Ủy hội sông Mê Công quốc tế kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu và phân tích các tác động xuyên biên giới đối với Dự án thủy điện Luông Phra-bang

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 15:28, 15/07/2020

(TN&MT) - Tại phiên họp đặc biệt của Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế diễn ra vào cuối tháng 6/2020, Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã đánh giá kết quả các vòng tham vấn quốc gia và vùng, xem xét ý kiến chính thức của các quốc gia thành viên và đã thống nhất một Tuyên bố chung của Ủy hội về Dự án thuỷ điện Luông Phra-bang và kế hoạch thực hiện tiếp theo cho thời gian tới.

Trong đó, Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã kiến nghị Chính phủ Lào cần tiếp tục nghiên cứu và phân tích thêm các tác động xuyên biên giới đối với hạ lưu vực của Dự án thủy điện Luông Phra-bang.

Phiên họp đặc biệt của Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế diễn ra vào cuối tháng 6/2020

Quan ngại về những tác động tổng thể có tính xuyên biên giới

Phát biểu ý kiến chính thức tại phiên họp, đại diện các quốc gia thành viên của Ủy hội cũng nêu ra các quan ngại về những tác động tổng thể có tính xuyên biên giới đối với công trình thủy điện Luông Phra-bang, tập trung vào các nội dung như sau: (i) Về thay đổi tiềm tàng về thủy lực và thủy văn đối với các nước ở hạ lưu, gây ra tác động tới sinh kế, thủy sản, du lịch, nông nghiệp khu vực ven sông, gây ra hạn hán, lũ lụt, cũng như những thay đổi vật lý và địa mạo của dòng sông Mê Công;

(ii) Về việc thay đổi chất lượng nước, giảm lượng bùn cát và dinh dưỡng, điều này có thể gây ra những thay đổi đáng kể cho hệ sinh thái, từ đó tác động trực tiếp lên chức năng chính của dòng sông Mê Công, chuỗi thức ăn tự nhiên và an ninh lương thực;

(iii) Về tính phù hợp của thiết kế của công trình đường cá đi và vận hành bậc thang thủy điện cho việc di cư của cá xuống hạ lưu và lên thượng lưu trong mùa di cư, đặc biệt là khi xem xét chủng loại, kích cỡ và da dạng thành phần loài, vì việc này có thể sẽ làm giảm nguồn cá tự nhiên, gây ảnh hưởng lớn đến ngư dân và an ninh lương thực của vùng;

(iv) Về vấn đề an toàn đập trong bối cảnh đã xảy ra sự cố vỡ đập ở Nam Lào gây thiệt hại không nhỏ cho người và tài sản, và các trận động đất liên tiếp xảy ra gần đây tại khu vực Xay-nha-bu-ly.

Trên cơ sở các ý kiến nêu trên, đại diện các quốc gia thành viên của Uỷ hội cũng kiến nghị Chính phủ Lào cần tiếp tục nghiên cứu và phân tích thêm các tác động lũy tích và xuyên biên giới đối với hạ lưu vực. Ngoài ra, các nghiên cứu này cần xác định rõ các biện pháp giảm thiểu tác động và kế hoạch thích ứng đối với người dân bị ảnh hưởng. Đồng thời, thành lập cơ chế trao đổi, chia sẻ, và công bố số liệu và thông tin để giám sát tác động liên quan trong quá trình xây dựng và vận hành công trình cũng như bậc thang các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công, bao gồm hệ thống thông tin, Kế hoạch Ứng phó Khẩn cấp, để thông báo cho các nước hạ lưu giúp giảm thiểu các tác động lũy tích và xuyên biên giới.

Nội dung chính của Tuyên bố chung của Ủy hội về Dự án thuỷ điện Luông Phra-bang

Một là, căn cứ Tuyên bố của quốc gia đề xuất, đề nghị Chính phủ CHDCND Lào xem xét kỹ lưỡng các góp ý và kiến nghị trong các bản Ý kiến chính thức do các quốc gia thành viên được thông báo trình cho Ủy hội sông Mê Công quốc tế và trong Báo cáo Đánh giá Kỹ thuật để tiếp tục chỉ đạo Chủ đầu tư.

Hai là, đề nghị Chính phủ CHDCND Lào tiếp tục nỗ lực khắc phục các tác động bất lợi tiềm tàng có tính xuyên biên giới của Dự án thủy điện Luông Phra-bang bằng việc xem xét các biện pháp tổng thể về thuỷ văn, thuỷ lực, phù sa bùn cát, đường cá đi, môi trường sinh thái, giao thông thuỷ, an toàn đập trong suốt quá trình xây dựng và vận hành sau này của Dự án với tinh thần hợp tác đã được nêu bật trong Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận của Ủy hội.

 

Ba là, đề nghị Chính phủ CHDCND Lào tích cực phối hợp với Ủy hội sông Mê Công quốc tế trong quá trình tham vấn thông qua triển khai thực hiện một Kế hoạch hành động chung với tinh thần hợp tác và vai trò nêu trong Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận của Ủy hội.

Bốn là, đề nghị Chính phủ CHDCND Lào tiếp tục chia sẻ các thông tin số liệu có liên quan trong suốt quá trình xây dựng và vận hành Dự án thủy điện Luông Phra-bang theo quy định của Thủ tục Trao đổi và Chia sẻ Thông tin Số liệu của Ủy hội.

Năm là, đề nghị Chính phủ CHDCND Lào tiếp tục phối hợp với Ủy hội sông Mê Công quốc tế trong xây dựng quy trình vận hành liên hồ cho toàn bộ bậc thang thủy điện dòng chính trên cơ sở tôn trọng chủ quyền ra quyết định của Chính phủ CHDCND Lào, đồng thời nỗ lực giảm thiểu các tác động bất lợi tiềm tàng có tính xuyên biên giới.

Sáu là, khẳng định tầm quan trọng của việc xác định khả năng xác lập một cơ chế tài chính, với sự thống nhất của tất cả các quốc gia thành viên nhằm hỗ trợ thực hiện các biện pháp giảm thiểu các tác động từ các hoạt động phát triển trong các lĩnh vực tưới, thủy điện, giao thông thủy, du lịch và thủy sản ảnh hưởng tới sinh kế và phúc lợi của người dân vùng Hạ lưu vực sông Mê Công.

Bẩy là, yêu cầu Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế tổng kết các nhận xét góp ý và bài học từ các đợt tham vấn nhằm phục vụ nỗ lực nâng cao hiệu quả thực hiện tất cả các Thủ tục của Ủy hội sông Mê Công quốc tế.

Đánh giá ý nghĩa và tầm quan trọng việc ra Tuyên bố chung của Uỷ hội về Dự án thuỷ điện Luông Phra-bang, bà Nguyễn Hồng Phượng - Phó Chánh Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho biết, việc Ủy hội sông Mê Công quốc tế tiếp tục thống nhất được một Tuyên bố chung về Dự án thủy điện Luông Phra-bang một lần nữa khẳng định sự cam kết, nỗ lực của các quốc gia thành viên thực hiện hiệu quả Hiệp định Mê Công 1995, nâng cao vai trò của Ủy hội sông Mê Công quốc tế trong quản lý và sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước lưu vực sông Mê Công. Tuyên bố chung sẽ giúp mở ra các cơ chế vùng về phối hợp trao đổi thông tin, xây dựng mạng quan trắc chung và quy trình vận hành liên hồ cho tất cả các công trình thủy điện dòng chính Mê Công, thiết lập cơ chế tài chính nhằm hỗ trợ thực hiện các giải pháp giảm thiểu tác động, bồi thường thiệt hại khi có sự cố.  

Công trình Luông Phra-bang nằm hoàn toàn trên lãnh thổ của Lào, thuộc tỉnh Luông Phra-bang. Vị trí dự kiến xây dựng công trình nằm cách Việt Nam khoảng 1,800 km. Các thông số chính của công trình bao gồm tổng dung tích hồ chứa: 1.256 triệu m3, công suất thiết kế: 1.460 MW và sản lượng điện hằng năm là 6.622 GWh được dự kiến sẽ bán sang Thái Lan. Theo kế hoạch, Lào sẽ khởi công xây dựng công trình vào quý 3 năm 2020 và bắt đầu phát điện vào quý IV năm 2027.

Ngày 31 tháng 7 năm 2019, Ủy ban sông Mê Công quốc gia Lào đã gửi đến Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế thông báo về kế hoạch triển khai Dự án thủy điện Luông Phra-bang của Lào trên dòng chính sông Mê Công.

Căn cứ Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mê Công (năm 1995) và thông tin từ tài liệu của Lào, Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã thống nhất triển khai thực hiện quá trình tham vấn cho Dự án thủy điện Luông Phra-bang từ ngày 08 tháng 10 năm 2019 ít nhất trong thời gian 6 tháng theo quy định tại Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA) của Ủy hội sông Mê Công quốc tế.

 

Xuân Phương