Tầm nhìn đại dương

Biển đảo - Ngày đăng : 11:08, 09/06/2020

(TN&MT) - Để vượt biển, trước hết phải vượt lên chính mình, phải thay đổi “tâm thế lục địa” bằng “tầm mắt đại dương”.

Việt Nam là một quốc gia biển. Biển ôm suốt chiều dài đất nước với hơn 3.000 km bờ biển. Ngoài biển, Việt Nam có hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ và hơn 1.000.000 km2 lãnh hải thuộc chủ quyền, dân tộc Việt Nam.

Từ hàng ngàn năm nay, để tồn tại, người Việt đã biết cách tổ chức khai thác tiềm năng của biển và đạt được những kết quả nhất định. Cũng như đa số các quốc gia phương Đông, vì rất nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan, nên tư duy lấy đất liền "nuôi" biển chưa đặt ra sâu sắc trong nếp nghĩ, cách làm của nhiều thế hệ.

Trong công cuộc đổi mới, Việt Nam thay đổi tư duy "lấy đất liền nuôi biển", chuyển sang "lấy biển nuôi đất liền". Tiếc rằng, tư duy mới này, thời gian qua, chưa được chuyển đổi một cách mạnh mẽ, chưa thành nhận thức chung của toàn xã hội.

Chính vì thế, mới tồn tại nhiều nghịch lý là chúng ta giàu tiềm năng, lợi thế từ biển đảo, nhưng do phương thức khai thác, quản lý kém hiệu quả nên chưa khi nào Việt Nam giàu và mạnh từ biển, gây lãng phí lớn về tài nguyên và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ảnh minh họa

Không ai tiến ra biển lớn chỉ với một chiếc ghe nhỏ. Nếu chúng ta đột phá mạnh mẽ hơn nữa về tư duy, nhận thức và hành động, nhất định sẽ thay đổi được cách tiếp cận để tổ chức lại không gian kinh tế biển, tổ chức lại lực lượng tiến ra biển, tổ chức lại hoạt động sản xuất trong các lĩnh vực kinh tế biển trên cơ sở tính toán khoa học hơn, nhằm thu được kết quả cao nhất và tránh được những rủi ro không đáng có.

Nhận thức về vai trò biển đảo đã rõ, nhưng nhận thức cụ thể cho đúng tầm trong từng giai đoạn phát triển còn nhiều trăn trở. Những quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển theo đúng nghĩa vẫn chưa được cụ thể hóa đúng tầm. Thành thử, chúng ta còn lúng túng, chưa tập hợp được sức mạnh, chưa thật sự coi trọng yếu tố biển trong chiến lược phát triển thuộc lĩnh vực quản lý được giao.

Đến hôm nay, “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” - Nghị quyết số 36/NQ-TW được đánh giá là chủ trương lớn, thể hiện tầm nhìn dài hạn của Việt Nam về khai thác hợp lý các nguồn lực từ biển để phục vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Nhiều quan điểm và cách đặt vấn đề mới được nêu ra trong chiến lược, đặc biệt là cách nhìn nhận tổng thể và dài hạn về biển, phát triển kinh tế biển phải được nhìn nhận trong không gian 3 chiều: mặt biển, đáy biển, không gian trên biển. Cần phải vươn xa ra tới đại dương, nhưng đồng thời cũng cần phải đặc biệt chú trọng tới quản lý bờ biển vì xét đến cùng, mọi hoạt động vươn ra biển đều xuất phát từ bờ biển và bờ biển Việt Nam cần được sử dụng để tạo thuận lợi nhất cho chính sách hướng biển.

Có một chiến lược biển đúng đắn chính là cơ sở và điều kiện để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của biển đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là sự ghi nhận một bứt phá trong sự nghiệp phát triển đất nước trên tiến trình chủ động hội nhập đang đi vào chiều sâu.

Phương Anh