Kết nối, tìm kiếm giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển

Biển đảo - Ngày đăng : 15:55, 30/06/2020

(TN&MT) - TS. Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam vừa thực hiện Cuộc họp không chính thức lần thứ 3 với một số Đại sứ quán tại Hà Nội (HIM-3) do Học viện Ngoại giao tổ chức với chủ đề “Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tham dự cuộc họp có các Đại sứ, Phó Đại sứ, Tham tán chính trị của Đại sứ quán, Cơ quan đại diện của các nước Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Canada, Phái đoàn EU, Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc, New Zealand; các cán bộ của Ủy ban Biên giới, Vụ Chính sách Đối ngoại, Vụ Tổng hợp Kinh tế (Bộ Ngoại giao); Viện Biển Đông, Viện Chiến lược, Khoa Kinh tế Quốc tế (Học viện Ngoại giao) và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Cuộc họp là kênh làm việc không chính thức, là diễn đàn kết nối giữa các nhà quản lý, nhà nghiên cứu với nhóm thành viên các Đại sứ quán tại Hà Nội, là nơi trao đổi các quan điểm, ý kiến cá nhân về các chủ đề được lựa chọn. Tại cuộc họp này, các diễn giả một lần nữa đề cập đến các nội dung cụ thể của Chiến lược, làm rõ hơn quá trình xây dựng, hình thành và triển khai thực hiện Chiến lược đồng thời thông qua đó trao đổi tìm hiểu những khả năng hợp tác phát triển kinh tế biển.

Chiến lược khi đi vào triển khai thực tế sẽ đưa vị thế về biển của Việt Nam tiến thêm một bước mới, xứng đáng là một Quốc gia biển

TS. Tạ Đình Thi cho biết, biển và đại dương có vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển, sự tồn tại của nhân loại, của các quốc gia trong đó có Việt Nam. Các nước, các tổ chức quốc tế hiện hay hết sức quan tâm và dành thời lượng lớn để bàn bạc, trao đổi các khuôn khổ hợp tác về phát triển kinh tế biển cũng như các vấn đề khác liên quan đến biển và đại dương trong thế kỷ 21, “Thế kỷ của đại dương” và thập kỷ (2021-2030), thập kỷ được Liên Hiệp Quốc chọn là “Thập kỷ của Liên Hợp Quốc về khoa học biển vì sự phát triển bền vững”.

Tại cuộc họp, TS. Tạ Đình Thi đã trình bày tóm tắt nội dung Chiến lược, những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá, giải pháp để thực hiện thành công Chiến lược trong thời gian tới. Qua đó các đại biểu tham dự cuộc họp có thể thấy được tư tưởng xuyên suốt, ý nghĩa sâu xa của một Chiến lược phát triển kinh tế biển nhưng bao gồm những nội hàm bao quát đầy đủ các vấn đề của biển và đại dương, đồng thời, nêu các mục tiêu cần đạt được đến năm 2030 đó là: Phấn đấu các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển, dự kiến đến năm 2030 tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia…

Để cụ thể hoá Nghị quyết 36 của Trung ương, ngày 5 tháng 3 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị quyết số 26/NQ-CP (NQ26) ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện NQ36.

Nghị quyết 26/NQ-CP đã đề ra Kế hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW; xác định các nhiệm vụ trọng tâm, lộ trình thực hiện và phân công cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương có liên quan.

Kế hoạch 5 năm đến năm 2025, xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, cần ưu tiên thực hiện trong giai đoạn đến năm 2025 nhằm triển khai các chủ trương lớn, khâu đột phá, giải pháp chủ yếu về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam được đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW. Phân công cụ thể cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp triển khai các nhiệm vụ, bảo đảm phù hợp với năng lực và khả năng huy động các nguồn lực của nền kinh tế, bao gồm ngân sách nhà nước, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và viện trợ phát triển.

Tại cuộc họp, đại diện các Đại sứ quán đã đưa ra các câu hỏi để trao đổi, làm rõ với diễn giả, TS. Tạ Đình Thi các vấn đề liên quan đến các nội dung Chiến lược đã được trình bày, một số số liệu về mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đưa ra trong Chiến lược như chỉ tiêu kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước hay chỉ tiêu về nỗ lực trong công tác bảo tổn biển với tỷ lệ tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia cũng như cung cấp thêm các số liệu cụ thể để hình dung sự phát triển và đời sống, sinh kế của cư dân ven biển, những nỗ lực chống rác thải nhựa đại dương,…

Đây là một Chiến lược phù hợp với lợi ích của đất nước trong bối cảnh hiện tại cũng như dự báo trong tương lai. Trong quá trình xây dựng Chiến lược, các cơ quan đã có sự nghiên cứu tham khảo, rút kinh nghiệm từ rất nhiều chính sách của các nước khác trên thế giới bao gồm cả Trung Quốc. Điểm đặc biệt được nhấn mạnh và coi trọng của Chiến lược của Việt Nam là: Sự thống nhất trong tư tưởng và hành động để phát huy được sức mạnh tổng hợp của dân tộc, của đất nước và của thời đại, đây là tư tưởng và quan điểm xuyên suốt của Chiến lược. Mục tiêu tối thượng của Chiến lược là huy động được mọi nguồn lực kể cả trong nước và hợp tác quốc tế, của các khu vực, hợp tác công tư, các thành phần kinh tế khác nhau; Có sự linh hoạt trong quá trình thực hiện Chiến lược để phù hợp yêu cầu của từng giai đoạn, từng thời kỳ, chia ra các lộ trình thực hiện rõ ràng và cụ thể.

Tin rằng, với những hướng đi cụ thể, Chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững đến 2030, tầm nhìn đến 2045 khi đi vào triển khai thực tế sẽ đưa vị thế về biển của Việt Nam tiến thêm một bước mới, xứng đáng là một quốc gia biển, là cửa ngõ, mở ra những mối quan hệ, hợp tác cùng phát triển với các châu lục trên thế giới.                    

Minh Thư