Chính sách TN&MT: Sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 16:14, 25/05/2020

(TN&MT) - Công tác sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành cho phù hợp với hệ thống pháp luật và thực tiễn cuộc sống là yêu cầu thiết yếu. Trong công tác quản lý ngành TNMT, yêu cầu này cũng luôn đặt ra và dựa trên những cơ sở nhất định.

Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ TN&MT sẽ dựa trên các cơ sở như: Cở sở khoa học, Cơ sở pháp lý, Cơ sở thực tiễn.

Về cở sở khoa học,  trong đời sống xã hội tồn tại nhiều quan hệ xã hội khác nhau, khi các quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh sẽ là quan hệ pháp luật của một ngành luật nào đó. Thực tiễn cho thấy, các quan hệ xã hội luôn có sự vận động, phát triển; do đó, pháp luật cũng cần phải có sự thay đổi để điều chỉnh các quan hệ xã hội này, việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành là nhu cầu tất yếu, khách quan.

Đối với cơ sở pháp lý, việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật đã được quy định cụ thể trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên năm 1996. Sau đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành năm 2015 cũng đều ghi nhận quy định này.

Theo quy định,  văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền. Văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản khác phải xác định rõ tên văn bản, phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của văn bản bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành.

Khi sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật phải tuân thủ theo đúng các nguyên tắc, quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Pháp luật hiện hành đã có hành lang pháp lý đầy đủ để thực hiện việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật. Quá trình sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật tài nguyên và môi trường thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phải đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật nêu trên.

Ảnh minh họa

Cơ sở thực tiễn nhận thấy, tài nguyên và môi trường là một ngành đa lĩnh vực bao gồm đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước…, có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, liên quan tới sự phát triển bền vững của đất nước.

Chính vì tầm quan trọng của lĩnh vực này, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật. Căn cứ các nội dung được giao theo thẩm quyền và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều thông tư quy định các nội dung trong 09 lĩnh vực: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; viễm thám.

Trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước, cùng với các kiến nghị của địa phương gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường; người dân, doanh nghiệp, cử tri gửi kiến nghị đến các cơ quan nhà nước cho thấy một số nội dung cần thiết phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Có thể lấy ví dụ như tại khoản 1 Điều 13 Thông tư số 38/2015/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản quy định trường hợp tổ chức, cá nhân có Giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn dưới 03 năm thì thực hiện ký quỹ một lần, mức tiền ký quỹ bằng 100% số tiền được phê duyệt, có tính yếu tố trượt giá tại thời điểm ký quỹ.

Trường hợp có Giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn từ 03 năm trở lên thì được phép ký quỹ nhiều lần, số tiền ký quỹ lần đầu phải tính tới yếu tố trượt giá tại thời điểm ký quỹ như Giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn dưới 10 năm thì mức ký quỹ lần đầu bằng 25% tổng số tiền ký quỹ...

Quy định này được cho là gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thời hạn giấy phép ngắn (khoảng 02 năm) nhưng vẫn phải ký quỹ 100% số tiền được phê duyệt, ảnh hưởng đến vốn đầu tư của doanh nghiệp. Để khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa theo chỉ đạo của Chính phủ, cần thiết phải sửa đổi quy định này.

Một ví dụ khác đó là Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT ngày 07/11/2017 của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước có một số vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Cụ thể, theo quy định thì Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ sở có công trình khai thác tài nguyên nước có trách nhiệm đầu tư xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước.

Tuy nhiên, Thông tư chưa có hướng dẫn cụ thể lộ trình thực hiện, cách xây dựng , lắp đặt thiết bị thu nhận, lưu trữ dữ liệu và phần mềm quản lý, xử lý dữ liệu ở địa phương; đồng thời cũng chưa có hướng dẫn quy chuẩn và loại thiết bị đo đạc, cách lắp đặt các thiết bị đo đạc cho các đơn vị khai thác tài nguyên nước.

Vì vậy, hiện nay địa phương chưa thể triển khai thực hiện giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của Thông tư. Trường hợp bắt buộc giám sát lưu lượng khai thác và mực nước tự động đối với các tổ chức, cá nhân thì không khả thi trong quá trình thực hiện, do chi phí láp đặt quá cao nên khó bắt buộc những cơ sở khoảng 200m3/ngày đêm thực hiện, đề nghị nâng lưu lượng khai thác, sử dụng nước để áp dụng.

Đây chỉ là một trong một số nội dung cần thiết phải xem xét, nghiên cứu để sửa đổi bổ sung văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường để đảm bảo phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội, đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bài viết trên cơ sở kết quả của nội dung nghiên cứu thuộc đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp cơ sở “Nghiên cứu cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn nhằm sửa đổi chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường” do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện.

 

Lê Trung Thành - Ngô Bảo Hưng