Xây dựng quy trình sử dụng chất phân tán ứng phó sự cố tràn dầu

Biển đảo - Ngày đăng : 14:07, 26/05/2020

(TN&MT) - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, cùng với việc xây dựng Thông tư danh mục chất phân tán được phép sử dụng để ứng phó sự cố tràn dầu trên biển, đơn vị cũng đang xây dựng Thông tư Quy trình sử dụng chất phân tán khi có sự cố tràn dầu xảy ra nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho môi trường biển khi sử dụng chất phân tán.

 Chất phân tán phải được cấp phép trước khi sử dụng trên biển

Dự thảo Thông tư quy định các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân muốn  sử dụng chất phân tán (CPT) trên biển Việt Nam phải được sự cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm quy định cụ thể về quy trình thẩm định hồ sơ xin cấp phép sử dụng CPT; quy trình sử dụng và các loại CPT được phép sử dụng trên biển Việt Nam, danh sách các loại CPT phải được cập nhật hàng năm theo quy định. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể về việc thử nghiệm độ độc của CPT và thử nghiệm hiệu quả của CPT với các loại dầu trên biển Việt Nam.

Đảm bảo an toàn cao nhất cho môi trường biển khi sử dụng chất phân tán để ứng phó sự cố tràn dầu

 Các CPT đã được cấp phép trước thời gian thông tư này có hiệu lực sẽ tiếp tục được sử dụng nếu đạt các yêu cầu về chỉ tiêu kỹ thuật chính của CPT đã được quy định. Các CPT đã được cấp phép thì được quyền sử dụng cho tất cả các dự án hoạt động trên biển Việt Nam nơi có điều kiện lý hóa của loại dầu, điều kiện khí hậu tương đương với điều kiện đã được cấp phép. Việc sử dụng CPT cho các dự án mới phải phù hợp với tính chất lý hóa của loại dầu và các điều kiện đã được cấp phép trước đó.

Dự thảo Thông tư cũng chỉ rõ, đối với các loại CPT mới không nằm trong danh sách phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường khi sử dụng trên biển Việt Nam cần phải đăng ký xin cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có nhu cầu sử dụng CPT phải tiến hành hoặc thuê tư vấn có đủ năng lực để lập hồ sơ xin cấp phép sử dụng CPT.

 Trường hợp hợp tác quốc tế trong việc ứng phó sự cố tràn dầu bằng CPT mà các loại CPT sử dụng nằm ngoài danh sách do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt thì phải có bản ký kêt thỏa thuận danh mục sử dụng các loại CPT giữa các quốc gia liên quan.

Trường hợp xét thấy việc sử dụng CPT mới có khả năng xảy ra những tác động xấu về môi trường nhưng chưa được đánh giá một cách đầy đủ trong hồ sơ xin cấp phép sử dụng vì những nguyên nhân khách quan hoặc nguyên nhân bất khả kháng khác cho đến thời điểm phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phải có lưu ý ở phần các yêu cầu kèm theo của quyết định phê duyệt.

CPT phải đảm bảo yếu tố môi trường

Theo phân tích của các chuyên gia trong qua trình xây dựng văn bản pháp luật, điều khó nhất trong việc sử dụng CPT để ứng phó sự cố tràn dầu là đảm bảo yếu tố môi trường biển được an toàn nhất, không bị phát sinh ô nhiễm do vết dầu loang. Do đó, Dự thảo Thông tư quy định việc sử dụng CPT cần được xem xét cùng với các phương án ứng phó khác ngay sau khi sự cố tràn dầu xảy ra để có phương án xử lý thích hợp nhất.

 Không sử dụng CPT trong khu vực ưu tiên bảo vệ, vùng nước biển ven bờ có độ sâu dưới 20 m, cách bờ dưới 2 km và trong vịnh hoặc đầm phá nơi có tỷ lệ trao đổi nước thấp; khu vực có độ nhạy cảm từ mức trung bình trở lên.

 Trường hợp bắt buộc phải sử dụng CPT trong khu vực có độ nhạy cảm trên mức trung bình hoặc vùng nước biển ven bờ có độ sâu dưới 20 m thì phải tiến hành phân tích lợi ích môi trường trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, đồng thời người ra quyết định sử dụng CPT tại hiện trường chịu trách nhiệm trước những quyết định trong việc sử dụng CPT đó.

 Không sử dụng CPT khi phần lớn dầu tràn đã bị phong hóa hoặc phân tán tự nhiên. Đồng thời không sử dụng CPT khi loại dầu tràn là: xăng, diesel, dầu hỏa hoặc một số sản phẩm dầu nhẹ khác vì các loại dầu này có thể biến mất do bốc hơi hoặc phân tán tự nhiên. Việc sử dụng CPT chỉ nên áp dụng khi dầu tràn có độ nhớt nằm trong giới hạn cho phép khi:  Độ nhớt của dầu tràn # 5000 cSt: có thể sử dụng CPT để xử lý dầu tràn; 5000 cSt < Độ nhớt của dầu tràn # 10000 cSt: không chắc chắn về kết quả khi sử dụng CPT, vì vậy phải kiểm tra hiệu quả phân tán trước khi xử lý trên diện rộng; Sử dụng các thiết bị, dụng cụ chuyên dụng để kiểm tra hiệu quả phân tán. Chỉ quyết định xử lý trên diện rộng khi hiệu quả phân tán dầu đạt trên 50 %.

Dự thảo cũng chỉ rõ với độ nhớt của dầu tràn > 10000 cSt: việc sử dụng CPT nói chung là không hiệu quả nên sẽ không quyết định sử dụng trong trường hợp này. CPT nên sử dụng trong giai đoạn đầu của sự cố tràn dầu và tốt nhất là trong vòng 24 giờ kể từ khi dầu tràn.

Cùng với việc thực hiện giải pháp CPT thì sơ đồ phân vùng sử dụng CPT quy định những khu vực được phép và không được phép sử dụng CPT là một tài liệu quan trọng để áp dụng trong mỗi sự cố.

Sơ đồ phân vùng sử dụng CPT được xây dựng dựa trên bản đồ nhạy cảm do dầu tràn và các quy định trong việc quyết định sử dụng CPT.Viêc xây dựng sơ đồ phân vùng sử dụng CPT phải được tiến hành trước và coi như là một phần của quá trình lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu bằng CPT.

Đồng thời biện pháp phân tích lợi ích môi trường là một công cụ ra quyết định có thể hỗ trợ trong việc lựa chọn biện pháp ứng phó tràn dầu nhằm giảm ảnh hưởng tiêu cực tới mức thấp nhất về tổng thể môi trường trong khi ra quyết định sử dụng CPT.

Đặ biệt, tại Thông tư này còn hướng dẫn địa phương và các cơ quan liên quan phải thực hiện đánh giá tác động môi trường sau khi sử dụng CPT để xác định mức độ ô nhiễm và hiệu quả khi sử dụng CPT làm cơ sở để ứng dụng cho các sự cố liên quan.

Minh Thư