa nhiều ở Sơn La nên cây cà phê Arabica ở vùng đất này thường sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại năng suất và chất lượng cao. Cà phê Arabica Sơn La được trồng trên các sườn dốc dưới chân dãy núi thấp hoặc trên các đồi nông với độ cao từ 900m đến 1200m. Cà phê Sơn La được trồng ở nơi có vị trí tương tự như vùng Minas Gerais của Brazil.

Theo ông Thịnh, năm 1987, nhằm phát triển thương hiệu cà phê tại Sơn La, Công ty Cà phê Sơn La được thành lập. Vào thời điểm đó, tỉnh chịu trách nhiệm hướng dẫn, đầu tư vốn, tiến hành các dịch vụ kỹ thuật phục vụ trồng mới thâm canh cà phê, thu đổi sản phẩm. 

Theo ông Thịnh, Sơn La là tỉnh trồng cà phê Arabica lớn thứ 2 của Việt Nam

Khi đó, tỉnh cũng đã đưa ra những quy định, chính sách nhằm khuyến khích người dân trồng cây để xuất khẩu. Chẳng hạn, nếu mỗi gia đình trồng 100 cây cà phê (300-400 m2) mang lại sản lượng 100 kg cà phê nhân sẽ đổi được 500kg gạo tương đương với sản lượng 1 ha lúa nương (800 kg thóc/ha).

Mặc dù tỉnh Sơn La đã có những biện pháp khuyến khích người dân trồng và phát triển thương hiệu cà phê Sơn La nhưng việc trồng và chế biến cà phê thời đó chỉ mang tính tự phát, vì thế những nỗ lực đều không mang lại hiệu quả. Kết quả là Công ty Cà phê Sơn La bị giải thể không lâu sau khi thành lập. 

“Vào những năm đó, cà phê thực sự mang lại gánh nặng cho bà con, vì thế nhắc đến cây cà phê, mọi người đều sợ hãi”, ông Thịnh giãi bày.

Dốc hết tiền tiết kiệm để sản xuất cà phê rồi mang đi… phát miễn phí

Thương hiệu cà phê Sơn La được gây dựng lại là nhờ tình yêu và sự quyết tâm của vị giám đốc Công ty TNHH Cà phê Sơn La. 

Sau một thời gian dài tự tìm hiểu cách trồng, cách rang xay, cách tiếp cận thị trường, đến năm 2014, ông Thịnh thành lập Công ty TNHH Cà phê Sơn La.

“Cần phải giúp mọi người dân Việt Nam biết đến cà phê Sơn La – đó chính là động lực thôi thúc tôi phát triển và mở rộng thương hiệu loại cà phê này. Tuy vậy, chặng đường chinh phục người dân trên cả nước biết đến sự tồn tại của cà phê Arabica không hề đơn giản. Tôi đã dùng toàn bộ của cải, tiền tiết kiệm để sản xuất cà phê rồi mang đi... phát miễn phí” – ông Thịnh chia sẻ.

Vị giám đốc này đã mang cà phê đi phát miễn phí ở rất nhiều nơi nhưng ở hầu hết những nơi ông đến, đặc biệt tại các hội chợ, ông đều cảm thấy buồn bởi rất nhiều khách nước ngoài biết đến sản phẩm trong khi người dân Việt Nam đều tỏ ra ngạc nhiên.

Theo ông Thịnh, ông rất kỹ lưỡng trong việc tuyển chọn nguyên liệu đầu vào, đó cũng chính là lý do Công ty Cà Phê Sơn La sẵn sàng mua hạt cà phê ở Sơn La với giá cao gấp đôi so với hạt cà phê thông thường. 

“Trồng cây cũng đến ngày hái quả”. Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00058 cho sản phẩm cà phê Sơn La với 3 loại sản phẩm cà phê là cà phê nhân, cà phê rang xay và cà phê bột.

Sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý, ông Thịnh đã tập trung xây dựng thương hiệu, nỗ lực phổ biến cách trồng cũng như tăng cường tuyên truyền để bà con nơi đây hiểu giá trị thực của cây cà phê. 

Một số cây cà phê đặc biệt được ông Thịnh trồng ngay trước cửa Công ty TNHH Cà phê Sơn La

Ông Thịnh cho hay, cà phê rang xay của Công ty TNHH Cà phê Sơn La có hương vị rất riêng, rất đặc biệt không chỉ do giống Arabica mà còn bởi bí quyết rang, điều chế khác biệt. 

Nói rõ về bí quyết này, ông Thịnh chia sẻ: “Cà phê ở đây khác với cà phê rang xay truyền thống khác. Nếu chỉ rang cho thơm lên rồi nghiền thì rất bình thường. Ở đây, tôi đã “độ” từ chiếc máy rang thông thường thành một chiếc máy có đặc điểm riêng”. 

Vị giám đốc này tự hào cho biết: “Đó thật sự là tài sản trí tuệ của riêng Công ty Cà phê Sơn La. Các đơn vị khác mua máy rang ở đây về, nếu có bị hỏng cũng phải mang về công ty của tôi để sửa, bởi chắc chắn không ở đâu sửa chữa được”.

Cà phê Sơn La hiện được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới như Nga, Mỹ, Nhật, EU và nhiều thị trường khác. Ông Thịnh mong rằng cà phê Sơn La sẽ được nhiều người dân Việt Nam biết đến hơn, qua đó góp phần giúp danh tiếng của cà phê Sơn La từng bước có vị thế ở thị trường Việt và nước ngoài.

Mai Đan