Bắc Giang “gỡ vướng” bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư

Đất đai - Ngày đăng : 12:24, 02/06/2020

(TN&MT) - Nhằm tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng (GPMB), UBND tỉnh Bắc Giang vừa tổ chức Hội nghị chuyên đề về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các công trình dự án trên địa bàn tỉnh.

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, trong 3 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức GPMB, thu hồi, bồi thường gần 1.800 ha đất các loại để thực hiện khoảng 2.100 công trình, dự án. Riêng năm 2020, kế hoạch tổ chức GPMB khoảng 924 công trình, dự án với diện tích cần thu hồi, bồi thường khoảng 2.290 ha.

Qua đánh giá, vừa qua, công tác GPMB trên địa bàn tỉnh đã dần đi vào nền nếp. Các quy định về thu hồi đất, bồi thường GPMB theo pháp luật đất đai đã được cụ thể hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh và từng bước hoàn thiện; chính sách bồi thường có nhiều điểm tiến bộ, quy định thủ tục ngày càng cụ thể, chặt chẽ hơn so với trước đây; phương châm mẫu hóa và đồng bộ hóa các khâu, bước, hồ sơ trong quá trình thu hồi đất đã giúp các địa phương triển khai công tác bồi thường thuận lợi, nhanh chóng và nền nếp hơn.

Ảnh minh họa

Quy chế dân chủ trong thu hồi đất, bồi thường GPMB đã được tuyên truyền, phổ biến và thực hiện nghiêm túc; cấp ủy, chính quyền các địa phương và đội ngũ làm công tác bồi thường, GPMB nhìn chung đã có nhận thức tốt hơn trong việc công khai và đảm bảo tính khách quan, minh bạch của các thông tin trong quá trình thực hiện GPMB các dự án.

Tuy vậy, có đến 1/3 trong tổng số hơn 600 dự án thu hồi đất đang triển khai gặp khó khăn về GPMB chậm tháo gỡ. Cụ thể, tại huyện Lục Ngạn đang triển khai giải phóng mặt bằng gần 20 dự án. Trong số các dự án này có nhiều dự án liên quan đến đất lúa (cây hàng năm), nhưng nay, người dân đã tự ý chuyển sang trồng cây ăn quả (cây lâu năm) khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Bởi thế, người dân không được hỗ trợ tài sản trên đất theo Quyết định số 10/2019/QĐ-UBND ngày 21/5/2019 của UBND tỉnh quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất áp dụng trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là tình trạng chung xảy ra ở nhiều địa phương.

UBND tỉnh sẽ nghiên cứu, sửa đổi các chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng cho phù hợp với tình hình thực tế

Trong khi đó, các huyện Việt Yên, Yên Thế lại đang gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng các dự án khu đô thị, khu dân cư do doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Theo ý kiến của một lãnh đạo huyện Việt Yên, các dự án giải phóng mặt bằng do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, người dân không đồng thuận do chưa tin tưởng vào doanh nghiệp. UBND huyện đề nghị, tới đây, UBND tỉnh có thể xem xét tổ chức giải phóng mặt bằng xong các dự án khu đô thị, khu dân cư sau đó tổ chức đấu giá để tạo đồng thuận trong nhân dân.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn cho rằng, muốn làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, trước hết phải làm tốt các vấn đề về chính sách trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Do đó, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu, sửa đổi các chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay của tỉnh, tạo tiền đề cho các địa phương tháo gỡ khó khăn.

Ông Lại Thanh Sơn cũng yêu cầu, các cấp, các ngành cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể trong thực hiện giải phóng mặt bằng; làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn; đẩy mạnh tuyên truyền vận động, tạo sự đồng thuận người dân. Bên cạnh đó, cần làm thật tốt về quản lý đất đai, tăng cường ý thức thường trực để giải quyết từng vấn đề cụ thể.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Sở TN&MT nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh cách giải quyết các vấn đề còn tồn tại về đất, tiêu chí tại các địa phương; vấn đề giải quyết tài sản trên đất khi thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng…

Thúy Nhi