Hải Phòng: Nghiên cứu, điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050

Kinh tế - Ngày đăng : 21:16, 14/06/2020

(TN&MT) - Sáng 13/6, đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Thành uỷ để lấy ý kiến về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050.

Hải Phòng những năm vừa qua đã đạt được sự tăng trưởng nhanh về kinh tế - xã hội nhờ thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân vào thành phố. Qua đó nhận thấy nhiều quy hoạch ngành của Trung ương và địa phương không còn phù hợp, dự báo thấp hơn nhiều so với thực tiễn phát triển của thành phố. Nhiều dự báo phát triển ngành và địa phương trước đây đã lạc hậu không phù hợp với thực tế phát triển. Nhất là quy hoạch ngành giao thông như cảng biển, đường sắt, đường bộ, đường thuỷ nội vùng, sân bay đã không đáp yêu cầu vận tải hàng hoá trong cả giai đoạn ngắn hạn và dài hạn; quy hoạch sử dụng đất đai mới đẩy mạnh khai thác phát triển khu vực đô thị, còn trống vắng ở khu vực nông thôn…

Bản đồ Quy hoạch sử dụng đất điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 mục tiêu xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước, có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; với kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; là trọng điểm logistics; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, kinh tế biển…

Đơn vị tư vấn cho rằng, để Hải Phòng đảm nhận được vai trò cửa ngõ, động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước, việc thực hiện các chiến lược tổng thể phát triển phải xác định rõ: Hải Phòng sẽ là thành phố hảng hải toàn cầu, một khu vực kinh tế biển trọng điểm của đất nước và cửa ngõ tương lai của Việt Nam; trung tâm sản xuất tạo nên sức mạnh tổng hợp kinh tế đa ngành đa lĩnh vực; là một đô thị đa văn hóa, trung tâm du lịch mang tầm vóc quốc gia, quốc tế…

Quang cảnh Hội nghị

Tại cuộc họp, trên cơ sở thuyết minh của đơn vị tư vấn, ý kiến đóng góp của các đồng chí trong Ban Thường vụ, lãnh đạo các Sở ngành, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành ghi nhận và đánh giá cao chất lượng điều chỉnh quy hoạch lần này, Đồ án đã có sự trao đổi và chuẩn bị rất kỹ. Những năm qua Hải Phòng được đánh giá là điểm sáng về phát triển kinh tế xã hội của cả nước trên cơ sở Quy hoạch 1448 của Thủ tướng Chính phủ từ đó Thành ủy đã có những quy hoạch, định hướng cụ thể, làm thay đổi căn bản thành phố. Đồng chí đề nghị đơn vị tư vấn tiếp tục tiếp thu ý kiến khẩn trương điều chỉnh và hoàn thiện Đồ án.

Đồng chí Bí thư Thành ủy lưu ý đơn vị tư vấn cần xác định phát triển cảng biển chính là trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng và phải được quan tâm ưu tiên hàng đầu, đây là lợi thế của riêng Hải Phòng mà không phải địa phương nào cũng có được. Do vậy khi lập quy hoạch cần tính toán thật kỹ và cụ thể về sản lượng tăng trưởng hàng hóa qua Cảng sao cho phù hợp với thực tiễn, trong đó cần chú ý đến lĩnh vực logistics, khu phi thuế quan, lộ trình dịch chuyển cảng… Đồng chí cũng nhấn mạnh, là thành phố có truyền thống công nghiệp từ thời Pháp cho đến nay, vì vậy cần xác định phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm công nghiệp lớn của đất nước, định hướng công nghiệp của Hải Phòng phải là ngành mũi nhọn đi đầu có hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt như công nghiệp sản xuất ô tô.

Không chỉ có tiềm năng về cảng biển và phát triển công nghiệp, Hải Phòng còn có truyền thống lịch sử, văn hóa, tài nguyên du lịch rất đặc biệt, do đó đề nghị đơn vị tư vấn cần xác định du lịch thương mại là trụ cột thứ ba trong phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành khẳng định.

Về phát triển đô thị, Bí thư yêu cầu cần nghiên cứu dành thêm nhiều quỹ đất để trồng cây xanh, tăng số lượng cây xanh, công viên, mở rộng không gian, hệ thống giao thông phải được tính toán kỹ trong đó cần lưu ý việc kết nối, bổ sung thêm các bãi đỗ xe ngầm; vấn đề quản lý quy hoạch du lịch đảo Cát Bà, Đồ Sơn; đối với tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, việc quy hoạch hệ thống giao thông phải thể hiện được sự kết nối giữa các địa phương và tiệm cận với hệ thống đô thị; từ nay cho tới năm 2045, thành phố tiếp tục tập trung đầu tư cho sân bay Quốc tế Cát Bi và từ năm 2045 sẽ tập trung đầu tư sân bay Tiên Lãng theo hình thức phân kỳ…

Đối với cấu trúc không gian toàn đô thị, phát triển thành phố Hải Phòng được đặt trong mối quan hệ tương hỗ hai chiều với vùng thủ đô Hà Nội. Hải Phòng cùng với thủ đô Hà Nội là đầu tàu tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy khu vực Bắc Bộ phát triển thông qua sự mở rộng, lan toả các hoạt động kinh tế chủ đạo từ cảng, công nghiệp, kinh tế biển. Ưu tiên nhiều quỹ đất phát triển các công trình hạ tầng đầu mối giao thông quan trọng, công nghiệp, cảng, logistic, dịch vụ đa ngành liên kết hợp tác với các khu, cụm công nghiệp đa ngành của các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nam…

Theo định hướng Quy hoạch về tổ chức phát triển không gian đô thị, điều chỉnh từ mô hình Đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh sang mô hình Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh, với động lực phát triển chủ đạo là hai vành đai kinh tế công nghiệp từ cảng Lạch Huyện đến phía Bắc (huyện Thủy Nguyên), phía Tây (dọc QL.10), phía Nam (dọc sông Văn Úc) và vành đai kinh tế ven biển thúc đẩy phát triển đô thị hướng ra “vịnh Hải Phòng”; ba hành lang cảnh quan đô thị dọc hai bên bờ sông Cấm, sông Lạch Tray và sông Văn Úc; ba cụm đô thị trọng điểm, gồm:Trung tâm đô thị lịch sử thuộc quận Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân và đô thị hành chính mới Bắc sông Cấm; đô thị hàng hải tại các quận Dương Kinh và Hải An; và đô thị sân bay Tiên Lãng, ba cụm đô thị trọng điểm được kết nối với nhau bằng hệ thống giao thông nhanh trên vành đai kinh tế ven biển. Cùng các đô thị nhỏ như Quang Thanh, Lưu Kiếm, Minh Đức (huyện Thủy Nguyên); An Lão, Trường Sơn (huyện An Lão); Tiên Lãng, Hùng Thắng (huyện Tiên Lãng); Tam Cường (huyện Vĩnh Bảo).

Phạm Duy