Thúc đẩy phát triển sản xuất chanh leo bền vững

Kinh tế - Ngày đăng : 13:38, 03/07/2020

(TN&MT) - Sáng 3/7, tại TP Pleiku (Gia Lai), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị thúc đẩy phát triển sản xuất chanh leo bền vững. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh dự và chủ trì Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị còn có ông Kpă Thuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; đại diện Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội Rau quả Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh chủ lực trồng chanh leo trên cả nước (Sơn La, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Nghệ An, Kon Tum, Điện Biên, Quảng Trị) và nhiều doanh nghiệp, tổ chức, nông dân hoạt động trong ngành hàng chanh leo.

Theo Cục Trồng trọt thống kê, đến năm 2019 tổng diện tích chanh leo trên cả nước ước đạt khoảng 10,5 nghìn ha, trong đó chủ yếu tập trung tại các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đăk Nông, Lâm Đồng. Sản lượng quả tươi ước đạt 222,3 nghìn tấn. Năng suất chanh leo bình quân cả nước đạt 20,32 tấn/ha, trong đó vùng Tây Nguyên đạt cao nhất với bình quân 26,1 tấn/ha.

Hiện nay, chanh leo là loại cây ăn quả có vị trí thứ 17 trong số các loài cây ăn quả có quy mô diện tích sản xuất lớn ở Việt Nam. Đây là loại quả mang lại hiệu quả kinh tế cao so với nhiều cây trồng khác, tạo công ăn việc làm và mang lại nguồn thu đáng kể cho nhiều nông dân, doanh nghiệp.

Chanh leo là cây trồng hàng hóa mới phát triển nhưng định hướng thị trường xuất khẩu là chủ yếu và thị trường khá rộng rãi. Trong đó sản phẩm sơ, chế biến hiện là chủ yếu (khoảng trên 80%), cao hơn so nhiều loại trái cây khác nên có khả năng bảo quản, tồn trữ, tránh được rào cản về kiểm dịch thực vật, tăng xuất khẩu.

Ông Kpa Thuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu tại Hội nghị

Tuy nhiên, việc trồng, chế biến chanh leo còn nhiều hạn chế như: chưa được quan tâm nghiên cứu, đầu tư đầy đủ về giống, nhân giống và kỹ thuật canh tác; là cây trồng dễ bị các loại dịch hại tấn công, trong khi quy trình canh tác, thực hành nông nghiệp tốt chưa được áp dụng phổ biến ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng; diễn biến giá cả chưa ổn định, bấp bênh, ảnh hưởng tâm lý, hiệu quả đầu tư và thu nhập của người sản xuất.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Kpă Thuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhận định, Gia Lai là tỉnh có điều kiện khí hậu, thỗ nhưỡng phù hợp để phát triển trồng và sản xuất chanh leo, hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản đạt hiệu quả cao. Định hướng phát triển cây chanh leo trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2025 là khoảng 10.000 ha.

“Thông qua Hội nghị, tỉnh Gia Lai mong muốn cùng các đại biểu trao đổi, thảo luận các giải pháp nhằm phát triển bền vững cây chanh leo, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đánh giá, phân tích những tồn tại, hạn chế trong sản xuất, phát triển chanh leo tại các tỉnh để xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, góp phần phát triển nông nghiệp nói chung, phát triển chanh leo nói riêng của từng địa phương” - ông Kpă Thuyên nói.

Tại Hội nghị, các địa phương đã nêu lên kết quả trong sản xuất, tiêu thụ chanh leo và các khó khăn về công tác giống, kỹ thuật canh tác, phát triển thị trường... của ngành chanh leo. Ngoài ra, những nghiên cứu tình hình sâu, bệnh hại, quy định an toàn thực phẩm và kiểm dịch thưc vật chanh leo xuất khẩu cũng được Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản trình bày tại Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Quốc Doanh nhận định, để việc phát triển sản xuất ngành chanh leo bền vững thì quy mô diện tích trồng chanh leo phải phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, địa bàn trồng và sản xuất phù hợp điều kiện khí hậu, đất đai, truyền thống canh tác của các địa phương.

“Thời gian tới Bộ NN&PTNT và các địa phương sẽ phối hợp xây dựng đề án phát triển cây chanh leo. Trong đó, có quy hoạch diện tích, vùng phát triển cây chanh leo, đưa ra quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc cây chanh leo phù hợp với từng địa phương. Cùng với đó là xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam về sản xuất cây chanh leo” - ông Lê Quốc Doanh cho biết.

Quế Mai