Ứng phó khẩn cấp với sự cố hồ, đập trong mùa mưa lũ

Môi trường - Ngày đăng : 10:32, 22/06/2020

(TN&MT) - Để đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thiên tai cực đoan, Hà Nội đã xây dựng các phương án ứng phó khi có sự cố xảy ra, đồng thời tiếp tục dành nguồn lực sửa chữa, nâng cấp.

42 hồ, đập không đủ năng lực tích nước, cắt lũ

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 117 hồ, đập thủy lợi. Trong đó, phần lớn được xây dựng từ những năm 60, 70 của thế kỷ nước với kỹ thuật thi công lạc hậu; kết cấp đập và tràn bằng đất… tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố. Theo ông Đào Quang Khải, Chi cục Thủy lợi Hà Nội, mặc dù những năm qua thành phố đã đầu tư gần 778 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp 25 hạng mục, công trình hồ, đập; tuy nhiên, hiện vẫn còn 42 hồ, đập bị hư hỏng, xuống cấp, không bảo đảm năng lực tích nước và cắt lũ như thiết kế.

Cống lấy nước số 2 hồ Văn Sơn

Điển hình như hồ Văn Sơn (huyện Chương Mỹ) được xây dựng từ năm 1968-1969, rộng 167ha với tổng dung tích 7 triệu mét khối nước. Ngoài trữ nước phục vụ cho 342ha sản xuất nông nghiệp, hồ còn làm nhiệm vụ cắt lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình đổ về, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân các xã: Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến…

Tuy nhiên, Chi cục Thủy lợi Hà Nội cho biết, sau hơn 50 năm đưa vào sử dụng, mặt đập, mái đập của hồ Vân Sơn đã xuất hiện nhiều vị trí sụt lún, sạt lở, thân đập bị thấm; hai mang cống xuất hiện nhiều mạch đùn, van mở cống bị rão, xuống cấp. Đặc biệt, tại khu vực đập tràn xuất hiện nhiều vị trí bong tróc, mái bể tiêu năng bờ phải bị sạt lở rộng khoảng 20m2…

Theo người dân xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ), trước thực trạng hồ Văn Sơn xuống cấp và chưa được tải tạo; vào những ngày xảy ra mưa bão, người dân trong xã phải chia nhau ứng trực liên tục để canh nước. Người dân chỉ mong muốn các cơ quan chức năng sớm sửa chữa công trình để đảm bảo an toàn cho đời sống trong mùa mưa bão.

Không chỉ có hồ Văn Sơn, hiện các hồ trên địa bàn huyện Ba Vì như hồ Thó Bịn, Canh Nhỉm Bưởi, Cẩm Qùy, Đồng Đầm, Đình Thử, Phú Lội cũng đang rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được cải tạo, nâng cấp.

Xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó khẩn cấp

Để đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi trước diễn biến thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Nội đã tham mưu UBND đầu tư khoảng 742 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa các hồ đập trên địa bàn trong giai đoạn 2020-2025; trong đó ưu tiên đầu tư nâng cấp, sửa chữa 42 công trình hư hỏng, xuống cấp.

Cống lấy nước Hồ Đồng Sương

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trong khi chờ thành phố xem xét, quyết định đầu tư sửa chữa, nâng cấp các hồ, đập, Sở đề nghị các huyện, thị xã, doanh nghiệp thủy lợi tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý sự cố công trình ngay từ đầu. Đồng thời, rà soát, bổ sung phương án phòng, chống lụt bão bảo đảm an toàn hồ đập vùng hạ du các hồ thủy lợi…

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn công trình cắt lũ trong mùa mưa bão năm 2020, UBND TP Hà Nội đã giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các hồ, đập thủy lợi trên địa bàn. Các huyện, thị xã và doanh nghiệp thủy lợi xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó khẩn cấp các sự cố hồ, đập theo phương châm “4 tại chỗ”.

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, đại diện Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy cho biết, đơn vị đã xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó 5 tình huống sự cố khẩn cấp của 22 hồ, đập thủy lợi trên địa bàn hai huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức.

“Riêng hồ Văn Sơn, bảo đảm huy động kịp thời 300 người ứng cứu sự cố, chuẩn bị 270 cây tre, 200 tấm phên nứa, 800m3 đất…; xây dựng 7 kịch bản ngập lụt để bảo đảm an toàn cho 30 hộ dân, 110ha sản xuất của vùng hạ du”, đại diện Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy cho hay.

“UBND huyện Ba Vì đã xây dựng bản đồ ngập lụt, phương án di dời dân cư 10 xã nằm trong vùng hạ du của 39 hồ, đập… Bên cạnh đó, 10 xã này phối hợp với Công ty TNHH MTV Thủy lợi sông Tích thường xuyên tuần tra, kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố hồ, đập, bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản của người dân và các công trình dân sinh ở vùng hạ lưu…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng.

Tuyết Chinh