Long An lên phương án phòng ngừa, ứng phó với thiên tai
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:35, 24/06/2020
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa bão năm 2020 có khả năng có từ 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông; trong đó, có khoảng 5-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta và tập trung vào những tháng nửa cuối năm 2020.
Lượng mưa từ tháng 6 đến 9/2020 tại khu vực Nam bộ có xu hướng gia tăng và phổ biến ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Dự báo, đến tháng 10 tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ và khả năng cao mùa mưa sẽ kết thúc muộn hơn so với trung bình nhiều năm.
Sạt lở đất tại huyện Tân Trụ. Ảnh: Báo Long An |
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Long An cho biết, từ đầu mùa mưa đến nay, tình trạng sét, mưa giông, lốc xoáy, gió giật mạnh đã diễn ra ở một số địa phương trên địa bàn làm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản, đời sống của người dân. Cùng với đó, hậu quả của hạn, mặn xâm nhập, sạt lở vẫn còn tác động đến cuộc sống, sản xuất của nông dân.
Để chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với mưa giông, lốc xoáy, gió giật mạnh trong mùa mưa bão năm 2020, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản người dân, UBND tỉnh Long An đã yêu cầu thủ trưởng các Sở, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai một số nhiệm vụ cụ thể về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn năm 2020.
Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo ngay tất cả các điểm trường tập trung rà soát các cây lớn trong khuôn viên trường học, có biện pháp cắt tỉa cành cây (không được đốn hạ) để tránh đổ ngã, duy tu, sửa chữa các phòng, lớp học đảm bảo an toàn, phòng, chống dông lốc.
Các cấp chính quyền, sở, ngành, người dân chủ động theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo tình hình thời tiết, thiên tai của cơ quan chuyên môn trên các phương tiện truyền thông và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Long An để chủ động các biện pháp phòng tránh kịp thời và ứng phó hiệu quả.
Nhằm tăng cường, chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh, ứng phó với mưa giông, lốc xoáy, gió giật mạnh trên địa bàn, cần tổ chức rà soát, kiểm tra chất lượng an toàn của các panô, áp phích, biển quảng cáo đúng yêu cầu kỹ thuật quy định nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối, có khả năng chống chịu được sức gió mạnh khi có mưa giông, lốc xoáy, gió giật mạnh xảy ra; xử lý đối với các công trình panô, áp phích, biên quảng cáo xây dựng không phép trên địa bàn quản lý;
UBND tỉnh Long An yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu thi công dự án triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn khi thi công xây dựng, lắp đặt, sử dụng giàn giáo, vận hành cần cẩu tại các công trình đang thi công, nhất là đối với các công trình trên cao.
Chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo kiểm tra, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp gia cố, chằng chống bảo đảm an toàn nhà ở trước mùa mưa bão; đối với các công trình sử dụng mái tôn, trần nhựa, cửa kính, công trình gắn panô, biển quảng cáo, bồn chứa nước trên cao... cần phải kiểm tra, rà soát và có các biện pháp sửa chữa, gia cường; các công trình xây dựng
Đặc biệt, tại các khu vực bờ sông có nguy cơ sạt lở đất cần đánh giá và cảnh báo cho nhân dân; chuẩn bị phương án sẵn sàng sơ tán, di dời dân ở những căn nhà tạm bợ, bán kiến cố và ở những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất đến khu vực tránh trú an toàn. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị quản lý đô thị trên địa bàn thực hiện kiểm tra, rà soát, có biện pháp cắt tỉa cành, nhánh (không được đốn hạ) đối với những cây cao, dễ gãy đổ, cây mục rỗng, sâu, bệnh, tán lá lớn, nhất là các cây xanh trong trường học, bệnh viện, công viên, dọc các tuyến đường giao thông, khu dân cư đông người nhằm bảo đảm an toàn, không để cây xanh ngã đổ do mưa giông, lốc xoáy, gió giật mạnh gây thiệt hại về người và của, đặc biệt là tính mạng của người dân khi tham gia giao thông.
“Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, sơ sài trong công tác phòng, chống thiên tai, bởi hậu quả từ thiên tai rất lớn”, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Long An nhấn mạnh.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Long An, từ đầu năm đến nay sạt lở. sụp lún đất, dông lốc và hạn hán, xâm nhập mặn trên đại bàn tỉnh đã gây thiệt hại 57, 577 tỷ đồng. Trong đó, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biết hết sức gay gắt và phức tạp nên trên địa tỉnh làm giảm năng suất 2.746,21 ha lúa và rau màu.