Cây không có lỗi

Xã hội - Ngày đăng : 10:49, 04/06/2020

(TN&MT) - Hơn 1 tuần sau sự kiện đau lòng cây phượng vĩ bất ngờ bật gốc, đổ xuống sân Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) khiến 18 học sinh thương vong, một số trường học đã lên kế hoạch và thực hiện việc cắt bỏ một phần khoảng xanh trong trường học.

Như một phản ứng dây chuyền, nhiều nơi ra quyết định chặt tỉa (thậm chí chặt hạ) cây xanh trong sân trường, mà không thể lý giải cặn kẽ nguyên do. Sau sự cố này, câu hỏi đặt ra: Ai quản lý cây xanh trong các sân trường học?

Thẩm quyền trong quản lý cây xanh sân trường sẽ như thế nào? Phải chăng, mối lo sợ về trách nhiệm đã khiến nhiều nơi ra quyết định vội vã đốn hạ những mảng xanh vốn đã trở thành ký ức đẹp với tuổi học trò(?) 

Dường như, một phản xạ rất dễ nhận ra là, khi một vụ việc nào đó xảy ra, người ta tìm ngay và chỉ ngay “lỗi kỹ thuật”, lỗi thi công, lỗi chất lượng nguyên liệu… và quên bẵng trách nhiệm của bên quản lý, điều hành, trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu.

Một cây xanh đổ xuống, gây họa, người ta vội vã “trảm” những cây xanh như thế với lý do tránh hậu họa, mà không hề đưa ra những luận cứ thuyết phục cho việc chặt hạ đó.

Nếu cứ theo tư duy lo sợ trách nhiệm ấy, biết đâu những quyết định “cười ra nước mắt” khác sẽ lặp lại, kiểu như chặn một dòng sông khi tai nạn xảy ra! (?).

Có thể, mối lo trên là thái quá, nhưng không thể không nghĩ như thế khi đang diễn ra kiểu phản ứng hoảng loạn của một bộ phận những người có trách nhiệm sau khi vụ việc một cây phượng bật gốc gây tai họa.

Ảnh minh họa

Những hàng cây xanh, khi được hiện hữu, vốn dĩ chúng mang ít nhất là sứ mệnh làm đẹp và trong lành hơn môi trường xung quanh nơi cây đứng. Để cây gục ngã, gây họa, trách nhiệm phải thuộc những người quản lý, chăm sóc chúng (mà điều này người đứng đầu Trường THCS Bạch Đằng đã thẳng thắn đứng ra nhận trách nhiệm). Thế nên, chẳng thể can cớ gì mà nhiều nơi khác, trong mối lo trách nhiệm đã ra quyết định chặt hạ tiếp những hàng phượng vĩ! (?) 

Những cách hành xử kiểu như thế dường như không mới. Soi rộng hơn, câu chuyện lo sợ trách nhiệm đang như một thứ virut âm thầm lây lan, nếu không chấn chỉnh kịp thời, sẽ cản trở sự phát triển của chính cá nhân, tập thể ấy. Và nếu điều đó bị nhân lên, mỗi nơi thoái một phần trách nhiệm, cộng hưởng của nhiều tầng nấc sẽ thành mối nguy hại, trở thành thói vô trách nhiệm.

Cứ thế, từng ngày, chúng ta lại giật mình bởi những vụ việc nghe đau như xát muối vào lòng.

Hạ một cây xanh – qúa dễ! Nhưng để có những hàng cây xanh, phải mất cả chục năm trời, thậm chí hàng chục năm.

Xây một đô thị hoành tráng, không khó. Nhưng tạo dựng một xã hội văn minh, bền vững phải cần một thời gian dài, cần những người vận hành và quản trị bộ máy văn minh và dám chịu trách nhiệm.

Cứ xem kỹ, nghĩ hết, sẽ thấy, mọi việc sẽ vẫn theo một nếp cũ đầy nguy hại nếu không kịp chấn chỉnh. Và nếu cứ để kiểu tư duy “chặt bỏ” như trên tồn tại, ắt sẽ còn những mưu toan, những áp đặt, những dối lừa... ẩn giấu trong bóng tối!

Chúng ta cần những bộ máy tính mới, cần những chiếc xe tiện nghi, cần đường sắt trên cao hay tàu điện ngầm tít sâu trong lòng đất,..., nhưng tất cả sẽ chẳng là gì nếu chủ nhân nó - những người vận hành - kém về phẩm chất, hành vi.

 

Ngọc Lý