Bổ sung tiêu chí vùng vào Dự thảo Nghị quyết về định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025

Trong nước - Ngày đăng : 15:14, 01/06/2020

(TN&MT) - Dự thảo mới đã được bổ sung tiêu chí vùng gồm: các vùng chịu tác động lớn của thiên tai, biến đổi khí hậu (sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn, nước biển dâng…).

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 45, sáng nay (1/6), UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của UBTVQH quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Quốc Khánh

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Tài chính- Ngân sách thống nhất với Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bỏ quy định đối tượng “hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp theo quy định của pháp luật” tại khoản 11 Điều 3 của Dự thảo Nghị quyết để đảm bảo thống nhất về đối tượng theo quy định của Luật Đầu tư công.

Về các nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, Uỷ ban Tài chính – Ngân sách thống nhất bổ sung nguyên tắc ưu tiên vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, đồng bộ với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, các dự án phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, sạt lở bờ biển, an ninh nguồn nước và lĩnh vực thủy lợi.

Bên cạnh đó, bổ sung nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước phải bảo đảm trật tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, các nghị quyết Quốc hội.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải, Chính phủ tiếp thu, bổ sung quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 8 Dự thảo Nghị quyết về cơ sở tính điểm của các tiêu chí. Theo đó, Dự thảo mới đã được bổ sung tiêu chí tỷ lệ che phủ rừng (nhằm khuyến khích địa phương trồng, bảo vệ và phát triển rừng), bổ sung tiêu chí vùng bao gồm: các vùng chịu tác động lớn của thiên tai, biến đổi khí hậu (sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn, nước biển dâng…).

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua nội dung của dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Quốc Khánh

Về xác định vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Dự thảo mới quy định “Kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương năm 2021 được xây dựng phù hợp với quy định của pháp luật về Đầu tư công và Ngân sách Nhà nước, dự kiến nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương (nếu có), phù hợp với định hướng mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cụ thể của năm 2021; kết quả thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách của địa phương năm 2019, ước thực hiện năm 2020”.

Ngoài ra, Chính phủ đã tiếp thu, quy định rõ hơn điều khoản chuyển tiếp để tránh khoảng trống pháp lý và bảo đảm thi hành khi Nghị quyết này có hiệu lực pháp luật, bổ sung Khoản 3 Điều 13 về các dự án chuyển tiếp thuộc Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020, đồng thời, có Phụ lục kèm theo Nghị quyết để hướng dẫn phân loại ngành, lĩnh vực đối với trường hợp các dự án chuyển tiếp của Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020.

Tại phiên họp, đa số ý kiến cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành quy định về các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành các nội dung và Ủy ban Tài Chính- Ngân sách và Chính phủ đã thống nhất tiếp thu.

Với những nội dung còn ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất không sử dụng thuật ngữ “chi tiêu cơ sở”, sửa lại bằng “các dự án chuyển tiếp” để phản ánh đúng thực tiễn và dễ hiểu hơn. Bên cạnh đó, thống nhất việc không quy định tổng mức hỗ trợ vốn đầu tư phát triển của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương không quá 30% không bao gồm vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và dự án ODA.

100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nội dung của dự thảo Nghị quyết quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Tuyết Chinh