Thừa Thiên Huế: Kịp thời hỗ trợ cho các đối tượng ảnh hưởng bởi dịch COVID – 19

Xã hội - Ngày đăng : 08:29, 28/05/2020

(TN&MT) - Thừa Thiên Huế đã và đang rà soát, triển khai chi trả gói hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID - 19 một cách nhanh chóng và kịp thời...

Đã đạt 99,6%

Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 134.907 đối tượng theo 4 nhóm được hưởng chính sách hỗ trợ từ gói 62.000 tỉ của Chính phủ (đợt 1), với tổng số tiền hỗ trợ là hơn 149 tỉ 178 triệu đồng; thời gian hỗ trợ 3 tháng theo quy định tại Nghị quyết 42/NĐ – CP của Chính phủ, Trong đó có 13.706 đối tượng người có công với cách mạng; 50.292 đối tượng bảo trợ xã hội; 27.638 thành viên thuộc gia đình hộ nghèo; 43.271 người thuộc hộ cận nghèo.

Người dân Thừa Thiên Huế nhận tiền hỗ trợ

Tính đến ngày 22/5, Thừa Thiên Huế đã thực hiện chi trả tiền trợ cấp 4 nhóm đối tượng cho 133.748 trường hợp, đạt 99,6%. Cụ thể, người có công là 13.552 người, kinh phí 20.328,5 triệu đồng. Bảo trợ xã hội là 49.873 người, kinh phí 74.803 triệu đồng. Thành viên thuộc hộ nghèo là 27.335 người, kinh phí 20.501,5 triệu đồng. Thành viên thuộc hộ cận nghèo là 42.988 người, kinh phí 32.241 triệu đồng.

Ngoài ra, từ nguồn kinh phí huy động của Ủy ban MTTQVN tỉnh đã hỗ trợ cho 12 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập; 141 gia đình/cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, người khuyết tật đặc biệt nặng và 30 hộ nghèo, cận nghèo mới phát sinh trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền lên đến hơn 1 tỉ đồng.

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tiến hành thực hiện tiếp nhận và xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ của các nhóm đối tượng còn lại. Tính đến ngày 22/5, tại các huyện, thị xã, TP. Huế đã tiếp nhận hồ sơ của 314 người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; 1.195 hộ kinh doanh cá thể; 91 người bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; 16.774 người lao động không có hợp đồng lao động...

Đến nay một số địa phương đã tiến hành rà soát, thẩm định và niêm yết công khai danh sách như TP. Huế đã rà soát 167 hộ kinh doanh và 8166 người lao động làm việc không có hợp đồng lao động; thị xã Hương Thủy rà soát được 52 hộ kinh doanh và 2536 người lao động làm việc không có hợp đồng lao động; thị xã Hương Trà rà soát được 48 hộ kinh doanh và 276 người lao động làm việc không có hợp đồng lao động...

Lãnh đạo Thừa Thiên Huế kiểm tra công tác chi trả tiền hỗ trợ cho người dân

Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐTB&XH Thừa Thiên Huế cho hay, trong quá trình chi trả, các địa phương đã thực hiện việc phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể cùng cấp trong công tác giám sát thực hiện chi trả đúng đối tượng, đúng quy định hiện hành. UBND các huyện thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn đã bố trí lực lượng công an phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình tiếp nhận và tổ chức phát kinh phí cho các đối tượng...

Chi trả cả ban đêm

Theo Sở LĐTB&XH, những ngày này đang là cao điểm của việc rà soát, thống kê các đối tượng bị ảnh hưởng COVID -19. Lượng hồ sơ được các đối tượng nộp về UBND cấp xã rất lớn. Trên cơ sở đó, cán bộ tiếp nhận phải tiến hành số hóa, nhập vào phần mềm dịch vụ công trực tuyến.

Theo chỉ đạo từ lãnh đạo tỉnh, tất cả các UBND cấp xã, huyện đều thành lập tổ thẩm định hồ sơ. Đối với cấp xã, thành phần ngoài lãnh đạo và công chức cấp xã thì còn có một số cán bộ bán chuyên trách. Công việc nhiều đã tạo áp lực không nhỏ cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại cấp xã. Để đảm bảo tiến độ, các thành viên tổ thẩm định hồ sơ cấp xã phải làm việc thường xuyên, làm đến đêm, kể cả ngày nghỉ cho kịp.

Cán bộ xã Lộc Điền (huyện Phú Lộc) làm việc cả ban đêm. Ảnh V.T

Lãnh đạo Sở LĐTB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho công tác thẩm định hồ sơ bao gồm chi phí hành chính cũng như thù lao.

“Do đây là công việc đột xuất, đòi hỏi phải giải quyết trong khoảng thời gian ngắn cho các đối tượng nên Sở đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính tham mưu, hướng dẫn hỗ trợ kinh phí văn phòng phẩm do in ấn biểu mẫu, tờ khai phát cho người dân…" - bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ.

Cũng theo bà Nguyệt, cần bồi dưỡng thêm các thành viên tổ thẩm định các cấp, có quy định về mức hỗ trợ kinh phí cho 1 hồ sơ được thẩm định, tạo điều kiện để các địa phương hoàn thành nhiệm vụ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Nguyễn Văn Phương đề nghị Sở LĐTB&XH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan trong việc hướng dẫn cũng như cung cấp, thẩm định hồ sơ các nhóm đối tượng còn lại được hỗ trợ để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương sớm chi trả nguồn hỗ trợ cho các nhóm đối tượng còn lại vào đầu tháng 6/2020.

“Các huyện, thị xã và TP. Huế cần chỉ đạo thường xuyên việc triển khai cũng như phối hợp với Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể các cấp tham gia giám sát ngay từ khâu lập danh sách, thẩm định hồ sơ và niêm yết danh sách...nhằm đảm bảo chính xác, không bỏ sót đối tượng được hỗ trợ”, ông Phương nhấn mạnh.

Sở LĐTB&XH Thừa Thiên Huế thông tin thêm do tình hình bệnh cơ bản đã được kiểm soát, các thành phần kinh tế đã hoạt động trở lại và người lao động đã quay lại làm việc. Do vậy, số lượng đối tượng được hỗ trợ sẽ thấp hơn so với dự kiến ban đầu.

Văn Dinh