Tỉnh táo trước fake news

Xã hội - Ngày đăng : 18:21, 18/06/2020

(TN&MT) - Một dòng tin sai, hậu quả khôn lường. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, tin giả càng có điều kiện hoành hành.

Những năm gần đây, tình trạng tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, đang bùng phát với số lượng lớn và trở thành vấn nạn chưa thể giải quyết. Thông tin thật và thông tin giả tồn tại đan xen nhau. Khi con người nhận ra nó là tin giả, thì không tin, không làm theo. Nhưng khi không nhận ra nó là tin giả, có thể họ sẽ bị “dắt mũi”.

Khi “báo chí công dân” nở rộ, nguồn thông tin từ các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Youtube… gần như rất khó kiểm soát, thậm chí có xu hướng lấn lướt báo chí chính thống. Có trường hợp, báo chí còn khai thác nguồn tin mang tính chất “tin đồn” từ mạng xã hội thì “tin giả” không còn là chuyện nhỏ nữa. Thông tin sai trên mạng xã hội đã nguy hại, khi nó được đưa lên mặt báo thì còn nguy hại hơn nữa.

Những tin giả lan truyền trên mạng xã hội thậm chí xuất hiện trên một số báo chí chính thống, đã gây nên những khủng hoảng truyền thông lớn cho đối tượng thông tin và chính các Toà soạn báo. Dù cố tình hay vô ý, có những người làm báo đã chủ quan, bỏ qua một công đoạn quan trọng của tác nghiệp nhà báo là thẩm định thông tin.

Ảnh minh họa

Báo chí lẽ ra là lực lượng “làm sạch” thị trường thông tin hỗn độn, xác minh và đưa tới người đọc thông tin chính trực, thì có khi lại sa vào bẫy của mạng lưới thông tin trên Internet, vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân của tin giả.

Giữa “cơn bão” thông tin xấu - đẹp, thật - giả trên môi trường mạng lẫn lộn như hiện nay, vai trò của các cơ quan báo chí chính thống càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi những cơ quan đó sẽ đưa ra thông tin đúng mực, chuẩn xác, phản bác các thông tin sai sự thật, định hướng dư luận hiểu đúng và hành động đúng.

Trong việc chống tin giả, vai trò của báo chí chính thống rất quan trọng. Báo chí phải thận trọng để không trở thành “nguồn phát” tin giả. Thực tế chứng minh rằng, dù được đính chính kịp thời hay không, những tin giả trên báo chí là những “vết đinh” đã đóng lên tường, gỡ đi vẫn còn dấu vết.

Với những tin giả, tin sai sự thật tràn lan trên mạng xã hội, báo chí phải là cơ quan phản biện, phủ nhận cái sai của thông tin, đồng thời đưa ra thông tin đúng cho độc giả nhằm định hướng dư luận.

Trong các năm 2017, 2018 và đầu 2019, nhiều đối tượng tung tin thất thiệt đã bị Công an triệu tập và chuyển cho các cơ quan liên quan xử lý. Trong “cuộc chiến” với tin tức giả, những động thái này của Việt Nam cũng như các quốc gia được đánh giá là tích cực và cần thiết.

Tuy vậy, các định chế sẽ mãi chỉ là các quy định, nếu như chính người phát tán và người đón nhận tin chưa thực sự ý thức nguy cơ đáng sợ của tin giả, cũng như trách nhiệm của bản thân.

Theo thống kê chưa đầy đủ từ Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian qua, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 5.000 video clip xấu, độc trên trang YouTube theo yêu cầu của Bộ. Từ đầu năm 2018, Google đã đồng ý cơ chế hạ nguyên kênh có nội dung vi phạm thay vì hạ từng clip như trước đây. Facebook cũng gỡ bỏ khoảng 3.000 đường link có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.

PHƯƠNG ANH