Bảo tồn đa dạng sinh học vì mục tiêu  phát triển bền vững: Bảo đảm đa dạng cho các sự sống trên Trái đất

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 14:13, 21/05/2020

(TN&MT) - Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT) đã có những chia sẻ với Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, nhân Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22/5/2020).

PV: Chủ đề Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2020 là “Các giải pháp của chúng ta sẵn có ở thiên nhiên”. Vậy, các giải pháp “sẵn có ở thiên nhiên” là gì, thưa bà?

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn:

Các giải pháp dựa trên thiên nhiên là một thuật ngữ có thể được sử dụng để mô tả các phương pháp tiếp cận thay thế và phi truyền thống đối với các vấn đề môi trường, như lũ lụt, khan hiếm nước hoặc xói mòn đất, bằng cách khai thác vốn tự nhiên.

Các giải pháp dựa trên thiên nhiên giải phóng việc xây dựng các công trình biển, hồ chứa, đập và hệ thống thoát nước mà cách tiếp cận cơ sở hạ tầng “xám” sẽ gặp phải một số rủi ro về biến đổi khí hậu. Thay vào đó, các giải pháp dựa trên thiên nhiên có thể bao gồm khôi phục và bảo tồn các rạn san hô và vành đai rừng ngập mặn để tăng cường khả năng chống chịu lũ lụt ven biển và nước biển dâng, đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên giúp tiêu tán năng lượng sóng; thảm thực vật để giảm nguy cơ sạt lở và tạo ra các vành đai xanh để giúp bổ sung nước ngầm ở những khu vực phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước.

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT)

Một số hành động khuyến cáo cho việc áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên chính là tiếp cận hệ sinh thái để giải quyết đồng thời mất đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và suy thoái đất; cân nhắc vấn đề đa dạng sinh học trong phát triển các ngành kinh tế.

PV: Mặc dù, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực từ chủ trương, chính sách đến hành động nhưng thực tế, hệ sinh thái, đa dạng sinh học của Việt Nam liên tục bị suy giảm và suy thoái với tốc độ rất nhanh. Xin bà cho biết rõ hơn về thực trạng này?

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn:

Có thể kể đến tình trạng quản lý các hệ sinh thái (HST) tự nhiên, đặc biệt các HST rừng trên cạn chưa hiệu quả nên ở nhiều địa phương, vẫn diễn ra các hoạt động chặt phá rừng, khai thác gỗ bất hợp pháp có tổ chức ở các khu rừng phòng hộ, vùng đệm khu bảo tồn, hành lang giữa các khu bảo tồn, thậm chí trong vùng lõi rừng đặc dụng; chất lượng rừng suy giảm: Diện tích rừng tự nhiên giảm dần hàng năm trong khi diện tích rừng trồng tăng; từ năm 2005 đến năm 2017, diện tích rừng đã tăng từ 34,6% đến 41,45% do trồng rừng và cải tạo tự nhiên. Tuy vậy, diện tích rừng tự nhiên lại giảm từ 12 triệu ha (1945) còn 2,8 triệu ha (2017) và có 80% trong số này ở mức duy trì kém. Trong giai đoạn 2012 - 2017, diện tích rừng tự nhiên đã mất do chặt phá rừng trái phép chiếm 11%, 89% còn lại do chuyển mục đích sử dụng rừng tại những dự án được duyệt. Trung bình mỗi tháng, cả nước ghi nhận khoảng 806 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.

Tại một số vùng ven biển, ven các đảo lớn gần bờ có sự xung đột giữa phát triển và bảo tồn (phát triển các khu công nghiệp) trên đất khai hoang lấn biển như ở vùng cửa sông châu thổ sông Hồng; vấn đề chất thải từ các nhà máy công nghiệp như Formosa Hà Tĩnh, Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Ninh Thuận; phát triển quá mức lồng bè nuôi ở các vụng, vịnh biển...), đã gây ô nhiễm môi trường và tác động tới HST đất ngập nước ven biển và vùng biển ven bờ. Các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên ở Việt Nam có xu hướng suy giảm diện tích như: Rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, bãi vùng gian triều, rừng tràm, hồ tự nhiên nhưng lại có chiều hướng gia tăng diện tích các kiểu đất ngập nước nhân tạo như (hồ chứa nước, ao nuôi trồng thủy sản, đất trồng lúa, ao xử lý nước thải…).

Điều đáng nói, vẫn còn nhiều bất cập trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, luật pháp và thể chế về bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái. Mặc dù, đã có một hệ thống các văn bản quy định xử lý các vi phạm ở các mức độ khác nhau, từ bồi thường thiệt hại, phạt, xử lý vi phạm hành chính, kể cả theo luật hình sự, nhưng các chế tài áp dụng đối với các hành vi vi phạm các quy định về bảo tồn, phát triển bền vững các hệ sinh thái nói chung và đa dạng sinh học còn nhiều điểm bất hợp lý, chưa đủ răn đe, ngăn cản sự xâm hại, gây tổn thương cho HST.

Khôi phục và bảo tồn vành đai rừng ngập mặn để tăng cường khả năng chống chịu lũ lụt và nước biển dâng

Mặt khác, với phương thức tiếp cận khai thác, sử dụng tự do, nhiều hệ sinh thái tự nhiên quan trọng này đang là những điểm nóng với các xung đột, mâu thuẫn … liên quan đến không gian hoạt động; các giá trị, sản phẩm do các hệ sinh thái mang lại không được phân chia hài hòa và thường bị khai thác quá giới hạn cho phép. Mâu thuẫn trên, dẫn đến nhiều vấn đề, tiềm ẩn các nguy cơ phát triển kém bền vững và một trong những nguy cơ trên là mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển kinh tế tại các hệ sinh thái, xung đột lợi ích giữa các bên liên quan đến các hệ sinh thái và lại tập trung nhiều ở các hệ sinh thái có giá trị đa dạng sinh học, không gian chung của nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, kể cả các hệ sinh thái đã được khoanh vùng bảo vệ, bảo tồn.

Trong khi đó, hiện nay, lực lượng cán bộ làm công tác bảo tồn các hệ sinh thái tại các KBT và các khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao ngoài KBT còn thiếu và yếu. Trong khi đó nguồn lực tài chính đảm bảo thực thi quản lý Nhà nước về hệ sinh thái, khu bảo tồn nói riêng và đa dạng sinh học nói chung còn hết sức hạn chế. Nguồn lực của các tổ chức, cá nhân và các tổ chức phi Chính phủ cho bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái chưa huy động nhiều, do chưa có các cơ chế chính sách phù hợp.

Đồng thời, vẫn còn hạn chế trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng cúa các dịch vụ HST. Các hoạt động điều tra nghiên cứu đa dạng sinh học ở các kiểu đất ngập nước nội địa đặc thù như thủy vực ngầm trong hang động vùng núi đá vôi còn ít được quan tâm.

PV: Vậy những giải pháp nào được đặt ra để chặn đà suy thoái đa dạng sinh học, thưa bà?

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn:

Tôi cho rằng, trước hết, cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học, như: Hoàn thiện pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về đa dạng sinh học; kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý về đa dạng sinh học; xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý về đa dạng sinh học; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ thực thi pháp luật của đội ngũ quản lý đa dạng sinh học từ Trung ương đến địa phương; đa dạng hóa nguồn lực và phương thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm công tác bảo tồn đa dạng sinh học các cấp. Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học trong các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch của các ngành kinh tế có tác động nhiều đến đa dạng sinh học như nông, lâm, ngư nghiệp, du lịch, giao thông, năng lượng, sử dụng đất. Đặc biệt, các khu vực bảo tồn cần được ưu tiên trong các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Đồng thời, huy động sự tham gia của cộng đồng và khu vực tư nhân trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Cần phải tạo được cơ chế để có thể huy động các lực lượng này tham gia vào công tác bảo tồn, thông qua các cơ chế đồng quản lý, cơ chế tự quản và các mô hình hợp tác công tư nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, kiểm soát chặt chẽ các tác động lên đa dạng sinh học, đặc biệt là tác động từ các dự án phát triển thông qua việc thực hiện tốt đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường.

Chúng ta cũng cần triển khai các chương trình bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học, ưu tiên cấp độ hệ sinh thái và loài. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học nhằm thay đổi mẫu hình tiêu thụ bền vững đối với tài nguyên sinh vật. Mở rộng hợp tác quốc tế, huy động hỗ trợ và chuyển giao công nghệ nhằm tăng cường hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Yến Thi (thực hiện)