Đồng bằng sông Cửu Long: Xây dựng cơ chế điều phối vùng hiệu lực, hiệu quả

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 17:45, 13/05/2020

(TN&MT) - Để tăng cường mối liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ về thành lập Hội đồng điều phối Vùng ĐBSCL và khoản vay hỗ trợ chính sách phát triển cho vùng quy mô dự kiến khoảng 1 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025. Cơ chế này nhằm điều hành, giải quyết các vấn đề một cách đồng bộ vì lợi ích chung của cả vùng, đồng thời, tạo sự xuyên suốt trong chỉ đạo và liên kết phát triển kinh tế - xã hội.

Giảm dần tính cục bộ địa phương

Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ xác định, điều phối vùng là vấn đề mang tính cấp thiết. Điều này xuất phát từ thực tế cơ cấu kinh tế giữa các tỉnh trong vùng tương tự nhau với thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, dẫn tới có sự cạnh tranh lẫn nhau. Việc đầu tư bị trùng lắp, dàn trải, không gian kinh tế vùng bị chia cắt khiến nguồn lực phân tán, không thể phát huy tiềm năng của cả vùng. Thêm vào đó, những năm gần đây, khu vực này liên tục tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng lớn đến sản xuất hàng hóa nông, lâm, thủy sản và sự phát triển kinh tế - xã hội môi trường trong vùng.

Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang dần hình thành các mô hình liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao

Bước chuyển của vùng bắt đầu từ khi triển khai Quyết định 593/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 (Quyết định 593). Trong 4 năm thực hiện, các Bộ, ngành đã tích cực chủ trì phối hợp với các địa phương triển khai các dự án quy mô lớn sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với lúa gạo, trái cây, thủy sản và một số mặt hàng nông nghiệp. Bên cạnh đó, xây dựng các cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ cho nền kinh tế nông nghiệp, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông sản, nhất là chế biến sâu, chế biến tinh…

Quá trình hiện thực hóa các thỏa thuận hợp tác, giữa các địa phương đã dần hình thành một số mô hình liên kết. Điển hình là Chương trình hợp tác ABCD MeKong, gồm các tỉnh An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao. Các địa phương đã liên kết, cùng nhau xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, nhằm nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Diễn đàn Mekong connect, diễn đàn kinh tế do các tỉnh ABCD Mekong phối hợp được tổ chức thường xuyên, có nhiều nội dung đi vào chiều sâu để giải quyết các vấn đề chung của vùng ĐBSCL như làm thế nào để phát huy tài nguyên bản địa, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, kết nối nhà sản xuất và nhà phân phối sản phẩm, chuỗi giá trị sản phẩm…

Đồng thời, nhận thấy những điểm tương đồng về thế mạnh, tiềm năng cũng như cơ hội để cùng nhau phát triển, tỉnh Bến Tre cùng với các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh xây dựng ”Đề án Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL”. Đây là những mô hình liên kết sử dụng linh hoạt nguồn lực từ khu vực tư để phục vụ các nhu cầu kết nối thị trường, cung cấp sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông sản chủ lực của từng địa phương. Sau Quyết định 593/QĐ-TTg và Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, các tỉnh trong khu vực đã phần nào định hướng bước đi khá cụ thể trong tiến trình liên kết và hợp tác phát triển, nhằm xây dựng Đề án Liên kết giữa các tỉnh với định hướng mục tiêu đến năm 2030.

Huy động, điều phối nguồn lực hiệu quả

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng số vốn đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 Vùng ĐBSCL là xấp xỉ 194 nghìn tỷ đồng (chưa bao gồm phần vốn dự phòng), chiếm 16,53%  so với cả nước. Số vốn này chủ yếu rót vào lĩnh vực nông nghiệp, giao thông vận tải và y tế nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, nguồn vốn bổ sung ngoài kế hoạch trung hạn là hơn 14 nghìn tỷ đồng cho một số dự án cấp bách của của Vùng và xử lý tình huống cấp bách do sạt lở. Trong 5 năm tới, Vùng cần nguồn vốn khoảng 1 tỷ USD để đầu tư phát triển bển vững.

Trong 5 năm tới, Đồng bằng sông Cửu Long cần khoảng 1 tỷ USD để đầu tư phát triển bền vững

Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi  khí hậu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế tài chính riêng cho vùng ĐBSCL.

Theo đó, việc hỗ trợ ngân sách bổ sung sẽ được giải ngân theo đợt, phù hợp với nhu cầu đầu tư được xác định trong kế hoạch đầu tư trung hạn của quốc gia và tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; hỗ trợ đầu tư vào các hoạt động liên kết vùng, các chương trình, dự án liên kết vùng (nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi...), các dự án hạ tầng quan trọng mang tính liên vùng, ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo nguồn nước ngọt cho sản xuất và đời sống, cho người dân, các dự án cấp bách giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt cản trở sự phát triển. Tăng hỗ trợ tài chính từ trung ương cùng trách nhiệm tài khóa từ các tỉnh Vùng ĐBSCL hướng tới một khuôn khổ đầu tư hạ tầng phối hợp hơn, thông qua cơ chế tài trợ đối ứng, bao gồm một phần cấp phát, một phần cho vay lại đối với các tỉnh…

Để điều phối các nguồn lực tập trung phục vụ phát triển vùng hiệu lực, hiệu quả, Bộ KH&ĐT cũng đang dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ về thành lập Hội đồng điều phối Vùng ĐBSCL. Cơ quan này có nhiệm vụ phối hợp với các địa phương thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và giám sát việc triển khai thực hiện quy hoạch theo đúng quy định của Luật quy hoạch. Hội đồng sẽ thông qua kế hoạch điều phối liên kết hàng năm; thống nhất kế hoạch liên kết các địa phương trong vùng; thông qua danh mục đầu tư các chương trình, dự án liên kết vùng và các dự án mang tính liên kết vùng; tổ chức giám sát và kiểm tra thực hiện. Đây cũng là cơ quan thực hiện theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện các liên kết, tháo gỡ, giải quyết các vấn đề nảy sinh về điều phối vùng.

 

Ngọc Thanh