Biến đổi khí hậu là tác nhân gây nóng kỷ lục ở Siberia
Thế giới - Ngày đăng : 13:45, 16/07/2020
Một vụ cháy rừng ở vùng lạnh nhất của nước Nga. (Ảnh minh họa. Nguồn: Getty images) |
Nhiệt độ ở Siberia kể từ đầu năm nay đã cao vượt mức trung bình hàng năm. Kỷ lục mới nhất về nhiệt độ ở Bắc Cực đạt mức 38°C, được ghi nhận tại thị trấn Verkhoyansk của Nga vào ngày 20/6, trong khi nhiệt độ chung của Siberia cao hơn 5°C so với nền nhiệt trung bình cùng kỳ từ tháng 1 đến tháng 6.
Để xác định tác động của BĐKH đối với các đợt nhiệt độ tăng vọt này, các nhà khoa học đã tiến hành mô phỏng trên máy tính để so sánh khí hậu như hiện nay, khi Trái Đất ấm lên khoảng 1°C, với khí hậu trong điều kiện không có ảnh hưởng của con người.
Phân tích cho thấy, nếu không có biến đổi khí hậu do con người gây ra, khả năng xuất hiện đợt nóng kéo dài như vừa rồi ít hơn một lần trong 80.000 năm – nghĩa là gần như không có khả năng xảy ra trong điều kiện khí hậu không bị ấm lên do khí thải nhà kính. BĐKH đã làm tăng xác suất xuất hiện các đợt nắng nóng kéo dài lên ít nhất 600 lần. Đây là một trong những kết quả chứng minh ảnh hưởng của BĐKH mạnh mẽ nhất trong số các nghiên cứu quy nguyên nhân được thực hiện từ trước đến nay.
Các nhà khoa học lưu ý rằng, ngay cả trong điều kiện khí hậu hiện nay, nguy cơ xảy ra nắng nóng kéo dài lẽ ra vẫn phải bằng 0, bởi hiện tượng cực đoan như vậy chỉ xảy ra ít hơn một lần trong mỗi 130 năm. Nếu không nhanh chóng cắt giảm khí thải nhà kính, các đợt nắng nóng này có nguy cơ trở thành hiện tượng thường xuyên vào cuối thế kỷ.này.
Đợt nắng nóng ở Siberia đã kích hoạt hàng loạt các đám cháy lan rộng, khiến 1,15 triệu ha bị thiêu rụi vào cuối tháng 6, và là tác nhân dẫn đến đến việc giải phóng khoảng 56 triệu tấn khí CO2 - nhiều hơn cả lượng khí thải hàng năm của một số nước công nghiệp. Điều này cũng đẩy nhanh quá trình tan chảy băng vĩnh cửu, khiến cho một bể chứa dầu xây dựng trên nền đất đóng băng sụp đổ vào tháng 5 vừa qua, gây ra một trong những sự cố tràn dầu tồi tệ nhất trong khu vực.
Khí nhà kính giải phóng từ các đám cháy và từ hiện tượng tan băng vĩnh cửu – cùng với việc diện tích tuyết và băng mất đi làm giảm độ phản xạ ánh sáng mặt trời của Trái Đất – sẽ khiến hành tinh này càng trở nên nóng thêm. Thời kỳ nóng kéo dài này cũng có liên quan đến đợt bùng phát sinh sôi loài sâu bướm tơ đẻ ấu trùng ăn cây lá kim.
Theo Andrew Ciavarella, tác giả chính của nghiên cứu, những phát hiện từ nghiên cứu nhanh này đã đưa thêm bằng chứng về viễn cảnh chúng ta có thể sẽ phải chấp nhận hứng chịu các hiện tượng nhiệt độ cực đoan thường xuyên hơn trên khắp thế giới trong điều kiện khí hậu ấm lên toàn cầu. Điều đáng nói là, chúng ta có thể điều hoà tần suất xuất hiện đang ngày càng tăng của các hiện tượng nhiệt độ cực đoan này bằng cách giảm phát thải khí nhà kính.
Theo Tiến sĩ Friederike Otto, giám đốc của Viện thay đổi môi trường Oxford, nghiên cứu này một lần nữa cho thấy vai trò quyết định của biến đổi khí hậu đối với sự xuất hiện của sóng nhiệt. Trong bối cảnh các đợt sóng nhiệt đang là hiện tượng thời tiết cực đoan chết chóc nhất ở hầu hết các nơi trên thế giới, chúng cần phải được nhìn nhận thực sự nghiêm túc. Khi khí thải vẫn tiếp tục tăng, chúng ta cần nghĩ đến việc tăng cường khả năng chống chọi trước các đợt nóng cực đoan trên toàn thế giới, kể cả ở các cộng đồng sinh sống tại Bắc Cực – một đề xuất mà cách đây chưa lâu còn nghe có vẻ ngớ ngẩn.
Đồng quan điểm, theo Giáo sư Sonia Seneviratne từ Khoa Khoa học Hệ thống Môi trường tại ETH Zurich (D-USYS), tác giả chính của một số báo cáo của IPCC: Con người còn lại rất ít thời gian để giữ cho xu hướng nóng lên toàn cầu này ổn định trong mức an toàn, nghĩa là đảm bảo biến đổi khí hậu vẫn nằm trong giới hạn của Thỏa thuận Paris. Để ổn định nhiệt độ nóng lên toàn cầu tăng trong ngưỡng 1,5°C, dù mục tiêu này vẫn tiềm ẩn nguy cơ các hiện tượng nhiệt độ cực đoan thế này sẽ còn tiếp tục xảy ra, chúng ta cần cắt giảm lượng khí thải CO2 ít nhất một nửa từ nay cho đến năm 2030.