Điện Biên: Sớm thanh toán tiền chia sản phẩm cho người dân góp đất trồng cao su

Xã hội - Ngày đăng : 06:24, 18/06/2020

(TN&MT) - Tỉnh Điện Biên hiện có hơn 4.500 hộ dân góp đất trồng cao su, tập trung chủ yếu tại 4 huyện: Ðiện Biên, Mường Chà, Tuần Giáo, Mường Nhé với diện tích hơn 5.000ha. Ðến nay, đã có hơn 2.000ha cây cao su cho khai thác mủ song việc triển khai thanh toán, phân chia tiền cho người dân góp đất trồng cao su theo hợp đồng còn rất chậm.

Điện Biên có hơn 2.000ha cây cao su đã cho khai thác mủ (chiếm 42% tổng diện tích cao su hiện trồng trên địa bàn tỉnh).

Đến năm 2020, Điện Biên có hơn 2.000ha cây cao su đã cho khai thác mủ (chiếm 42% tổng diện tích cao su hiện trồng trên địa bàn tỉnh Điện Biên), sản lượng mủ thu hoạch trong 3 năm (2017 - 2019) đạt hơn 3,7 triệu tấn mủ khô. Theo phương án phân chia sản phẩm ngày 18/10/2016 được ký kết giữa Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và UBND tỉnh Ðiện Biên, có quy định về phương thức thanh toán: Bên A là (Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên) thanh toán cho bên B (người dân góp đất trồng cao su) bằng tiền mặt tạm ứng vào tháng 7 và vào tháng 1 của năm sau liền kề). Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên vẫn chưa thanh toán tiền cho người dân góp đất trồng cao su.

Huyện Tuần Giáo (Điện Biên) có tổng diện tích đất góp trồng cao su hơn 1.700ha, với 1.950 hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2018 Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên đã tiến hành mở cạo khai thác mủ trên địa bàn huyện, nhưng đến nay mới chi trả đuợc hơn 63 triệu đồng cho người dân. Riêng năm 2019, Công ty chưa chi trả cho người dân số tiền hơn 527 triệu đồng.

Đến năm 2020, hơn 1.900 hộ gia đình góp đất trồng cao su trên địa bàn huyện Tuần Giáo (Điện Biên) mới đuợc nhận hơn 63 triệu đồng tiền tạm ứng chia sản phẩm.

Ông Lò Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Nguyên nhân chậm chi trả tiền phân chia sản phẩm cho các hộ gia đình góp đất trồng cao su là do Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên chưa thống nhất được với Sở Tài chính giá mủ bình quân cao su. Ðể đảm bảo quyền lợi cho người dân góp đất trồng cao su, huyện đã chỉ đạo các xã có hộ dân góp đất thành lập tổ giám sát sản lượng mủ cao su khai thác; theo dõi, ghi chép quá trình khai thác mủ và khối lượng mủ cao su xuất bán, giá bán mủ cao su từng đợt của Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên để làm căn cứ đối chiếu khi thực hiện phân chia sản phẩm.

Do chưa thống nhất được giá cao su bình quân nên chưa có căn cứ để xác định chi trả tiền cho người dân. Ðể đảm bảo quyền lợi cho người dân góp đất trồng cao su, năm 2018 Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên đã thanh toán tạm ứng 1 lần với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Trong đó đã thực hiện chi trả cho người dân hơn 1,4 tỷ đồng; phần chưa chi trả do một số hộ dân không có mặt tại địa phương và một số diện tích chưa ký kết đuợc hợp đồng góp đất. Năm 2019, Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên đã gửi văn bản đến Sở Tài chính thẩm định đơn giá bình quân mủ cao su để thanh toán cho các hộ dân, cá nhân góp đất trồng cao su.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Điện Biên cho biết: Khi xây dựng phương án ban đầu để xin chủ trương dự án trồng cây cao su, giá mủ cao su là 60 triệu đồng/tấn, chu kỳ khai thác mủ là 20 năm và tính sản lượng bình quân 1,7 tấn/ha, thu nhập bình quân của người dân góp đất khoảng 10 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, do những năm đầu tiên khai thác gặp nhiều bất lợi như: Giá mủ cao su trên thị trường biến động giảm xuống chỉ còn 30 triệu đồng/tấn; năm đầu khai thác sản lượng mủ cao su thấp, chưa ổn định dẫn đến thu nhập của người dân và doanh nghiệp thấp.

Người dân xã Nà Sáy, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) tham gia khai thác mủ Cao su.

Vì vậy, các ngành liên quan đã kiến nghị UBND tỉnh đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam xem xét, nếu giá sản phẩm đuợc tính toán phân chia cho người dân (1ha) thấp hơn so với thu nhập 1ha lúa nương (đã trừ chi phí sản xuất) thì Tập đoàn xem xét hỗ trợ người dân tương đương 1ha lúa nương tại thời điểm hỗ trợ.

Bên cạnh đó, quá trình tính toán phân chia sản phẩm cho người dân góp đất trồng cao su còn một số nội dung chưa phù hợp, như: Theo phương án được ký kết, người dân góp đất được chia giá trị sản phẩm mủ cao su tươi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi yếu tố địa hình và tập quán canh tác, không thể lấy mủ cao su tươi, vì vậy sau khi cạo xong phải để mủ đông khoảng 10 ngày mới thu 1 lần. Như vậy, giá trị sản phẩm đuợc chia là giá trị sản phẩm mủ cao su khô.

Mong muốn lớn nhất của người dân góp đất trồng cao su là đến ngày cao su cho khai thác và được phân chia lợi tức để ổn định cuộc sống. Do vậy, các cơ quan chức năng, Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên cần phối hợp chặt chẽ, sớm thống nhất giá mủ cao su bình quân để kịp thời triển khai chi trả tiền cho người dân góp đất.

Hoàng Châu