Kon Tum: Gồng mình chống hạn

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 19:19, 25/05/2020

(TN&MT) - Thời tiết nắng nóng kéo dài nhiều tháng qua khiến tình hình hạn hán ở tỉnh Kon Tum diễn biến phức tạp hơn so với nhiều năm. Hàng ngàn ha cây trồng bị giảm năng suất, chất lượng; hơn 1.600 giếng nước khô cạn; đời sống hơn 2.000 hộ dân trên địa bàn bị ảnh hưởng.

Những cánh đồng khô hạn thiếu nước tưới, người dân không thể canh tác

Thiếu nước tưới tiêu và sinh hoạt

Chưa năm nào vườn cà phê của ông Bùi Tiến Viên (trú tại tổ 4, phường Ngô Mây, TP Kon Tum, Kon Tum) lại “thê thảm” như năm nay. 3.000 gốc cà phê đang cho thu hoạch mặc dù đã được tưới đến lần thứ 5 những vẫn héo rũ vì nắng hạn. “Sông suối thì cạn rộc, giếng nước sinh hoạt của gia đình cũng gần hết rồi nên chúng tôi chưa biết tìm nguồn nước ở đâu để cứu vườn cà phê”, ông Viên than thở.

Chấp nhận bỏ chi phí tưới thêm 2 đợt để cứu cà phê nhưng theo ông Viên, sản lượng cà phê năm nay vẫn sụt giảm, chỉ bằng nửa các năm trước. Nếu như các năm trước vườn cà phê của ông cho thu khoảng 20 tấn cà phê tươi, thì năm nay chỉ còn khoảng 12 tấn.

Tương tự, hàng chục ngàn ha sắn trên địa bàn tỉnh Kon Tum cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Nhiều diện tích sắn vì nắng nóng, không có nước tưới đã chết khô. Dù Kon Tum đã có vài cơn mưa đầu mùa nhưng với lượng nước ít nên không đủ để cây sắn phát triển.

Hạn hán kéo dài còn khiến hàng ngàn người dân trên địa bàn thiếu nước sinh hoạt. Nhiều gia đình đào giếng mới hoặc vét giếng nhưng vẫn không có nước. Để có nước sử dụng, người dân phải tự bỏ tiền mua nước bình, nước đóng chai, hoặc tìm nguồn nước ở rất xa về dùng.

Bà Y Đây (trú làng Ngo, xã Ngọc Bay, TP Kon Tum) cho biết, do ảnh hưởng của hạn hán nên nhiều tháng nay gia đình bà và nhiều người khác trong làng đang thiếu nước ăn uống, sinh hoạt nghiêm trọng. Để tìm nước uống, 6 giờ sáng mỗi ngày, bà Y Đây cùng dân làng phải ra giọt nước cách làng hơn 3km để gùi nước đem về sử dụng.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, tính đến giữa tháng 5/2020, trên địa bàn tỉnh có hơn 1014,61 ha cây trồng bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Trong đó, diện tích lúa bị ảnh hưởng là 374 ha, cây công nghiệp là 636 ha, và 1,52 ha rau màu.

Toàn tỉnh Kon Tum có 1.641 giếng nước bị khô hạn gây ảnh hưởng trực tiếp 2.094 hộ dân. Trong đó, nhiều nhất là ở các huyện Ia H'Drai, Sa Thầy và TP Kon Tum. Ngoài ra, tại huyện Kon Rẫy còn có và 4 công trình nước sinh hoạt bị khô hạn, ảnh hưởng đến 210 hộ dân.

Giếng ở nhà cạn nước, bà Y Đây phải đi cõng nước ở giọt cách làng 3km

Tìm giải pháp chống hạn

Nhằm chủ động phòng ngừa hạn hán, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt, nhu cầu thiết yếu khác; giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về sản xuất và sinh hoạt của người dân, đảm bảo an sinh, kinh tế, từ đầu mùa khô 2020, UBND tỉnh Kon Tum đã có kế hoạch chủ động phòng chống hạn hán, thiếu nước trên địa bàn.

Theo đó, tỉnh Kon Tum đề nghị các công trình hồ chứa cần chủ động kiểm tra mực nước các hồ trong cuối mùa mưa để tích đủ nước; tổ chức nạo vét, phát dọn kênh mương, khơi thông cống rãnh, dòng chảy, khắc phục ngay những chỗ hư hỏng, rò rỉ để chống thất thoát nước.

Bên cạnh đó là triển khai thực hiện xây dựng, lắp đặt các hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn, đặc biệt là những vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước. Hơn hết là vận động người dân chuyển đổi cây trồng vùng hạn để vừa tiết kiệm được nước vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất.

Cùng với đó là tuyên truyền người dân dùng nước tiết kiệm. Trong trường hợp thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng ở một số khu vực, chính quyền địa phương cần có giải pháp cấp nước sinh hoạt hỗ trợ cho nhân dân bằng biện pháp chở nước sinh hoạt từ các nơi khác đến.

Ông Trần Văn Lực - Trưởng Ban Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum cho biết, dù đã chủ động phòng tránh ảnh hưởng của hạn hán nhưng tình hình khô hạn diễn biến bất thường nên tình trạng hạn hán vẫn đang xảy ra ở nhiều địa phương của tỉnh. 

“Người dân nên chủ động trong từng hoàn cảnh để triển khai các biện pháp chống hạn phù hợp, hiệu quả với địa phương. Trong đó, chủ yếu là nạo vét, khơi thông dòng chảy trước cửa cống lấy nước, sử dụng nước tiết kiệm. Đối với những khu vực không có công trình thủy lợi, nhân dân sử dụng máy bơm để bơm nước từ các khe suối, ao hồ, đắp đập tạm ngăn suối hoặc đào giếng để chống hạn cho các loại cây trồng”, ông Trần Văn Lực nói.

Quế Mai